Việc này còn gây khó khăn cho các hãng tàu, thậm chí nhiều DN nạo vét cảng biển tại TP.Vũng Tàu cũng đang lao đao vì “đói” hợp đồng nạo vét, tàu nằm bờ hoen gỉ, công nhân không có việc làm.
Khi “bí quyết” kinh doanh trở thành trở ngại
Ông Nguyễn Xuân Kỳ – PTGĐ Cty TNHH Cảng quốc tế Cái Mép – cho biết: Cái Mép đã có sự phát triển ấn tượng trong thời gian qua, năm 2015 cảng còn giữ vị trí thứ 4 thế giới về tăng trưởng với mức 28,21%, tám tháng đầu năm 2017 cũng đạt mức tăng trưởng “khủng” là 27%… Có thể khẳng định rằng, một trong những yếu tố thúc đẩy sự phát triển này chính là điều kiện luồng vào khu cảng đạt -14m tối thiểu.
Tuy nhiên, hiện nay, bí quyết trên đã trở thành trở ngại do chưa được cấp phép để tiến hành duy tu nạo vét luồng từ năm 2017 đến nay. Tháng 10.2017, trong văn bản về kế hoạch duy tu nạo vét luồng Vũng Tàu – Thị Vải năm 2017, gửi Thủ tướng Chính phủ, ông Nguyễn Xuân Kỳ – PTGĐ Cty TNHH Cảng quốc tế Cái Mép – cho biết: Việc chậm triển khai duy tu nạo vét luồng đến -14m tác động rất lớn đến hiệu quả kinh doanh khai thác tại Cái Mép. Theo thông báo hàng hải tháng 5.2017, luồng đang bị bồi nhanh và có những khu vực chỉ đạt -12.6m. Trong khi đó, các tàu mẹ ra vào khu cảng Cái Mép có mớn nước khoảng 15m. Như vậy, để đảm bảo an toàn hành hải trên luồng, đã có nhiều trường hợp hãng tàu phải cắt bớt hàng hóa tại cảng, mà nguyên nhân chính là do luồng vào cảng không đủ độ sâu chuẩn tắc… Thực tế vừa qua, hãng tàu CMA CGM đã phải hủy 2 chuyến tàu mẹ vào Cái Mép vì tàu đã đầy hàng và không thể vào được Cái Mép do không đủ độ sâu luồng vào.
Các tàu ra vào cảng Cái Mép hiện nay đang phụ thuộc rất nhiều vào thủy triều để hành hải. Hành trình của tàu liên tục bị ảnh hưởng có thể dẫn tới một hệ lụy đáng tiếc nếu các hãng tàu tính toán sắp xếp lại các cảng, rời bỏ Cái Mép và chuyển về các cảng khác trong khu vực. Cái Mép sẽ không còn hấp dẫn và Việt Nam đang tự chuyển lợi thế cạnh tranh cho các nước khác. Hàng hóa sẽ lại tiếp tục được trung chuyển đến Singapore, Malaysia… để kết nối với các tàu mẹ.
“Từ những tác động trên đây, chúng tôi kính mong Thủ tướng Chính phủ xem xét và có chỉ đạo đến Bộ TNMT sớm cấp giấy phép nhận chìm ở biển để kế hoạch duy tu nạo vét luồng Vũng Tàu – Thị Vải đến -14m được triển khai trong quý IV/2017” – ông Kỳ cho biết. Tuy nhiên, đến ngày 29.5, trao đổi với Báo Lao Động, ông Kỳ cho biết: Đến tháng 5.2018 vẫn chưa có tiến triển gì mới.
Việc chậm triển khai nạo vét tuyến luồng hàng hải Vũng Tàu – Thị Vải khiến nhiều DN gặp khó khăn. Ảnh: CMIT
Tìm phương án “giải cứu”
Bà Lê Ngọc Diễm – GĐ Cty TNHH Dịch vụ nạo vét Hưng Thịnh – trụ sở tại số 73, Huỳnh Khương An, P.3, TP.Vũng Tàu – là chủ một doanh nghiệp hành nghề nạo vét – cho biết: Cty tôi có 3 chiếc tàu xả đáy đầu tư hơn 20 tỉ đồng nhưng đã nằm bờ suốt 2 năm nay do luồng tuyến cảng chưa được nạo vét. Tuy nhiên, trường hợp của Cty Diễm chưa phải là bi đát nhất, ông Đỗ Ngọc May – Cty Phú Lộc Hưng, địa chỉ số 55 đường 30/4, TP.Vũng Tàu – hành nghề nạo vét cảng biển – còn cho biết, Cty ông đã phải bán tàu vì gặp quá nhiều khó khăn. Theo phản ánh, có rất nhiều chủ tàu hành nghề nạo vét đang lâm vào tình cảnh tương tự.
