Vì sao cùng là đồ chơi Đan Mạch doanh số tậm tịt ở Mỹ nhưng qua Đức nhanh chóng thành công dù không hề thay đổi gì?

Trong một cuộc hội thảo chia sẻ với giới trẻ về kinh tế học mới đây, nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan nhấn mạnh: “Trong cuộc sống có nhiều mặt. Chính trị không thể thoát khỏi kinh tế. Mà kinh tế thì không thoát khỏi văn hóa. Không hiểu văn hóa là không làm được gì”. Quả thực có trong tay cả hai loại mật mã, mật mã của nền văn hóa nước nhà và mật mã của nền văn hóa ngoại quốc, một công ty sẽ được trang bị đầy đủ công cụ để thành công trên thương trường.

Trên thế giới có thể kể đến trường hợp của Lego. Công ty đồ chơi của Đan Mạch, lập tức có được thành công trên thị trường Đức với sản phẩm đồ chơi xếp hình, trong khi doanh số bán hàng tại Mỹ thì tậm tịt.

Lãnh đạo của công ty tin rằng một trong những lý do chính cho thành công của họ là chất lượng của những bản hướng dẫn được cung cấp trong mỗi hộp đồ chơi giúp trẻ em lắp ghép những món đồ cụ thể (một chiếc xe, một chiếc tàu vũ trụ) mà hộp miếng ghép đó quy định. Những bản hướng dẫn đó đúng là một đột phá trong thể loại này: Chính xác, đầy màu sắc và hết sức rõ ràng. Họ đã tạo ra nghệ thuật lắp ghép những mẩu Lego không chỉ đơn giản, mà còn có phần kỳ diệu. Nếu làm theo hướng dẫn, những miếng ghép nhỏ xíu được sắp xếp đúng cách sẽ biến thành một thứ gì đó to lớn hơn.

Trẻ em Mỹ không có được sự tỉ mỉ như vậy. Chúng sẽ xé toang chiếc hộp, đọc lướt qua hướng dẫn (nếu chúng có nhìn thấy) và lập tức sắp xếp theo cách của riêng mình. Có lẽ chúng sẽ có một khoảng thời gian tuyệt vời nhưng nhiều khả năng chúng sẽ lắp một pháo đài chứ không phải là một chiếc ô tô như hướng dẫn. Và khi hoàn thành, chúng sẽ tháo dỡ pháo đài ra và lắp ghép lại từ đầu. Điều nay khiến Lego lo ngại vì một hộp đồ chơi Lego có thể chơi được hàng năm trời.

Tuy nhiên, tại Đức, chiến lược của Lego hoạt động đúng như mong đợi. Trẻ em Đức mở một hộp Lego, tìm bản hướng dẫn, đọc thật cẩn thận, rồi sắp xếp các khối theo màu. Chúng bắt đầu lắp ghép, so sánh tiến trình của mình với những hình minh họa chính xác và hữu ích trong bản hướng dẫn. Khi hoàn thành, chúng sẽ có một bản sao y hệt của sản phẩm được in trên bìa hộp. Chúng khoe với mẹ và người mẹ sẽ vỗ tay tán thưởng rồi đặt món đồ chơi đó lên giá. Và giờ thì bọn trẻ sẽ cần một hộp lego khác.

Tính kỷ luật, trật tự của người Đức

Một cách tình cờ, Lego đã tận dụng được mật mã văn hóa người Đức: Trật tự. Qua nhiều thế hệ, người Đức đã hoàn thiện bộ máy hành chính của mình để cố gắng ngăn chặn những biến động không ngừng xảy đến với họ và từ nhỏ người Đức đã hằn sâu dấu ấn của mật mã mạnh nhất trong các loại mật mã này. Dấu ấn đó khiến những đứa trẻ nghiêm túc đọc bản hướng dẫn và mật mã đó ngăn chúng khỏi việc lập tức phá hủy công trình hoàn hảo của mình để xây dựng một công trình hoàn toàn mới khác. Những hướng dẫn tinh tế, đầy màu sắc của Lego đã tận dụng được mật mã Đức theo cách đảm bảo sản phẩm của họ duy trì được doanh số.

