Trong nhiều năm, Trung Quốc đã trở thành điều thần kỳ của nền kinh tế toàn cầu với tốc độ tăng trưởng chóng mặt. Tuy nhiên những bất cập trong nền kinh tế đang khiến cường quốc này giảm tốc và khiến một con hổ khác bắt kịp là Ấn Độ.
Số liệu của CID cho thấy Ấn Độ có thể tăng trưởng bình quân 7,7% trong khoảng 2015-2025 trong khi Trung Quốc chỉ có thể duy trì ở mức 4,4%. Với vị thế là nền kinh tế lớn thứ 6 thế giới tính theo GDP danh nghĩa với tốc độ tăng trưởng quanh mức 7% trong hơn 20 năm qua, Ấn Độ đang thực sự đe dọa vị thế của Trung Quốc.
Vào quý IV/2014, Ấn Độ đã lần đầu tiên vượt qua Trung Quốc để trở thành nền kinh tế phát triển tăng trưởng nhanh nhất thế giới.
Nhằm duy trì những lợi thế này, chính phủ Ấn Độ đang tăng cường các biện pháp tái cơ cấu nền kinh tế cũng như kích thích tăng trưởng, mà điển hình trong số đó là việc cải cách hệ thống thuế.
Bản nâng cấp của VAT
Bắt đầu từ ngày 1/7/2017, Ấn Độ sẽ sử dụng hệ thống thuế GST mới thay cho hệ thống cũ. Nói cách khác, Ấn Độ đang nâng cấp toàn diện mạng lưới thuế, bao gồm thuế VAT của mình nhằm quản lý tập trung, hạn chế tình trạng trốn thuế tràn lan trên thị trường hiện nay.
*Thuế hàng hóa và dịch vụ (Good and Service Tax- GST) là loại thuế gián tiếp tương tự nhe VAT và được Ấn Độ thực hiện từ ngày 1/7/2017. Điểm khác biệt ở đây là GST sẽ thay thể một loạt thuế gián thu ở Ấn Độ, bao gồm cả VAT để nhà nước thống nhất quản lý.
Tại Ấn Độ, thuế VAT chỉ dành tính cho các sản phẩm giao dịch mà không chịu trách nhiệm mảng dịch vụ. Hơn nữa, từng bang tại Ấn Độ quy định mức thuế VAT khác nhau cũng như cơ chế thu thuế riêng biệt. Do đó, những giao dịch hàng hóa liên bang sẽ khó bị truy cứu thuế VAT do khác biệt về hệ thống thuế.
Bởi vậy, chính phủ Ấn Độ đã quyết định cải cách mạng lưới thuế bằng hệ thống GST, qua đó áp dụng các loại thuế gián tiếp, bao gồm VAT lên tất cả các loại hình kinh doanh, từ hàng hóa thông thường cho đến những loại hình kinh doanh dịch vụ. Ngoài ra, GST sẽ được điều hành thống nhất bởi chính phủ chứ không bị phân tán nhỏ lẻ theo từng bang như trước đây, qua đó truy tra được những hoạt động giao dịch liên bang.
Thuế GST sẽ hợp nhất nhiều loại thuế vào với nhau để chính phủ quản lý thống nhất
Hầu hết các mặt hàng sẽ chịu mức thuế không thay đổi so với trước đây, tuy nhiên các chuyên gia cho rằng giá cả các mặt hàng có thể tăng trong ngắn hạn do tâm lý thị trường trước hệ thống thuế mới. Thêm vào đó, việc nâng thuế với loại hình kinh doanh dịch vụ từ 15% lên 18% sẽ khiến nhiều sản phẩm tăng giá ngắn hạn.
Bên cạnh đó, do GST có mức thuế bình quân vào khoảng 18-24%, cao hơn mức thuế VAT bình quân 12-15% nên nhiều khả năng các hãng bán buôn, bán lẻ sẽ nâng giá để bù thiệt hại. Dẫu vậy, lợi ích dài hạn và tính hợp lý của GST sẽ hạ nhiệt thị trường và đẩy giá cả hàng hóa về mức cũ trong dài hạn.
Lợi ích dài lâu
Ấn Độ là quốc gia có ngành dịch vụ tăng trưởng nhanh nhất thế giới với tỷ lệ hơn 9% kể từ năm 2001, qua đó đóng góp 57% GDP tính đến năm 2013. Bởi vậy, việc Ấn Độ thực hiện GST nhằm tăng cường kiểm soát thuế trong ngành này là điều dễ hiểu.
Thêm vào đó, việc có quá nhiều loại thuế ở từng bang khác nhau cùng những quy định khác biệt khiến các doanh nghiệp rất ngại giao dịch thương mại liên bang. Bằng việc tổng hợp các khoản thuế và thống nhất quy định với GST, ngành thương mại nội địa ở Ấn Độ chắc chắn sẽ phát triển hơn.
Với dân số 1,3 tỷ người và thị trường 2,4 nghìn tỷ USD, 29 bang và 7 khu vực trực thuộc liên bang, Ấn Độ đã có bước đi tiến bộ nhằm tăng ngân sách cũng như kích thích kinh tế, cải cách hệ thống thuế nhằm gia tăng đầu tư thương mại trong nước.
Bằng việc loại bỏ tình trạng thuế chồng chéo lẫn nhau, GST sẽ khiến tỷ lệ lạm phát tại Ấn Độ đi xuống trong dài hạn khi các mặt hàng chỉ phải đóng thuế 1 lần. Hơn nữa, tình trạng thất thu ngân sách từ mảng thuế cũng sẽ được hạn chế.
“Tác động của GST đến kinh tế Ấn Độ trong trung hạn được dự đoán là vô cùng tích cực. Lạm phát sẽ giảm do việc đánh thuế chồng chéo được chấm dứt. Thu ngân sách từ thuế sẽ gia tăng trong khi thâm hụt ngân sách sẽ được kiểm soát tốt hơn. Ngành xuất khẩu sẽ cạnh tranh hơn trên thị trường quốc tế trong khi vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) sẽ đổ vào nhiều hơn”, Chủ tịch Chandrajit Banerjee của CII cho biết.