Chính phủ Venezuela hôm 3-11 (giờ địa phương) kêu gọi các chủ nợ nước ngoài họp tại thủ đô Caracas sau 10 ngày nữa để bàn chuyện tái cơ cấu khoản nợ khổng lồ của mình.
“Núi nợ” 150 tỉ USD
Phó Tổng thống Venezuela Tareck El Aissami, người đứng đầu ủy ban chuyên trách việc tái cơ cấu nợ, cho biết hội nghị sắp tới nhằm “tạo nền tảng tái đàm phán về thời hạn thanh toán nợ nước ngoài” của Caracas và Tập đoàn Dầu khí quốc gia Venezuela (PDVSA). Theo một số ước tính, Venezuela đang gánh “núi nợ” lên tới 150 tỉ USD, trong đó có 45 tỉ USD nợ công, 45 tỉ USD nợ của PDVSA, 23 tỉ USD nợ Trung Quốc và 8 tỉ USD nợ Nga.
Phần lớn khoản nợ được thanh toán bằng dầu mỏ giữa lúc dự trữ ngoại tệ của Venezuela chỉ còn 10 tỉ USD. Venezuela hiện là nước có trữ lượng dầu mỏ được xác nhận là lớn nhất thế giới và đây là nguồn thu ngoại tệ chính của quốc gia Nam Mỹ này. Ông El Aissami cho thêm biết kể từ năm 2014, Venezuela đã trả gần 72 tỉ USD tiền nợ (bao gồm lãi).
Động thái trên diễn ra giữa lúc 2 cơ quan đánh giá tín nhiệm cùng lúc giáng đòn mạnh vào Caracas do nỗi lo về nguy cơ vỡ nợ. Cụ thể, Standard & Poor’s hạ mức xếp hạng ngoại tệ dài hạn của Venezuela từ “CCC-” xuống “CC”, còn Fitch giảm xếp hạng nợ dài hạn của nước này từ mức “CC” xuống “C”. Cũng trong ngày 3-11, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) chỉ trích Venezuela không cung cấp dữ liệu kinh tế cần thiết như yêu cầu đối với toàn bộ 189 thành viên của quỹ, một diễn biến cho thấy mối quan hệ đang căng thẳng giữa Caracas và định chế tài chính đặt trụ sở ở Mỹ này.
Quan hệ giữa chính quyền Tổng thống Nicolas Maduro và Mỹ lâu nay không êm đẹp gì. Nhà lãnh đạo Venezuela thường xuyên cáo buộc Washington tìm cách “bóp nghẹt” nền kinh tế mình bằng những biện pháp trừng phạt. Hồi tháng 8, Washington cấm bất kỳ giao dịch nào liên quan đến trái phiếu mới được chính phủ Venezuela hoặc PDVSA phát hành – một bước đi cần thiết trong bất kỳ động thái tái cơ cấu nào. Chưa hết, theo Reuters, Bộ Tài chính Mỹ còn đưa ông El Aissami vào danh sách trừng phạt vì cáo buộc buôn ma túy.
Một cây xăng của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Venezuela ở thủ đô Caracas Ảnh: REUTERS
Không hẳn tin xấu
Những biện pháp cứng rắn trên đồng nghĩa các ngân hàng Mỹ, tổ chức tài chính quốc tế bị hạn chế tham gia đầu tư vào những công cụ nợ mới được chính phủ Venezuela đưa ra. Giới phân tích cũng dựa vào mong muốn tái cơ cấu nợ của ông Maduro để cho rằng quyết tâm trả nợ của Venezuela không còn mạnh mẽ như trước. Ngoài ra, theo một số chuyên gia, không dễ để Caracas thuyết phục các nhà đầu tư ủng hộ một kế hoạch tái cơ cấu nợ nếu không có một kế hoạch cải cách kinh tế đi cùng. Tất cả yếu tố trên báo hiệu nguy cơ xảy ra một vụ vỡ nợ kéo dài và lộn xộn.
Với ông Maduro, chuyện đất nước vỡ nợ không hẳn là tin quá xấu. Khi đó, chính quyền ông có thể sử dụng một phần ngoại tệ còn lại để nhập khẩu thuốc men, thực phẩm và những nhu yếu phẩm khác đang thiếu hụt trong nước. Diễn biến này không chỉ giúp giảm bớt sức ép lên Caracas mà còn có thể mang lại lợi ích chính trị cho nhà lãnh đạo Venezuela trước thềm cuộc bầu cử tổng thống vào năm tới. Mặt khác, theo một số nhà phân tích, ông Maduro có thể nỗ lực thu hút thêm sự ủng hộ của cử tri bằng cách quy trách nhiệm những vấn đề hiện nay của đất nước cho Mỹ. IMF dự báo GDP của Venezuela sẽ lần lượt giảm 12% và 6% trong 2 năm 2017, 2018.
Tuy nhiên, kịch bản vỡ nợ có thể khiến các chủ nợ thu giữ những tài sản của PDVSA ở nước ngoài, như chuyến hàng chở dầu, tàu chở dầu và Công ty Dầu mỏ Citgo (ở Mỹ). Ngoài ra, một số nước có thể không sẵn sàng làm ăn với Venezuela, từ đó làm nghiêm trọng hơn tình trạng thiếu lương thực, thuốc men và gây thêm rắc rối cho ngành công nghiệp dầu mỏ trong nước trong bối cảnh giá dầu chưa hồi phục trọn vẹn. Để ngăn chặn viễn cảnh xấu nói trên, chính phủ Venezuela có thể tìm kiếm những thỏa thuận đổi dầu lấy tiền mặt như từng làm với Nga và Trung Quốc. Caracas cũng có thể tiếp tục trả nợ của PDVSA để bảo vệ tài sản tập đoàn này nhưng ngưng trả nợ công.