Cuối năm 2005, theo kế hoạch, Tổng công ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) phải hoàn thành các thủ tục cần thiết để tiến hành cổ phần hóa mạng di động VinaPhone. Tuy nhiên, phương án cổ phần mạng di động từng là số 1 Việt Nam chưa một lần được hé lộ. Thời điểm đó, MobiFone vẫn thuộc VNPT và thương hiệu viễn thông số 1 Việt Nam lúc đó dự kiến cổ phần hoá MobiFone trước VinaPhone.
Theo giải thích của ông Trần Mạnh Hùng, Phó tổng giám đốc VNPT vào năm 2005 (ông Hùng hiện là Chủ tịch HĐTV VNPT), việc cổ phần hoá cả 2 mạng di động liền một lúc là không thể khi VNPT chưa có kinh nghiệm trong việc cổ phần hoá một mạng di động. Một lý do khác khiến việc cổ phần hóa VinaPhone gặp khó khăn là công ty này không phải đơn vị hạch toán độc lập. Hoạt động sản xuất kinh doanh của VinaPhone phụ thuộc vào hệ thống cơ sở hạ tầng sẵn có của công ty mẹ VNPT. Để tiến hành cổ phần hóa thì VinaPhone cần hạch toán riêng.
Mãi đến tận năm 2015, sau Quyết định số 888/QĐ –TTg của Thủ tướng chính phủ phê duyệt Đề án tái cơ cấu VNPT, VinaPhone (Tổng Công ty Dịch vụ viễn thông VNPT-VinaPhone) mới tách ra thành một công ty con hạch toán độc lập. Việc tái cấu trúc đưa VinaPhone trở thành đơn vị kinh doanh tất cả các dịch vụ của VNPT, không chỉ dịch vụ di động mà còn cả dịch vụ Internet (MegaVNN, FiberVNN), điện thoại cố định, dịch vụ truyền hình MyTV… Tuy nhiên, sau quyết định số 888 thì câu chuyện cổ phần hóa VinaPhone không còn được nhắc đến nữa bởi việc cổ phần sẽ tập trung vào công ty mẹ – VNPT.
Những con số bất ngờ khi “ra riêng”
Vào thời điểm ra mắt mô hình mới, Tổng công ty Dịch vụ viễn thông VinaPhone (VNPT-VinaPhone) đặt kế hoạch khá tham vọng. Công ty có vốn điều lệ là 5.200 tỷ đồng, mục tiêu đến năm 2020 đạt doanh thu 26.000 tỷ, lợi nhuận trước thuế là 3.300 tỷ, tốc độ tăng trưởng bình quân là 49%/năm và chiếm 30% thị phần dịch vụ di động.
Giữa năm 2016, khi VNPT lần đầu tiên công bố số liệu kinh doanh của riêng VinaPhone kể từ thời điểm hạch toán độc lập, những con số thực tế khiến rất nhiều người bất ngờ. Lợi nhuận 6 tháng cuối năm 2015 (tính từ lúc được tách ra để hạch toán riêng) của VinaPhone đạt 121% kế hoạch nhưng chỉ là 471 tỷ đồng và doanh thu là 14.495 tỷ đồng (đạt 100,1% kế hoạch). Thời điểm đó, nếu giả định là lợi nhuận của 6 tháng đầu năm VinaPhone đạt tương đương cuối năm thì con số của cả năm 2015 chỉ khoảng hơn 900 tỷ đồng, chỉ bằng 1 tuần lợi nhuận của Viettel tạo ra cùng năm.
Nếu so sánh với những công ty kém lợi thế hơn rất nhiều trong ngành viễn thông là FPT Telecom, VinaPhone cũng có lợi nhuận thấp hơn (lợi nhuân năm 2015 của FPT Telecom là 1.040 tỷ). VinaPhone cần tới 35 đồng doanh thu mới tạo ra 1 đồng lợi nhuận, tức tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu chỉ vào khoảng 3%, một mức rất thấp không chỉ trong ngành viễn thông. Trong khi đó, FPT Telecom, MobiFone và Viettel đều có tỷ suất lợi nhuận vào khoảng 20%, tức cứ 5 đồng doanh thu tạo ra 1 đồng lãi.
Những số liệu mới và mục tiêu 2019
Sau khi thực hiện tái cơ cấu theo Quyết định 888, VNPT có nhiều thay đổi, đạt được nhiều thành tựu đáng kể. Lợi nhuận của VNPT sau 3 năm tái cơ cấu liên tiếp tăng trưởng 25%/năm. Tổng lợi nhuận hợp nhất đạt 10.220 tỷ đồng trong giai đoạn 2014 – 2016. Tổng doanh thu của Tập đoàn đạt 154.876 tỷ đồng, tỷ lệ tăng trưởng doanh thu bình quân là 4,3%/năm; nộp ngân sách Nhà nước 11.208 tỷ đồng.
Tính đến hết tháng 6 năm 2017, VNPT đạt lợi nhuận 2.390 tỷ đồng, bằng 50,4% kế hoạch năm, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm trước, doanh thu toàn tập đoàn đạt 68.000 tỷ đồng, bằng 47,3% kế hoạch năm và 106% so với cùng kỳ.
Số lượng thuê bao của VNPT tính đến giữa năm nay cũng tăng trưởng mạnh mẽ, đặc biệt là số thuê bao di động, dịch vụ băng rộng cố định và dịch vụ công nghệ thông tin.
VinaPhone cũng gặt hái được những thành công nhất định. Năm 2016, công ty này đạt doanh thu 37.384 tỷ đồng, tăng gần 35% so với 2015. Lợi nhuận sau thuế đạt 881 tỷ. Năm 2017, theo đánh giá của Brand Finance – tổ chức định giá thương hiệu độc lập hàng đầu thế giới, thương hiệu VinaPhone được định giá là 314 triệu USD – đứng thứ 8 tại Việt Nam, tăng 1 bậc so với năm 2016. Với công ty mẹ là VNPT, thương hiệu được định giá tới 726 triệu USD – đứng thứ 3 tại Việt Nam, chỉ sau Viettel và Vinamilk (2 thương hiệu tỷ đô của Việt Nam).
Hiện tại, Sách trắng về CNTT của Việt Nam ghi nhận thị phần thông tin di động là VNPT chứ không còn nêu tên VinaPhone. Theo đó, VNPT-VinaPhone chiếm 22,2% thị phần – đứng thứ 3 tại Việt Nam (sau Viettel và MobiFone), với khoảng hơn 30 triệu thuê bao.
Tháng 8/2017, Bộ Thông tin và Truyền thông thành lập Ban chỉ đạo Đổi mới và phát triển doanh nghiệp thuộc bộ. Cơ quan này khuyến cáo về lộ trình hoàn thành cổ phần hoá VNPT phải thực hiện là năm 2019. Chủ tịch HĐTV VNPT – ông Trần Mạnh Hùng (người từng giải thích lý do VinaPhone khó cổ phần hoá trước đây) khẳng định, tập đoàn này sẽ triển khai kế hoạch cổ phần hoá đúng tiến độ, quy định.
Sau khi cổ phần hóa, Nhà nước dự kiến bán ra bên ngoài tối thiểu 35% cổ phần, nắm giữ 50% đến dưới 65% vốn điều lệ VNPT.