Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Thống kê, trong bảy tháng đầu năm nay có đến 17.794 doanh nghiệp (DN) bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy tạm ngừng hoạt động hoặc chờ giải thể. Con số này tăng hơn 14% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đáng chú ý là nếu thống kê DN hoạt động theo lĩnh vực thì trong bảy tháng đầu năm nay lĩnh vực bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy có DN tạm ngừng hoạt động dẫn đầu về số lượng, chiếm tới 41% tổng số DN “chết lâm sàng” trên cả nước.
Vì sao DN ở lĩnh vực ô tô lại “chết” nhiều như vậy?
Đột ngột xoay chiều
Kinh doanh ô tô và dịch vụ sửa chữa ô tô trong mấy năm trở lại đây được các chuyên gia đánh giá là lĩnh vực có tiềm năng lớn, khi nhu cầu mua ô tô của người dân ngày càng tăng cao. Bằng chứng rõ nhất là nhiều hãng ô tô nổi tiếng thế giới đổ mạnh tiền đầu tư vào thị trường Việt.
Thế nhưng mọi chuyện lại đột ngột xoay chiều từ đầu năm 2017 đến nay khi nhiều đại lý bán lẻ, sửa chữa ô tô than lỗ chổng vó vì sức tiêu thụ xe đột ngột giảm sâu khiến các hãng xe đua nhau giảm giá, giảm lợi nhuận nhưng vẫn ít người mua.
Lao đao từ nửa đầu năm nay với việc kinh doanh lẫn sửa chữa xe, ông Bùi Xuân Trường, Giám đốc Công ty kinh doanh ô tô Trường Thành (Hà Nội), chia sẻ: Sở dĩ các DN kinh doanh, sửa chữa ô tô chết như rạ vì người tiêu dùng Việt đang có chung suy nghĩ chờ đợi mua xe giá rẻ vào năm 2018 khi thuế nhập khẩu xe từ các nước ASEAN vào Việt Nam từ 30% sẽ giảm về 0%.
Nhiều dự báo cho thấy ngành ô tô Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh trong thời gian tới. Ảnh: QUANG HUY
“Trước tình thế này, các hãng xe đua nhau giảm giá, giảm lợi nhuận, buộc các đại lý cũng phải giảm giá. Điều này khiến các đại lý ô tô lỗ nặng. Kinh doanh ô tô cũ cũng lỗ đầm đìa, bởi xe mới giảm cả trăm triệu đồng thì xe cũ phải giảm theo, bán lỗ 50-100 triệu đồng/xe là chuyện bình thường. Lỗ nhưng vẫn phải trả chi phí thuê mặt bằng, lương nhân viên, thuế phí các loại… nên người kinh doanh ô tô rất nản” – ông Trường phân tích.
Cùng chung tâm trạng, chủ một DN kinh doanh ô tô ở quận 11, TP.HCM vừa đóng cửa một đại lý cho biết thêm dù người Việt mua ô tô nhiều nhưng chủ yếu là xe mới. “Xe mới 1-2 năm đầu ít hỏng hóc, chủ yếu chỉ thay dầu, thay lốp… chứ ít sửa chữa lớn. Xe mới bán không được, cộng thêm nguồn thu quá ít từ dịch vụ sửa chữa không bù đắp được khoản lỗ kinh doanh xe nên chúng tôi quyết định đóng cửa” – đại diện DN trên ngậm ngùi.
Ở góc nhìn khác, ông Nguyễn Minh Đồng, chuyên gia lĩnh vực ô tô, cho rằng hiện các DN kinh doanh, sửa chữa ô tô chết nhiều chủ yếu nằm ở phân khúc xe nhập khẩu. Những đơn vị này phụ thuộc quá lớn vào linh kiện và phụ tùng nhập khẩu, trong khi đó linh kiện, phụ tùng được nhập khẩu về lại chủ yếu do một số ông lớn được ủy quyền định đoạt.
“Chính điều này dẫn đến tình trạng độc quyền của một số ông lớn và tạo ra sự cạnh tranh thiếu lành mạnh để giành thị phần giữa lúc thị trường ô tô giảm sức mua. Ví dụ, các DN nắm trong tay nguồn linh kiện, phụ tùng nhập khẩu sẽ làm khó, bán giá cao hoặc không muốn bán thì các gara ô tô nhỏ, nằm ngoài hệ thống chính hãng chỉ có nước… bó tay, phá sản” – ông Đồng phân tích.
Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) vừa công bố báo cáo cho biết trong tháng 7 vừa qua, doanh số bán hàng của toàn thị trường đạt hơn 20.600 xe, giảm mạnh 15% so với tháng trước đó và giảm 27% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó riêng sản lượng của xe lắp ráp trong nước đạt gần 14.800 xe, giảm 14% so với tháng trước và xe nhập khẩu nguyên chiếc đạt khoảng 5.900 xe, giảm 17%.
Sau cơn mưa trời lại sáng?
Bên cạnh khó khăn về thị trường, nhiều DN còn cho biết đang gặp vướng mắc về điều kiện sản xuất, môi trường kinh doanh chưa thực sự thuận lợi. Trong đó các điều kiện về lắp ráp, nhập khẩu, bảo hành, bảo dưỡng ô tô… quá khắt khe khiến nhiều DN không thể đáp ứng nổi đành tạm ngừng hoạt động.
“Chúng tôi đã đầu tư rất nhiều tiền vào các showroom, thuê nhân viên, đầu tư các gara sửa chữa để bảo hành cho khách nhưng nhiều DN không thể cầm cự nổi đã phải đóng cửa. Do vậy nếu các điều kiện khắt khe được cởi mở thì có thể các đơn vị này hoạt động trở lại” – đại diện một DN kinh doanh ô tô nhỏ nói.
Phân tích thêm về lĩnh vực kinh doanh ô tô, bà Nguyễn Thị Hiền, chủ đại lý Hiền Toyota tại TP.HCM, nhận định những DN quy mô nhỏ lẻ, yếu năng lực sẽ hết đất sống khi khách hàng ngày càng có nhiều sự lựa chọn cạnh tranh hơn. Theo đó, khách hàng chỉ mua ô tô, giao chiếc xe mình muốn sửa chữa cho những nơi có cơ sở vật chất hiện đại, chuyên nghiệp, uy tín và chi phí hợp lý. Trong khi những salon ô tô nhỏ, thiếu chuyên nghiệp sẽ không còn phù hợp với tình hình mới.
“Nhiều dự báo cho thấy ngành ô tô Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh trong thời gian tới. Tuy nhiên, mẫu xe, công nghệ và sở thích của người tiêu dùng Việt cũng thay đổi rất nhanh, liên tục. Nếu DN không thích nghi kịp, không đủ tiềm lực và sự chuyên nghiệp sẽ bị đào thải” – bà Hiền nhấn mạnh.
Với góc nhìn tương tự, Giám đốc Công ty Ô tô Trường Thành Bùi Xuân Trường cho rằng dù hiện nay kinh doanh ô tô đang gặp khó nhưng năm 2018 sẽ khởi sắc trở lại.
“Đặc biệt là thị trường xe giá rẻ vừa túi tiền với đa số người Việt sẽ sôi động khi các hãng xe Nhật Bản như Toyota, Suzuki, Honda cũng nhảy vào phân khúc này. Khi đó có thể nhiều DN sẽ lại nhảy vào kinh doanh trong lĩnh vực ô tô” – ông Trường dự báo.
Ô tô cũ cũng phải có ủy quyền chính hãng
Bộ Công Thương vừa có văn bản trình Chính phủ về việc đưa những điều kiện ràng buộc các DN nhập ô tô cũ vào nghị định quy định điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô.
Theo đó, Bộ Công Thương đã đưa ra hai phương án lựa chọn. Thứ nhất, DN nhập khẩu ô tô cũ cũng sẽ phải có giấy xác nhận của nhà sản xuất ở nước ngoài về việc chỉ định DN nhập khẩu và thay mặt nhà sản xuất triệu hồi khi xảy ra lỗi. Phương án 2, các điều kiện về giấy ủy quyền nhập khẩu và triệu hồi khi có lỗi chỉ áp dụng với xe mới, còn xe cũ được loại trừ.
Bộ Công Thương đã đề xuất chọn phương án 1 vì cho rằng ô tô cũ nhập khẩu phải được quản lý chặt chẽ như đối với ô tô mới nhập khẩu nhằm hạn chế khả năng gây ảnh hưởng quyền lợi người tiêu dùng và môi trường.