Vành đai – Con đường được tung hô ở Davos, các nước đua nhau “làm thân” với Trung Quốc?

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tận dụng Diễn đàn Kinh tế Thế giới 2018 để thu hút các nhà đầu tư và các lãnh đạo doanh nghiệp bằng cách đảm bảo với họ rằng “Nước Mỹ trước tiên” (America first) không có nghĩa là “Nước Mỹ đơn độc” (America alone).

Thế nhưng, rõ ràng trong tuần qua tại Davos , Thụy Sỹ, động lực địa chính trị hướng về phía Bắc Kinh, chứ không phải Washington.

Vành đai – Con đường sẽ trở thành WTO mới?

Tại nơi này ở Davos , Tổng thống Brazil Michel Temer hoan nghênh một đề xuất ngoài dự kiến mà Bắc Kinh dành cho các nước Mỹ Latin đang hợp tác chặt chẽ với sáng kiến “Một Vành đai – Một Con đường”, vốn là kế hoạch nhằm mở rộng tầm ảnh hưởng về mặt ngoại giao và kinh tế của Trung Quốc.

Tại nơi khác ở Davos, một chính khách cấp cao của Trung Quốc lại giúp giới thiệu Thủ tướng Pakistan trong một bữa sáng. Thủ tướng Shahid Khaqan Abbasi đã khen ngợi những khoản đầu tư ngày một lớn của Trung Quốc ở Pakistan, bao gồm cả những dự án xây nhà máy điện và cảng biển.

Một trong những bài phát biểu được chú ý nhất tại diễn đàn thuộc về Liu He, một thành viên trong Bộ Chính trị Trung Quốc, người đã thúc đẩy sáng kiến Vành đai – Con đường. Những đại biểu có mặt tại đây cho rằng, sáng kiến của Trung Quốc đã bắt đầu cạnh tranh với những tổ chức quốc tế truyền thống, có hệ thống do Mỹ khởi xướng.

Vành đai - Con đường được tung hô ở Davos, các nước đua nhau làm thân với Trung Quốc? - Ảnh 1.

Liu He, cố vấn kinh tế cao cấp của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: EPA

“Dù muốn hay không thì Một Vành đai, Một Con đường của Trung Quốc rồi sẽ trở thành W.T.O [Tổ chức Thương mại Thế giới] mới”, Joe Kaeser, giám đốc điều hành tập đoàn công nghiệp Đức Siemens nhận định.

“Một Vành đai, Một Con đường” được lấy tên theo quan niệm rằng Bắc Kinh đang mở rộng tầm ảnh hưởng của mình theo Con đường Tơ lụa cổ xưa từng có thời kết nối Trung Hoa cổ đại với Đế quốc La Mã và châu Âu thời Trung cổ của Marco Polo.

Nhưng đó không phải là yếu tố duy nhất thúc đẩy Bắc Kinh mở rộng sự hiện diện của mình như những gì họ đang thể hiện.

Mới đây, chính phủ Trung Quốc đã sử dụng một chính sách được ban hành ở Bắc Kinh để kêu gọi thiết lập một “Con đường Tơ lụa Địa cực” nhằm kết nối Trung Quốc với châu Âu và Đại Tây Dương theo một tuyến vận tải qua Bắc Cực.

Vành đai – Con đường vốn là trọng tâm trong chính sách ngoại giao của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và lời hứa hẹn về một “Giấc mộng Trung Hoa” nhằm đưa Trung Quốc trở lại những huy hoàng trong quá khứ.

Được công bố tại Kazakhstan năm 2013, Vành đai – Con đường đã được khởi động như một kế hoạch nhằm khôi phục các liên kết ngoại giao, đầu tư và kinh tế khắp Trung Á.

Dần dần, kế hoạch này đã mở rộng ra Trung Đông, châu Âu và Đông Phi khi Bắc Kinh hứa hẹn chi hàng trăm tỉ USD đầu tư vào cao tốc, đường sắt, cảng biển, nhà máy điện và nhiều công trình hạ tầng khác, đa số thông qua các khoản nợ từ những ngân hàng thuộc sở hữu của nhà nước Trung Quốc.

Nhiều nhà phân tích tỏ ra hoài nghi về sáng kiến và cho rằng những dự án được cấp vốn qua Vành đai – Con đường sẽ khiến các nước sở tại ngập trong nợ nần và gây tổn hại đáng kể tới môi trường. Sáng kiến cũng bị chỉ trích là một hình thức rót tiền dễ dãi cho các chế độ độc tài.

Về phần mình, Trung Quốc khẳng định các dự án được cấp vốn hợp lý, có tính toán tới yếu tố môi trường và nước này không tìm cách xen vào việc lãnh đạo của các nước khác.

