VAT hay thuế giá trị gia tăng (GTGT) là thuế tính trên giá trị tăng thêm của hàng hoá, dịch vụ phát sinh trong quá trình từ sản xuất, lưu thông đến tiêu dùng. Hiện Bộ Tài chính đang có đề xuất tăng giá VAT, áp dụng từ ngày 1/1/2019.
Bộ Tài chính cho biết lý do của việc điều chỉnh VAT lần này là trong quá trình thực hiện, Luật thuế VAT hiện hành đã phát sinh nhiều vướng mắc.
Cụ thể, ở nhóm đối tượng không chịu thuế VAT (VAT là 0%) như phân bón, máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, tàu đánh bắt xa bờ, chuyển quyền sử dụng đất,… Bộ Tài chính cho biết việc không áp thuế đã gây khó khăn cho doanh nghiệp và công tác quản lý thuế.
Do đó, Bộ Tài chính đã đề xuất chuyển nhóm này từ không chịu thuế VAT lên chịu thuế VAT.
Ở nhóm hàng hoá, dịch vụ như nước sạch, hoạt động văn hoá, triển lãm, thế dục thể thao, biểu diễn nghệ thuật, sản xuất phim… đã được xã hội hoá mạnh mẽ nhưng vẫn chịu VAT là 5% được Bộ Tài chính đánh giá là bất bình đẳng với những ngành nghề, lĩnh vực khác đang chịu VAT 10%.
Bên cạnh đó, việc quy định áp dụng thuế suất 5% đối với những loại hàng hóa có thể sử dụng đa mục đích, như: lưới, dây giềng và sợi để đan lưới đánh cá; các loại thiết bị, dụng cụ chuyên dùng cho giảng dạy, nghiên cứu, thí nghiệm khoa học… dẫn đến không thống nhất trong thực hiện.
Từ những lập luận trên, Bộ Tài chính đã đề xuất những hàng hoá, dịch vụ trên chuyển từ mức thuế 5% sang 10%. Mức thuế 5% chỉ áp dụng với máy móc thiết bị sử dụng trong y tế như máy nội soi, máy siêu âm, máy X – quang.
Còn đối với mức thuế suất thông thường 10%, Bộ Tài chính nhận định là tương đối thấp, chưa phù hợp với thông lệ quốc tế, khó đảm bảo an toàn tài chính quốc gia.
Như số liệu được Bộ Tài chính dẫn ra, nhiều nước đã tăng thuế suất phổ thông từ năm 2009 – 2016. Ví dụ thuế suất trung bình tại các nước EU năm 2000 là 19% nhưng đến năm 2014 đã tăng lên gần 21,5%. Các nước OECD cũng có xu hướng tăng thuế GTGT từ mức trung bình 18% năm 2000 lên khoảng 19% năm 2014 và hơn 19% vào năm 2016.
Các nước ở châu Á cũng không ngoại lệ khi nhiều nước như Philippines, Ấn Độ, Nhật Bản… đã cơ cấu lại thu ngân sách theo hướng tăng tỷ trọng thuế tiêu dùng trong tổng thu ngân sách từ việc tăng thuế suất thuế GTGT.
Dẫn ra số liệu từ World Bank cho thấy mức thuế suất của 112 nước, có 88 nước có mức thuế suất từ 12 – 25%. Trong đó có 56 nước có mức thuế suất từ 17 – 25%, còn lại 24 nước phố biến ở mức hơn 10%.
Đối với các nước xung quanh Việt Nam, Bộ Tài chính cũng chỉ rõ thuế phổ thông đang cao hơn 10%. Cụ thể, ở Lào, Indonesia, Campuchia mức thuế phổ thông là 17%, mức thuế ưu đãi là 13% còn ở Philippines mức thuế suất là 15%.
Do đó, Bộ Tài chính đã đề nghị nâng mức thuế suất thuế VAT thông thường, từ 10% lên 12%, áp dụng từ 1/1/2019.
Đối với hoàn thuế GTGT, quy định không hoàn thuế đối với “sản phẩm xuất khẩu là hàng hóa được chế biến từ tài nguyên, khoáng sản có tổng trị giá tài nguyên, khoáng sản cộng với chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành sản phẩm trở lên” phức tạp trong thực hiện và cùng với quy định không hoàn thuế đối với trường hợp có số thuế GTGT đầu vào lũy kế âm liên tục qua nhiều kỳ khiến doanh nghiệp thêm khó khăn do tăng chi phí thuế. Do đó, Bộ Tài chính kiến nghị bỏ.
Bộ cũng đồng thời đề xuất bỏ quy định “Dự án đầu tư khai thác tài nguyên, khoáng sản được cấp phép từ ngày 1/7/2016 hoặc dự án đầu tư sản xuất sản phẩm hàng hóa mà tổng trị giá tài nguyên, khoáng sản cộng với chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành sản phẩm trở lên theo dự án đầu tư” không được hoàn thuế GTGT.