Nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm bằng cách tham gia chuỗi mắt xích cung ứng toàn cầu là cách duy nhất để Việt Nam đẩy mạnh tăng trưởng – các chuyên gia, doanh nghiệp (DN) đã đề nghị như vậy tại hội thảo “Việt Nam trước ngã rẽ – tham gia chuỗi giá trị toàn cầu thế hệ mới và nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng cường kết nối giữa DN vừa và nhỏ với DN đầu tư nước ngoài” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp cùng Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức sáng 8-9 tại TP HCM.
Các chuyên gia trong và ngoài nước cho rằng Việt Nam phát triển kinh tế thành công nhưng đang đứng trước ngã rẽ là tiếp tục gia công lắp ráp hay bước lên nấc thang cao hơn trong chuỗi giá trị. Trong đó, con đường thứ 2 là bắt buộc nhằm tránh bẫy thu nhập trung bình và bẫy gia công lắp ráp. Việt Nam có những lợi thế lớn để tham gia chuỗi giá trị nhưng những chuyển biến mới của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang mang đến những sức ép mới, như các tập đoàn đa quốc gia có sự chuyển dịch địa điểm lắp ráp về các nước phát triển để gần thị trường tiêu thụ hoặc trung tâm nghiên cứu thiết kế.
Trước đó, tại hội nghị tương tự tổ chức ở Hà Nội, WB khuyến nghị Việt Nam có thể theo hướng đa dạng hóa và hỗ trợ sự phát triển của các DN trong nước có tinh thần đổi mới sáng tạo và tiềm năng tạo ra các sản phẩm “sáng chế tại Việt Nam”.
Việt Nam đã hội nhập kinh tế toàn cầu nhưng chỉ mới tập trung vào các hoạt động gia công, lắp ráp nên giá trị gia tăng thấp. Theo ông Charles Kunaka – chuyên gia kinh tế trưởng, Vụ Thương mại, Khối Thương mại và Cạnh tranh WB – hiện chủ yếu DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đang hoạt động tại Việt Nam tham gia các chuỗi cung ứng toàn cầu, rất ít DN Việt có mặt trong đó nhưng vẫn còn cơ hội cho các nhà cung ứng trong nước. Mặc dù vậy, cánh cửa cơ hội đang hẹp dần, nguyên nhân do các chuỗi ưu tiên sử dụng những DN vệ tinh của họ, do DN Việt chưa đáp ứng được yêu cầu của các tập đoàn sản xuất nước ngoài.
Ông Nguyễn Đức Hồng, Phó Tổng giám đốc Công ty Cao su Thống Nhất, nhìn nhận DN nhỏ không đủ lực về công nghệ, vốn, quản trị thì rất khó tham gia chuỗi cung ứng. Để trở thành nhà cung ứng, DN phải có chứng chỉ chất lượng do tổ chức quốc tế cấp. Chi phí để có chứng chỉ là 15.000 USD cho 1 lần đánh giá có giá trị trong 3 năm, 3 năm sau DN phải đánh giá lại. Chỉ khoảng 9% DN trong nước có chứng nhận chất lượng quốc tế. Tuy nhiên, những hạn chế do thiếu thông tin của nhà mua hàng, thiếu nhà cung cấp trong nước có khả năng, thiếu nhân lực có tay nghề, khó tiếp cận tài chính… dẫn đến DN trong nước phải chịu nhiều rủi ro về tài chính và đầu tư để đi đến thành công. Bên cạnh đó, hầu hết DN Việt chỉ mới tham gia chuỗi cung ứng thứ cấp nên giá trị gia tăng không cao. Bản thân Công ty Cao su Thống Nhất đang sản xuất đế cao su ăng-ten cung cấp cho một hãng ô tô của Nhật nhưng phải bán qua đơn vị thứ cấp là công ty sản xuất ăng-ten.
Là một trong những nhà đầu tư dành nhiều tâm huyết hỗ trợ phát triển DN công nghiệp hỗ trợ Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng Samsung, đại diện công ty này đánh giá DN Việt Nam còn nhiều hạn chế về năng lực công nghệ, vốn và quản lý. Ông Jang Yoon-ho – Giám đốc Trung tâm mua hàng Việt Nam, Công ty Samsung Electronics Việt Nam – đánh giá DN nhỏ Việt Nam không tiếp nhận những thay đổi trong tư duy và thái độ nhận thức của lãnh đạo, từ đó khó thay đổi hình ảnh, chất lượng và vị thế của mình trên trường quốc tế. Theo ông Jang Yoon-ho, so với DN Hàn Quốc và Trung Quốc, DN Việt Nam rất yếu, cần có lộ trình học hỏi và chuyển giao công nghệ từ các nước. Bước đầu, DN Việt có thể phát triển mô hình liên kết với DN nước ngoài để học và chuyển giao công nghệ.
Theo các chuyên gia, Việt Nam cần thay đổi chính sách hiện tại, tận dụng nguồn đầu tư FDI để hỗ trợ DN vừa và nhỏ trong nước và hỗ trợ tinh thần doanh nhân phát triển.