Nhiều chuyển biến tích cực
Báo cáo kinh tế vĩ mô mới nhất của Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương – CIEM cho thấy các chỉ số kinh tế vĩ mô đang khá tốt. Như ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Chính sách kinh tế vĩ mô của CIEM nhận định những kết quả này là nhờ sự kiên định hơn với ổn định vĩ mô, tập trung cải cách thể chế cũng như chuyển biến trong điều hành.
Nhiều ngành trong nền kinh tế đã có sự hồi phục. Sự hồi phục này đi nhiều từ “chất” hơn “lượng”. Đặc biệt, đã có sự chuyển dịch mạnh mẽ trong các ngành với nhau, trong đó, khai khoáng giảm dần đi nhường chỗ cho ngành công nghiệp, dịch vụ.
Nguyên nhân giải thích cho sự tăng trưởng bất ngờ của năm 2017 có nhiều, theo CIEM, tuy nhiên, báo cáo của viện tập trung vào vấn đề cải cách thể chế. Theo đó, việc cắt giảm các thủ tục, chính sách không cần thiết đã giúp tăng giá trị cho doanh nghiệp. Ước tính, với mỗi điểm phần trăm tăng lên của chất lượng văn bản quy phạm pháp luật, năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) cải thiện 1,41 điểm phần trăm.
Ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM còn dẫn ra những câu chuyện chi tiết về việc điều hành của Chính phủ, các Bộ ngành. Đơn cử như việc cổ phần hoá, thoái vốn Sabeco.
Ông cho rằng đây là biểu hiện dứt khoát quyết tâm của Chính phủ trong việc thu hẹp phạm vi hoạt động của DNNN, chỉ tập trung các ngành nghề chiến lược. Hay một sự kiện khác là việc Thủ tướng đã ký Nghị định 08 về bãi bỏ khoảng 600 điều kiện kinh doanh trong ngành Công thương. Mặt khác, Bộ Nông nghiệp, Bộ Xây dựng, cùng nhiều bộ ngành khác cũng dần có sự chuyển biến. “Những chuyển động của bộ máy đã xuất phát từ bên trong, không quá phụ thuộc vào áp lực từ bên ngoài như trước”, ông cho biết.
Bên cạnh đó, phía CIEM cũng cho rằng Việt Nam đang được hưởng lợi vì kinh tế thế giới đã bắt đầu bước vào chu kỳ phát triển thuận lợi. Nhờ vậy, xuất khẩu tăng mạnh kéo GDP lên. Theo tính toán, mỗi điểm phần trăm tăng trưởng thêm của kinh tế thế giới, xuất khẩu Việt Nam tăng thêm 4 điểm phần trăm.
Theo CIEM, chất lượng tín dụng trong nước cũng đang dần được cải thiện khi nợ xấu giảm giúp khơi thông dòng tín dụng. Điều này có ý nghĩa hơn so với việc chạy theo chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng một cách hành chính như trước đây, theo bình luận của ông Dương.
Nhưng không được quá lạc quan
Chuyên gia Phạm Chi Lan lại không quá lạc quan như vậy. Về xuất khẩu, với con số xuất siêu 2,7 tỷ USD năm 2017, bà đặt vấn đề con số này là thực hay không, nó đã được tính tới phần xuất nhập khẩu chênh lệch giữa Việt Nam và Trung Quốc lên đến 20 tỷ chưa. Bởi lẽ, nếu tính phần này vào, Việt Nam sẽ không xuất siêu. Bên cạnh đó, xuất siêu chủ yếu là do các doanh nghiệp FDI. Do vậy, bà Lan cho rằng cần phải xem xét một cách “sòng phẳng”, tránh dùng những con số đẹp để tự huyễn. Bên cạnh đó, bà Lan vẫn nhận định doanh nghiệp tư nhân vẫn còn gặp nhiều khó khăn, biểu hiện ở con số doanh nghiệp giải thể lớn. Đấy là vấn đề cần được quan tâm, giải quyết trong thời gian tới.
Chuyên gia Lưu Bích Hồ thì cho rằng Việt Nam cần thêm nhiều thời gian nữa để ra khỏi vùng trũng. Thách thức lớn nhất mà nền kinh tế phải đối mặt là kỷ luật tài khoá, nợ xấu, quản lý nợ công. Do vậy, theo ông, Việt Nam chưa thể sớm từ “cô gái đẹp thành con hổ được”.
Vận nước có đang đi lên hay không là vấn đề được CIEM đặt ra. Nhưng chính đơn vị này cũng khẳng định, đi lên được hay không là do chính sức của mình, tự mình giành được chứ không thể “nhờ trời”.