Nước Anh đã chính thức tuyên bố không còn là nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới – sự tụt hạng được cho là xuất phát từ việc cử tri nước này chọn rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit.
Theo trang CNN Money, Bộ trưởng Bộ Tài chính Anh Philip Hammond ngày 22/11 đã lên tiếng thừa nhận về việc Anh đi xuống trong xếp hạng những nền kinh tế lớn nhất thế giới. Trong một bài phát biểu về ngân sách thu hút sự chú ý lớn, ông Hammond nói: “Nước Anh hiện là nền kinh tế lớn thứ 6 trên thế giới”.
Có nhiều cách khác nhau để đo quy mô của một nền kinh tế, nhưng Bộ Tài chính Anh đã sử dụng số liệu mà Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đưa ra hồi tháng 10 để làm cơ sở cho tuyên bố này.
Dự báo của IMF cho thấy Pháp sẽ vượt qua Anh về tổng sản phẩm trong nước (GDP) trong năm 2017. Khoảng cách về GDP giữa hai nước được dự báo sẽ nới rộng đáng kể trong năm 2018.
Đây là lần đầu tiên kể từ năm 2013 Pháp vượt qua Anh về quy mô nền kinh tế – IMF cho hay.
Điều này phản ánh sự giảm tốc mạnh của nền kinh tế xứ sương mù kể từ cuộc trưng cầu dân ý Brexit diễn ra vào năm 2016 – cuộc bỏ phiếu mà quá nửa cử tri Anh chọn ra khỏi EU. Đồng Bảng đã mất giá mạnh kể từ đó, tiêu dùng cũng giảm tốc, trong khi giá cả tăng nhanh.
Vào ngày thứ Tư, Văn phòng Trách nhiệm ngân sách thuộc Chính phủ Anh đã cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế nước này trong năm 2017 từ 2% xuống còn 1,5%. Cơ quan này cũng dự báo kinh tế Anh chỉ tăng 1,4% trong năm 2018 và tăng 1,3% trong năm 2019 và 2020.
Việc Anh tuột khỏi nhóm 5 nền kinh tế lớn nhất thế giới, nhường lại vị trí này cho một nước EU được xem là một tin xấu nữa đối với những chính trị gia từng lập luận rằng nước Anh sẽ mạnh lên khi ra khỏi khối.
Ông David Davis, trưởng đoàn đàm phán Brexit của Anh, hồi tháng 9 năm nay còn nhấn mạnh rằng Anh là nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới.
Theo một số dự báo, kinh tế Anh còn tiếp tục xuống hạng trong những năm tới. Kinh tế Ấn Độ được dự báo sẽ vượt cả Anh và Pháp vào năm 2019.
Dưới đây là top 7 nền kinh tế lớn nhất thế giới, theo dự báo được IMF công bố vào tháng 10:
1. Mỹ (19,4 nghìn tỷ USD)
2. Trung Quốc (11,9 nghìn tỷ USD)
3. Nhật Bản (4,9 nghìn tỷ USD)
4. Đức (3,7 nghìn tỷ USD)
5. Pháp (2,575 nghìn tỷ USD)
6. Anh (2,565 nghìn tỷ USD)
7. Ấn Độ (2,4 nghìn tỷ USD)