Vì sao cổ đông chiến lược ‘thờ ơ’ với DNNN?

Chia sẻ trong hội thảo công bố báo cáo nghiên cứu về cổ đông chiến lược trong cổ phần hóa DNNN do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức, các chuyên gia tài chính đã chỉ ra những nguyên nhân khiến quá trình cổ phần hóa DNNN và quá trình tìm kiếm cổ đông chiến lược của các DN này chưa hiệu quả.

Nhà đầu tư chưa biết sẽ mua gì

Theo đánh giá của TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM, trong thời gian qua, Chính phủ đã coi công tác cổ phần hóa thoái vốn tại hệ thống DNNN là một trong những nhiệm vụ cải cách trọng tâm của kinh tế vĩ mô. Theo đó, từ năm 1992 đến nay, chúng ta đã thực hiện cổ phần hóa trên 4.500 DNNN.

Năm 2016, với cam kết mạnh mẽ thúc đẩy cổ phần hóa DNNN, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 58/2016/QĐ-TTg về tiêu chí phân loại DNNN, trong đó xác định rõ danh mục DNNN sẽ thực hiện cổ phần hóa đến năm 2020 bao gồm nhiều tập đoàn, tổng công ty quy mô lớn.

Nhưng trên thực tế, quá trình này vẫn chưa đạt được các mục tiêu, tiến độ đặt ra. Trong đó, có mục tiêu bán cổ phần cho các nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư chiến lược còn nhiều khó khăn, vướng mắc.

Theo khảo sát của CIEM, với 46 tổng công ty được phê duyệt phương án cổ phần hóa giai đoạn 2011-2016 thì có 14 DN trong phương án cổ phần hóa không bán cho nhà đầu tư chiến lược, 2 DN bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược với tỉ lệ cao hơn phương án được phê duyệt, 17 DN bán hết số cổ phần cho cổ đông chiến lược theo tỉ lệ được phê duyệt, 9 DN không bán được cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược và 4 DN còn lại không bán hết số cổ phần được phê duyệt cho nhà đầu tư chiến lược.

Báo cáo về cổ phần hóa DNNN của CIEM cũng chỉ ra 5 nguyên nhân chính dẫn tới việc cổ phần hóa DNNN chưa thu hút được cổ đông chiến lược.

Nguyên nhân đầu tiên khiến các nhà đầu tư dè dặt trong việc tham gia góp vốn vào DNNN là bị giới hạn tỉ lệ sở hữu ở mức thấp.

Thống kê hiện tại có 54 ngành, lĩnh vực được Nhà nước quy định nhà đầu tư nước ngoài không được phép tham gia. Ngoài ra còn có 113 ngành, lĩnh vực kinh doanh có điều kiện quy định sở hữu nước ngoài không quá 49%.

Theo đại diện Ban Cải cách và Phát triển doanh nghiệp (CIEM), trong số 28.369 tỷ đồng được phê duyệt bán cho nhà đầu tư chiến lược, chỉ có 12.762 tỷ đồng đã bán được, đạt chưa đến 1/2 con số được phê duyệt.

Điều này là do tỉ lệ bán cho nhà đầu tư chiến lược được phê duyệt thường nhỏ và là nhân tố làm giảm sự quan tâm của các nhà đầu tư chiến lược nói chung và các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài nói riêng.

Ngoài ra, việc xác định giá trị DN và bán cổ phần tại các DNNN chưa phù hợp với thông lệ quốc tế và chưa phản ánh đúng giá trị của DN, cùng với việc thiếu công khai, minh bạch thông tin trong tiến trình cổ phần và thoái vốn cũng như trong quá trình hoạt động là những nguyên nhân khiến nhà đầu tư e ngại.

Theo báo cáo, hiện nay chỉ có khoảng 241/620 DN thực hiện công bố thông tin theo quy định. Trong khi phần lớn còn lại không công bố đủ 9 loại báo cáo thông tin cần thiết cho nhà đầu tư.

