Vay hàng tỉ đồng mua nhà tập thể cũ cho thuê chờ lên giá, 9X nhận kết đắng

Đã rao bán gần 2 tháng nay, Đình Toàn (33 tuổi) vẫn chưa thể tìm được chủ mới cho căn hộ tại khu tập thể cũ (quận Đống Đa, Hà Nội) mà anh mua cách đây hơn 1 năm.  

Nhớ lại thời điểm đầu năm 2023, thấy giá chung cư tại Hà Nội có xu hướng tăng, Toàn liều lĩnh vay ngân hàng gần 1 tỷ đồng để mua căn hộ rộng 45m2 tại khu tập thể cũ thuộc quận Đống Đa. Ngoài ra, anh còn đầu tư thêm 100 triệu đồng để cải tạo lại căn hộ và trang bị nội thất cơ bản.

Anh cho biết, sở dĩ anh mua căn hộ tại khu tập thể cũ vì đa số đều nằm trong quận trung tâm, khá thuận lợi khi di chuyển, nhiều trường học, các dịch vụ mua sắm,… nên có tiềm năng đầu tư.

Trước đó, một người bạn của anh đã thành công bán lại căn hộ tại khu tập cũ Nam Trung Yên, lãi 400 triệu đồng. Theo như lời bạn tư vấn nhiều căn hộ tập thể cũ ở nội đô Hà Nội hiện có mức giá cao ngang ngửa căn hộ chung cư mới, cao cấp, song vẫn là lựa chọn của không ít gia đình với những yếu tố thuận tiện trên.

Anh Toàn là một trong số nhiều người có mức thu nhập trung bình đã lựa chọn mua nhà ở tập thể cũ. Anh rất kỳ vọng việc mua căn hộ tập thể cũ này, bởi về sau sẽ được hưởng mức đền bù hấp dẫn khi có chương trình cải tạo của Nhà nước.

“Theo chủ trương của Nhà nước, các khu tập thể này sẽ được cải tạo, đập đi xây lại và những cư dân ở đây sẽ được ở nhà mới với hệ số từ 1,5 đến 2 lần diện tích căn hộ cũ. Chính vì thế, mình đã liều vay ngân hàng gần 1 tỷ đồng để mua lại căn hộ này với mục đích chờ đền bù nhà mới, sau đó bán lại hoặc cho thuê với giá trị cao” – Toàn cho hay.

Tuy nhiên, theo Sở Xây dựng Hà Nội, trong 10 năm, mới chỉ có 20 khu tập thể được giải tỏa, chiếm 1% tổng số dự án. Như vậy, Hà Nội cần rất nhiều thời gian để giải quyết 99% dự án còn lại (khoảng 1.500 nhà tập thể cũ).

Do đó, nhà đầu tư khi “lướt sóng” phân khúc nhà tập thể cũ chắc chắn sẽ sống trong cảnh chật vật, chờ đợi đến lượt khu nhà mình được giải tỏa. Toàn cũng rơi vào trường hợp tương tự suốt mấy tháng qua. Việc trả lãi ngân hàng mỗi tháng lên đến hàng chục triệu đã khiến anh gần như kiệt sức và muốn nhanh chóng “thoát hàng”.

Giá một căn hộ tập thể cũ giờ ngang ngửa giá một chung cư mới.

Giá ngang ngửa căn hộ cao cấp

Khác với anh Toàn, chị Nguyệt Anh (nhân viên văn phòng tại Hà Nội) muốn tìm mua một căn hộ tại quận Hà Đông. Tuy nhiên, ngân sách hơn 2 tỷ đồng khó mua được chung cư thương mại khu vực này, bởi giá mặt bằng chung đã lên đến 60-70 triệu đồng. Vì thế, chị chuyển sang tìm mua nhà tái định cư.

Tham khảo một vài căn hộ ở khu Nam Trung Yên, chị Nguyệt Anh vô cùng choáng váng khi giá một căn hộ 68m2 ở đây cũng lên tới 50 triệu đồng/m2, ngang ngửa chung cư tầm trung mở bán mới.

Chị Nguyệt Anh cho biết khu tái định cư này đã đưa vào sử dụng được 15 năm, có dấu hiệu xuống cấp trầm trọng nhưng vẫn có giá cao ngất ngưởng.

“Mình tham khảo thêm một số khu tái định cư khác như ở quận Bắc Từ Liêm đã hoạt động được hơn chục năm thì giá bán có thấp hơn một chút, nhưng so với giá một căn hộ thương mại trong một dự án mới cũng tương đương. Rất khó để tìm được căn hộ phù hợp” – chị Nguyệt Anh bộc bạch.

Trên thực tế, theo dữ liệu của một số kênh bất động sản cho thấy, giá bán nhiều tòa tái định cư tại Khu đô thị Nam Trung Yên trong quý IV/2023 tăng 15% so với quý trước đó hay tòa tái định cư C18 Xuân La, quận Tây Hồ cuối năm ngoái cũng ghi nhận đà tăng nhẹ gần 4% theo quý, đạt gần 44 triệu đồng/m2.

Thị trường ghi nhận nhu cầu nhà ở trung tâm tăng mạnh từ cuối năm ngoái, trong khi nguồn cung ít ỏi, dự án mới mở bán giá tới 70 triệu đồng/m2 dù xa trung tâm. Chính vì thế, những khu tái định cư đã hoạt động hơn chục năm, sở hữu vị trí đắc địa như Nam Trung Yên, Trung Hòa – Nhân Chính… vẫn rao bán với giá cao.

Để cẩn trọng thêm khi căn hộ ở phân khúc này, các chuyên gia lưu ý giá rao bán nhà tái định cư từ 40-60 triệu đồng/m2 chỉ xảy ra ở khu vực có vị trí thuận tiện tại quận trung tâm như Nam Trung Yên, Trung Hòa – Nhân Chính, Xuân La… còn những dự án xa hơn sẽ ít tăng giá.

Bài viết mới