Do dư chấn khủng hoảng từ 2008 đến nay, ngành vận tải biển thế giới vẫn chìm trong khó khăn, nhiều hãng tàu lớn thua lỗ, phá sản hoặc phải sáp nhập để duy trì hoạt động. Tại Việt Nam, nhờ tái cơ cấu đúng hướng, ngành vận tải biển đã bắt đầu tăng trưởng dương.
Đây là những tín hiệu tích cực được công bố tại “Hội nghị Tổng kết công tác năm 2017 và triển khai kế hoạch, nhiệm vụ năm 2018” của Cục Hàng hải Việt Nam, diễn ra cuối tuần qua, tại Hà Nội.
Tại hội nghị, ông Bùi Thiên Thu, Phó cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam cho biết, năm 2017, tổng sản lượng vận tải do đội tàu biển Việt Nam thực hiện ước đạt 130,9 triệu tấn, tăng 6% so với năm 2016. Hiện đội tàu mang cờ quốc tịch Việt Nam đã đảm nhận được gần 100% lượng hàng vận tải nội địa bằng đường biển (trừ một số tàu chuyên dụng như LPG, xi măng rời…).
Do những ưu thế về giá cước so với các loại hình vận tải khác trong khoảng cách từ 300-500km và các bến cảng thuỷ nội địa sâu trong sông kết nối với cảng biển nên đội tàu VR-SB đã phát huy hiệu quả tích cực.
Từ năm 2014 đến tháng 12/2017 đã vận tải 36,2 triệu tấn. Riêng năm 2017, tổng lượng tàu thông qua đạt 22 nghìn lượt (tăng 67% so với năm 2016); khối lượng hàng hoá đạt 18,5 triệu tấn (tăng 56% so với năm 2016).
Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Công cho rằng, với các đơn vận tải hàng đường dài, vận đơn lớn, tàu lớn chủ yếu do các hãng tàu lớn thế giới nắm giữ là điều không khó đoán. Trong bối cảnh vận tải biển thế giới còn khó khăn thì “miếng bánh” đó sẽ các hẹp lại, các hãng tàu lớn cũng đang cạnh tranh khốc liệt, hoặc phá sản.
Thứ trưởng Công cũng chỉ ra những tồn tại mà ngành hàng hải cần khắc phục như: đội tàu còn nhỏ lẻ, manh mún, cơ cấu chưa phù hợp, vì thế, đội tàu Việt Nam sẽ ưu tiên tập trung thế mạnh tại các mặt hàng truyền thống, hàng rời, các tuyến vận tải có đủ năng lực. “Dù còn nhiều khó khăn, nhưng năm 2017, vận tải biển đã tăng 6% so với năm 2016 là kết quả rất tích cực, báo hiệu sự khởi sắc cho vận tải biển”, Thứ trưởng Công đánh giá
Ông Bùi Thiên Thu cũng cho biết, năm 2017, hệ thống cảng biển đạt mức tăng trưởng cao, ước đạt 536,4 triệu tấn (tăng 17% so với năm 2016). Dù đây là con số tích cực nhưng chưa có sức lan toả tốt vì thiếu “chuỗi” phát triển logistics.
Ông Thu nhấn mạnh về sự kiện Thời báo Kinh tế Việt Nam vừa tổ chức hội thảo thực trạng logistic Việt Nam, trong đó, chỉ rõ các cảng biển, các cảng cạn (ICD) là trung tâm, đầu mối phát triển logistic nhưng lại thiếu tính kết nối giữa đường bộ, đường thuỷ nội địa, đường sắt, hàng không… dẫn đến tăng chi phí giá thành.
Chất lượng cảng biển chưa cao, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn do chi phí cảng biển, chi phí xếp dỡ thấp. Thủ tục hành chính còn rườm rà, chưa thực sự thuận lợi cho chủ tàu, chủ hàng.
Ông Thu đánh giá, cả nước hiện có tới 1.300 doanh nghiệp tham gia cung cấp các loại hình dịch vụ hàng hải và losgistic, tuy nhiên, đa phần chỉ là hợp tác và cung cấp dịch vụ logistic cho bên thứ 2, trong đó, nắm chủ chốt vẫn là các công ty logistics lớn của nước ngoài.
Đánh giá về những tồn tại, vướng mắc trong chuỗi phát triển logistics, Thứ trưởng Nguyễn Văn Công cho biết, Năm 2017, đánh dấu lần đầu tiên cảng nước sâu Cái Mép – Thị Vải đón tàu trọng tải lên đến 200.000 tấn. Đây là sự kiện lớn đánh dấu cụm cảng Cái Mép – Thị Vải nằm trong tuyến luồng hàng hải quan trọng của thế giới.
Thứ trưởng Công cũng đánh giá cao, cơ chế một cửa quốc gia tại 9 khu vực cảng biển để thực hiện thủ tục điện tử cho tàu thuyền Việt Nam và tàu thuyền nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh và quá cảnh đã được áp dụng.