Trong thời điểm diễn ra Davos, Trung Quốc đang tiếp tục nỗ lực để mở rộng tham vọng địa lý của sáng kiến Vành đai – Con đường ra xa hơn.

Tại một hội nghị cho các ngoại trưởng châu Mỹ Latin và vùng Caribe ở Satiago, Chile, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã kêu gọi các nước trong khu vực tham gia và hợp tác chặt chẽ, mặc dù ông không chính thức đưa các nước này vào sáng kiến của Trung Quốc.

Trung Quốc không đáng lo ngại?

Tại Davos, Tổng thống Brazil Temer nói rằng ông không lo ngại về tầm ảnh hưởng đang gia tăng của Trung Quốc ở Nam Mỹ, nơi Trung Quốc đang gia tăng đầu tư vào Brazil, đồng thời nới mạnh khoản nợ khổng lồ đối với Venezuela và Ecuador.

Venezuela vốn đã chứng minh là bản thân mình không thể trả nợ cho các nhà tín dụng, gồm Moscow và Bắc Kinh. Chính phủ Nga đã sử dụng khoản nợ quá hạn của Venezuela làm yếu tố mặc cả để giành lấy quyền đưa tàu chiến tới thăm cảng Venezuela.

Ông Temer cho rằng, các khoản nợ nên được xem như một vấn đề tài chính, chứ không phải địa chính trị: “Điều mà họ lo ngại là lấy lại các khoản nợ họ cho Venezuela vay, họ muốn các khoản thanh toán. Thực ra vấn đề này đã được giải thích trong những cuộc gặp giữa chúng tôi”.

Ông Temer cũng nói rằng ông không lo ngại trước những lợi ích mà Trung Quốc có được từ cổ phần mà nước này sở hữu trong ngành điện lực cũng như nhiều ngành công nghiệp khác của Brazil: “Mỹ cũng đầu tư ở Brazil mà”.

Vành đai - Con đường được tung hô ở Davos, các nước đua nhau làm thân với Trung Quốc? - Ảnh 2.

Trung Quốc đầu tư rất nhiều vào ngành điện ở Brazil. Ảnh: Reuters

Theo cây viết Keith Bradsher của NYTimes, tại Davos, lãnh đạo các quốc gia có vẻ như đang ganh đua nhau để kêu gọi hợp tác sâu hơn với Trung Quốc.

Thủ tướng Abbasi đã bác bỏ tranh cãi gần đây ở Pakistan về việc liệu các dự án xây dựng khổng lồ của Trung Quốc có ảnh hưởng tới chủ quyền, môi trường và tình trạng ổn định tài chính của Pakistan hay không.

“Chúng tôi không có thách thức đáng kể nào mà không giải quyết được và vấn đề chủ quyền rất rõ ràng”, ông Abbasi nói trong một cuộc gặp mặt với các giám đốc điều hành và truyền thông. Ông cũng cho biết thêm rằng về vấn đề tài chính và môi trường liên quan tới các dự án thuộc Vành đai – Con đường, “tính đến nay, chúng tôi đang thắng thế ở cả hai”.

Giới chức Trung Quốc đã coi Davos như cơ hội để lên tiếng chống chủ nghĩa bảo hộ. Các nhà phân tích xem đây là nỗ lực nhằm tranh thủ những lo ngại của cộng đồng quốc tế về chính quyền ông Trump khi mà Mỹ cảnh báo rằng họ sẽ theo đuổi một chính sách thương mại gay gắt hơn.

Bắc Kinh tuyên bố như vậy dù trên thực tế, Trung Quốc đánh thuế rất cao đối với hàng loạt các mặt hàng sản xuất, gồm giày dép và ô tô. Mức thuế nhập khẩu trung bình của Trung Quốc còn cao gấp ba lần Mỹ và gấp đôi châu Âu.

Tuy nhiên, Trung Quốc không đánh thuế đối với những nguyên liệu thô mà nước này khan hiếm, ví dụ như quặng sắt. Kết quả là lập trường của Trung Quốc được những nước như Chile đặc biệt hưởng ứng, những nước sở hữu rất nhiều nguyên liệu thô nhưng lại ít các mặt hàng sản xuất.

“Về điều này, chúng tôi thấy một khác biệt rất lớn với Mỹ”, Ngoại trưởng Chile Heraldo Muñoz nói. Ông Muñoz cho rằng, tầm nhìn cởi mở và quan điểm chống chủ nghĩa bảo hộ của Trung Quốc rất đáng hoan nghênh.

‘Vành đai, con đường’ đến Bắc Cực, Trung Quốc chính thức ‘ôm trọn’ địa cầu

Bài viết mới