Ông Trần Đức Thi – Phó TGĐ TCty Bảo đảm An toàn Hàng hải miền Nam – cho biết: Trong năm 2017, tuyến luồng hàng hải Vũng Tàu – Thị Vải chưa được nạo vét, duy tu nên bị sa bồi tự nhiên khá nhiều, ảnh hưởng đến việc lưu thông của phương tiện thủy trọng tải lớn. Dự kiến, việc nạo vét duy tu luồng hàng hải Vũng Tàu – Thị Vải (bao gồm cả luồng hàng hải Sông Dinh) sẽ phát sinh khoảng 1,15 triệu mét khối bùn đất. Năm 2018, Bộ GTVT bố trí 164 tỉ đồng để triển khai việc nạo vét. Tuy nhiên, đến thời điểm này, thủ tục cấp phép nhận chìm và khu vực biển nhận chìm chất nạo vét (ngoài khơi Vũng Tàu) vẫn chưa xong. Do vậy, dự kiến phải đến tháng 11 hoặc tháng 12.2018 mới có thể triển khai nạo vét, duy tu. Với tiến độ này, việc thi công không thể hoàn thành trong năm 2018.
Từ thực tế này, TCty Bảo đảm An toàn Hàng hải miền Nam đã làm việc với Cục Hàng hải Việt Nam đề nghị điều chỉnh kế hoạch và phương án nạo vét duy tu luồng hàng hải Vũng Tàu – Thị Vải theo phương án đổ chất nạo vét tại khu đất ven sông Mỏ Nhát (thuộc phường Phước Hòa, TX.Phú Mỹ) để đẩy nhanh tiến độ nạo vét.
“Chúng tôi cũng đã có giải trình lần thứ 3 cho Bộ TNMT về dự án nhận chìm và đang được xem xét cấp phép tại khu A (ngoài khơi Vũng Tàu). Phương án đổ trên sông Mỏ Nhát, tỉnh đang xem xét. Trước khi đổ cũng lập báo cáo đánh giá báo cáo tác động môi trường, trình Bộ TNMT theo những quy định có sẵn rồi sẽ nhanh chóng hơn” – ông Thi chia sẻ.
* Trao đổi với Báo Lao Động, ông Lê Tuấn Quốc – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết: Theo quy định, phân cấp cho Bộ TNMT để cấp giấy phép nhận chìm. Do đó, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã làm việc với Bộ TNMT để giải quyết vấn đề này, UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đề nghị Bộ TNMT ủy quyền lại cho tỉnh để cho các đơn vị tiến hành nạo vét đổ ngoài biển, trong khi chờ đợi Bộ TNMT hoàn chỉnh các điểm để đổ. Bộ TNMT không đồng tình vì cho rằng Thủ tướng Chính phủ giao nên không ủy quyền cho tỉnh được.
* Ông Lương Anh Tuấn – PGĐ Sở GTVT tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu – cho biết: Hiện nay vẫn chưa tiến hành nạo vét được, chúng tôi đang tiếp tục họp tham mưu tỉnh để giải quyết một phần, đang tìm giải pháp trên bờ.
* Cảng biển, chủ tàu, hoa tiêu “hội nghị” tự tìm giải pháp: Tháng 9.2017, Cảng Vụ hàng hải Vũng Tàu cũng đã chủ trì cuộc họp với các doanh nghiệp cảng (CMIT, TCIT, SSIT…), chủ tàu (Mol, Mearsk Lines), tổ chức hoa tiêu (Hoa tiêu Tân Cảng, Hoa tiêu Vũng Tàu, Hoa tiêu khu vực IX) và thống nhất đề xuất cấp thẩm quyền xem xét cho đổ bùn đất tại khu A (ngoài khơi Vũng Tàu).