Đó là nhận định được đưa ra trong báo cáo của công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC). Theo đó, số liệu thống kê của NHNN cho thấy, CAR của hệ thống các tổ chức tín dụng giảm liên tục. Nếu như tại thời điểm cuối năm 2016, CAR của toàn hệ thống là 12,84%, thì đến cuối tháng 05/2017 đã giảm về còn 12,66%, đó là đã loại bỏ các TCTD có vốn tự có âm.
Theo Ủy ban giám sát tài chính Quốc gia, kết quả áp dụng tiêu chuẩn an toàn vốn theo Basel 2 tại 10 TCTD thí điểm là: Vietcombank, BIDV, Vietinbank, ACB, MBB, Sacombank, Techcombank, VPBank, VIB và MaritimeBank cho thấy hệ số CAR giảm mạnh so với số báo cáo hiện tại, chủ yếu do tài sản có quy đổi rủi ro tăng. Đơn cử, đối với bốn NHTM Nhà nước lớn, CAR theo báo cáo hiện tại đã tiệm cận mức 9%, nếu áp dụng Basel 2 thì CAR sẽ giảm xuống dưới 8%.
Theo quan sát của BVSC, các NHTM gốc quốc doanh tiếp tục gặp nhiều khó khăn trong việc tăng vốn. Vietcombank, BIDV, Vietinbank chưa thành công trong việc tìm đối tác chiến lược cũng như không được tạo nhiều điều kiện để chia cổ tức bằng cổ phiếu nhằm tăng vốn trong năm 2017.
Trong khi đó, ở nhóm NHTMCP, hoạt động tăng vốn diễn ra có phần thuận lợi hơn. Điển hình như HD Bank mới đây đã tăng vốn thành công lên mức hơn 9.800 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu riêng lẻ. Còn trước đó, MB cũng tăng vốn thêm 1.000 tỷ đồng lên 18.155 tỷ đồng; VPbank tăng vốn thêm 1.647 tỷ đồng, lên mức 15.706 tỷ đồng; ACB tăng vốn thêm 1.882 tỷ đồng, lên mức 11.259 tỷ đồng…
Trên thực tế, việc tăng vốn được coi là nhiệm vụ cấp bách của ngành ngân hàng hiện nay vì nếu không tăng được vốn, các ngân hàng sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc tăng trưởng tín dụng trong các năm sắp tới khi hệ số CAR suy giảm. Do vậy, BVSC cho rằng tăng vốn sẽ là một trong những câu chuyện trọng tâm của ngành ngân hàng trong năm 2018, đặc biệt là các NHTM cổ phần gốc quốc doanh như VCB, CTG, BID.