“Nhà đầu tư nước ngoài quan tâm tới DNNN Việt Nam, nhưng khi chuẩn bị tham gia cổ phần hóa, thẩm định mới phát hiện ra 4-5 vấn đề chưa được giải quyết nên sự hứng thú với DN sẽ giảm đi. Hiện nay, tại nhiều DN nhà đầu tư không biết mình đang mua cái gì. Định giá DN không minh bạch cũng là lý do nhà đầu tư dè dặt trong việc đầu tư vào DNNN tại Việt Nam”, ông Adam Sitkoff, Giám đốc Điều hành, Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam cho biết.

Cùng với đó, các DNNN kém hấp dẫn đối với các nhà đầu tư quốc tế trong tiến trình cổ phần hóa còn do khả năng sinh lời thấp. Dù tỉ suất lợi nhuận trên vốn chủ (ROE) của toàn bộ DNNN đạt 15-17%/năm nhưng không đồng đều với mọi DN.

Cụ thể, trong hàng loạt DNNN lớn thì Viettel và PVN đóng góp tới hơn 70% lợi nhuận trong năm vừa qua, trong khi những DN khác như SCIC, EVN, VEAM hay ACV… chỉ đóng góp tổng cộng chưa tới 30% lợi nhuận.

“Lợi nhuận khủng của một số ít công ty khiến bức tranh lợi nhuận của DNNN tươi sáng một cách sai lạc. Phần lớn các DN ROE đạt dưới 10%. Thậm chí nhiều DNNN thua lỗ, gánh nặng nợ nần không trả được. DNNN quản trị yếu kém, bộ máy nhân sự thiếu động lực và không hỗ trợ quá trình hợp tác với cổ đông chiến lược”, ông Nguyễn Đình Cung cho biết.

Phải thay đổi góc nhìn

Theo TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM, muốn cải thiện tình hình cổ đông chiến lược cho DNNN cần phải thay đổi trước hết là tư duy, cách nhìn.

“Phải nhìn dưới góc độ của nhà đầu tư chứ không phải của người giữ của. Ví dụ về giá, nếu tiếp cận theo thị trường và nhà đầu tư, họ cổ phần DN là mua khả năng sinh lời trong tương lai chứ không phải mua tài sản. Tài sản có thể rất lớn nhưng chỉ một nửa có khả năng sinh lời, còn lại sẽ hao mòn dần đi, gộp lại là to nhưng với nhà đầu tư thì rất nhỏ bé”, ông Cung khẳng định.

Theo TS. Võ Trí Thành, trong việc quy định giới hạn tỉ lệ cổ phần với nhà đầu tư chiến lược nước ngoài, cần bảo đảm sự công bằng giữa nhà đầu tư chiến lược nước ngoài và trong nước. Cho phép nhà đầu tư nước ngoài sở hữu tỉ lệ cổ phần giống như các cổ đông trong nước, cho phép họ sở hữu chi phối ở các ngành lĩnh vực không thiết yếu…

Về định giá tài sản, thương hiệu, định giá đất, ông Thành cho rằng, cần có sự giám sát chéo giữa các cơ quan, bảo đảm tính độc lập, minh bạch trong quá trình định giá.

Đề xuất giải pháp theo hướng mở, chuyên gia kinh tế Đinh Tuấn Minh, Viện Nghiên cứu kinh tế và Chính sách nhận định không nên đặt ra các tiêu chí cứng làm cản trở quá trình cổ phần hóa DNNN cũng như tìm kiếm cổ đông chiến lược. “Phải coi mỗi cuộc cổ phần hóa là một vụ đầu tư, là may một cái áo mới cho DN và không cái áo của DN nào giống DN nào. Nhà nước chỉ nên xây dựng các trình tự, thủ tục, thay vì đặt ra các quy định quá cụ thể”, ông Minh nêu quan điểm.

Tăng thêm hơn 8.400 tỷ đồng giá trị 8 DNNN sau kiểm toán Nhà nước

Bài viết mới