Dễ như đi chợ
Sau khi tìm hiểu, phóng viên liên hệ với người tự nhận tên Hùng (SN 1992) – chủ tài khoản facebook Ken Tran quảng cáo mua bán thẻ ATM. Hùng nói có thể làm được thẻ ATM của bất cứ các ngân hàng nào. Mỗi thẻ ATM có giá 2- 3,5 triệu đồng tùy nhu cầu sử dụng dịch vụ. Để câu khách, Hùng tặng kèm 1 sim rác đăng ký dịch vụ mobile banking để khách hàng tiện kiểm soát và thanh toán tiền trên mạng.
Sau nhiều lần trao đổi qua mạng, Hùng hẹn gặp tại phố Tô Hiệu (Hà Nội) và đưa cho chúng tôi một thẻ ATM Ngân hàng Sacombank mang tên Trần Kha Ly (giới tính: nam, SN 1990), cùng tất cả thông tin tài khoản. Chiếc thẻ ATM mới và chưa đổi mật khẩu.
Thấy khách thắc mắc về khả năng chủ CMND có thể ra ngân hàng rút tiền, khóa thẻ, Hùng không ngại ngần bảo: “Thẻ bên mình là thẻ ATM đăng ký thật. Tuy nhiên, CMND thì mình tự làm. Cứ lấy tên những người ở vùng cao, vùng xa còn khó khăn thì không cần lo. Thường họ sẽ không có tiền để đi làm thẻ ngân hàng. Khách thích tên gì hay muốn chủ tài khoản là nam, nữ hoặc năm sinh bao nhiêu đều được. Chỉ cần không làm mất thẻ, quên mật khẩu thì mọi thứ đều ok”. Hùng quảng cáo, khách mua bộ 3 – 7 thẻ ATM sẽ được tặng kèm CMND giả đã dùng để đăng ký những chiếc thẻ đó.
Để khách yên tâm, anh này bày cách sử dụng thẻ ATM mang tên người khác tại các ngân hàng đăng ký. Hùng nói, nếu người sử dụng là nam giới thì anh ta trực tiếp đến ngân hàng làm, nếu người cần là phụ nữ thì sẽ nhờ một bạn nữ. Trường hợp ảnh CMND không giống với người đi đăng ký cũng không sao. “Mặt không cần giống, ngân hàng vẫn làm cho thôi. Đôi khi mình không đóng dấu vào CMND vì làm vội nhưng ngân hàng cũng không để ý đâu”, Hùng nói.
Khi đăng ký làm thẻ, Hùng sẽ tạo mẫu chữ ký đơn giản nhất, người sử dụng dễ dàng bắt chước. Chỉ cần có CMND, chữ ký đúng, người sử dụng “thẻ ATM không chính chủ” không cần lo gì cả.
Theo tìm hiểu của phóng viên, tại thị trường “chợ đen”, thẻ ATM không chỉ được làm như cách Hùng đang thực hiện. Trên một số fanpage bán thẻ ngân hàng, các đối tượng thường quảng cáo có thẻ ATM làm sẵn giá từ 50.000 – 100.000 đồng/chiếc. Hùng giải thích, những trường hợp này thường mua lại của sinh viên với giá 300 – 400 nghìn sau đó bán lại với giá gấp 8-10 lần. Tuy nhiên với loại giao dịch này, sinh viên chỉ bán thẻ mà không bán lại chứng minh thư hay sim đăng ký. Thẻ ATM sẽ trở nên vô giá trị nếu chủ tài khoản báo khóa thẻ với ngân hàng.
Ảnh chụp các giao dịch với chiếc thẻ mang tên Trần Kha Ly.
Một số nơi khác còn quảng cáo có thể làm thẻ giả. Chỉ cần bỏ ra hơn 100.000 đồng để mua phôi thẻ giả Trung Quốc và thông tin tài khoản từ hacker, các con buôn đã có một chiếc “thẻ giả sử dụng như thẻ thật” để bán cho người có nhu cầu. Hầu hết, thông tin bị đánh cắp là của tài khoản nước ngoài. Tuy nhiên, chủ tài khoản thấy có điểm bất thường sẽ báo công an và khóa tài khoản. Người mua khi đó sẽ mất tiền.
Hùng cho hay: “Mình làm 2-3 năm nay rồi. Bên mình chủ yếu cung cấp cho các bên cá độ trực tuyến, các website chơi cá độ bóng đá, casino,…. Họ là những khách “sộp”, có nhu cầu lớn trong việc giao dịch nên mỗi lần thường lấy đủ bộ 7 thẻ ngân hàng. Sau khi sử dụng 3- 4 tháng sẽ đổi thẻ một lần”, Hùng tiết lộ.
Khi được ngỏ ý muốn mua thêm CMND giả đã đăng ký chiếc thẻ ATM, Hùng không đồng ý vì một CMND có thể làm thêm thẻ ATM tại rất nhiều ngân hàng. Nếu bán cả CMND, Hùng không thể bán số thẻ còn lại.
Với chiếc thẻ Sacombank Hùng đưa tại buổi giao dịch (stk: 020063391xxx), chúng tôi thử chuyển một khoản tiền và rút tại cây ATM gần nhất. Chỉ trong tích tắc, mọi giao dịch đều được báo về số điện thoại 01664612xxx (sim số Hùng cung cấp khi mua thẻ ATM). Đây là một chiếc thẻ ATM có đủ chức năng giao dịch, thanh toán, chuyển khoản dễ dàng như một chiếc thẻ thông thường, người sử dụng loại thẻ ATM này có thể giao dịch nhưng không lo lộ danh tính. Đây chính là “công cụ” giúp những kẻ lừa đảo, sử dụng các nguồn tiền bất chính.
Tiếp tay cho hoạt động rửa tiền?
Trao đổi với phóng viên Tiền Phong về vấn đề này, chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Minh Phong cho rằng, việc mua bán thẻ ATM sẽ tác động đến nhiều mặt. Thứ nhất, người mua, sử dụng thẻ này sẽ không có lợi. Khi có vấn đề với tài khoản khác tên chủ tài khoản, họ không có đủ tư cách pháp nhân để khiếu nại với ngân hàng. Nếu ngân hàng phát hiện, số tiền này có thể bị chuyển đến cho chủ nhân thật của tài khoản. Thứ hai, đối với Nhà nước và ngân hàng, vì đây là thẻ không chính chủ nên mọi hoạt động quản lý, quản lý thuế cá nhân sẽ không xác định được và dễ bị thất thoát. Thứ ba, đây là loại thẻ tiếp tay cho các hành động rửa tiền, tống tiền, các giao dich, hành động phạm pháp khác…
TS Nguyễn Minh Phong cho rằng nguyên nhân của việc này bắt nguồn từ việc quản lý lỏng lẻo của ngân hàng.
“Những người làm giả CMND không bao giờ mang ảnh thật đến ngân hàng. Nếu ngân hàng phát hiện ra nhưng vẫn làm thẻ ATM là cố tình dung túng cho các hành vi phạm tội. Trước hiện tượng này, Nhà nước cần có chỉ đạo để ngăn chặn sớm. Về phía ngân hàng, cần tìm cách ngăn chặn tình trạng làm thẻ không chính chủ hiện nay”, ông Phong nói.
Cũng theo TS Nguyễn Minh Phong, mặc dù đây là hoạt động mua bán không hợp pháp nhưng vẫn chưa có quy định xử lý trách nhiệm cụ thể.