Có nhiều giả thuyết lý giải cho đặc điểm tính cách kỷ luật và trật tự của người Đức. Có người cho rằng điều này xuất phát từ nền tảng nghề thủ công lâu đời của nước này. Nước Đức bắt đầu tổ chức một số ngành nghề (ví dụ thợ mộc) rất sớm, khoảng năm 1300, tập trung kiến thức về thực hành để từ đó đạt được mức kỹ năng cao hơn. Cho đến ngày nay muốn trở thành một thợ mộc người Đức phải học tới 3 năm toàn thời gian, sau đó bạn mới được làm việc trong ngành này. Và bạn cần thêm 3 năm nữa để trở thành một thợ bậc thầy và dạy cho người học việc của mình.

Tính kỷ luật của người Đức còn được cho rằng bắt nguồn từ điều kiện khí hậu, thời gian và tôn giáo. Thường ở những nước phân chia rõ thời tiết theo từng mùa, con người có xu hướng hoạt động mang tính hệ thống, kỷ luật bởi liên quan đến yếu tố trồng trọt, mùa vụ.

Thậm chí năm 2014, người Đức sang Brazil xây hẳn một khu resort riêng tại vùng biển Camp Bahia để đội tuyển World Cup luyện tập cho quen khí hậu. Đầu bếp, bác sĩ đến lao công đều là người Đức. Trong khu resort này có 14 biệt thự hai tầng bao gồm 64 căn hộ. Mỗi biệt thự đều có thể chứa được tới 6 cầu thủ của đội 23 người, cũng như các thành viên của khác của đoàn lên đến 39 người.

Liên đoàn bóng đá Đức cũng vận chuyển 23 tấn hành lý và thiết bị luyện tập cho thời gian đội tuyển ở Brazil, bao gồm xe đạp leo núi, bida, thậm chí cả các con dao cạo. Một trung tâm truyền thông và một sân bóng đá điều chỉnh theo tiêu chuẩn Fifa, đầy đủ với một cơ sở đi kèm cho đào tạo thủ môn cũng được xây dựng trong khoảng cách đi bộ. Khu resort này sau World Cup được tặng lại cho nước chủ nhà như một món quà kỷ niệm.

Tuy nhiên tính trật tự, kỷ luật cũng là một bất lợi, trói buộc sự tự do sáng tạo. Điển hình cho nhất phải kể đến nhà khoa học lỗi lạc của nhân loại Albert Einstein. Thủa thơ ấu, ông là một học sinh không phục tùng tại trường trung học ở Munich. Theo lời kể của em gái ông: “Anh ấy rất không thoải mái ở trường.” Với ông, phương pháp giáo dục, theo lối học vẹt, không chấp nhận việc hoài nghi, thật đáng ghét.

“Giọng điệu quân phiệt của nhà trường, lối đào tạo theo kiểu tôn thờ quyền uy một cách có hệ thống để buộc các học sinh quen với kỷ luật quân đội từ nhỏ, thật sự vô cùng đáng khó chịu”, Einstein từng nhấn nhớ lại.

Với ông việc học hành áp đặt đều vô cùng tẻ nhạt và vô nghĩa. Những năm sau đó, ông ví giáo viên của mình với quân nhân. Ông nói: “Đối với tôi, các giáo viên tại trường tiểu học giống như hạ sĩ quan huấn luyện, còn giáo viên ở trường trung học giống như trung úy vậy.”

Đến năm 16 tuổi, Einstein nghỉ học tại trường trung học Luitpold không rõ do bị buộc phải nghỉ hay đề nghị nghỉ học một cách lịch sử bởi những phản kháng. Cũng trong năm này ông không quay lại Munich, nhờ cha mình giúp ông từ bỏ quốc tịch và rời khỏi Đức.

Vì sao Đan Mạch chịu sức ép giảm thuế lớn nhất thế giới?

Bài viết mới