“Karoshi” – thuật ngữ chuyên biệt dùng để chỉ những người tử vong do quá miệt mài với công việc đã bắt đầu xuất hiện từ cuối những năm 1970 tại Nhật Bản.
Một ví dụ điển hình nhất chính là sự ra đi của nữ phóng viên 31 tuổi Miwa Sado thuộc đài truyền hình NHK sau cú trụy tim vào hồi tháng 07/2013. Được biết, cô này từng cố gắng làm việc quá giờ tới 159 tiếng trong vòng một tháng liền.
Cống hiến hết mình cho công việc
Khái niệm “karoshi” xuất hiện tại Nhật Bản ngay sau khi Thế Chiến thứ hai kết thúc. Khi ấy, phần lớn cơ sở vật chất cũng như hạ tầng kinh tế của Nhật Bản đã bị tàn phá nghiêm trọng bởi những đợt ném bom không ngừng nghỉ từ lực lượng quân đội phe Đồng Minh.
Tình trạng lao động bị vắt kiệt sức lực đang ngày một gia tăng ở Nhật Bản – (Ảnh minh họa).
Thủ tướng Nhật Bản lúc bấy giờ là ông Shigeru Yoshida từng đề ra những chính sách cụ thể nhằm khôi phục nền kinh tế theo cách nhanh nhất, bao gồm cải biến lại văn hóa làm việc tại nước nhà.
Ông này đề nghị lãnh đạo các tập đoàn phải duy trì vĩnh viễn công việc cho người lao động song đổi lại, họ cũng cần thể hiện sự trung thành tuyệt đối và cống hiến hết mình vì lợi ích của tập đoàn.
Chính sách ấy thực sự thành công khi Nhật Bản đã trở thành một trong những đất nước có điều kiện kinh tế vững vàng, không thua kém bất kì quốc gia hiện đại nào trên thế giới.
Nhiều lao động tự vẫn không rõ lý do
Chỉ khoảng hơn một thập kỷ sau khi những chính sách mang tính lịch sử của Thủ tướng Yoshida được thực thi, tình trạng người lao động tự vẫn không rõ lý do hoặc trụy tim dẫn tới tử vong bỗng gia tăng đột biến.
Các nhà xã hội học cho biết: “Đa phần họ kết liễu cuộc đời do không chịu nổi áp lực làm việc căng thẳng cả về mặt thể chất lẫn tinh thần. Họ luôn sống trong tình trạng thiếu ngủ và suy nhược cơ thể kéo dài.
Kể từ đó, hiện tượng trên mới dần được đặt tên là ‘karoshi’ hay ‘chết vì làm việc quá sức’. Cho tới ngày nay thì sự thiếu cân bằng giữa công việc với cuộc sống cá nhân của người lao động Nhật Bản vẫn chưa có nhiều biến chuyển thực sự“.
Giải quyết tình trạng tử vong do làm việc quá sức vẫn là một vấn đề nan giải tại Nhật Bản trong tương lai gần – (Ảnh minh họa).
Một khảo sát được thực hiện vào năm 2016 trên 10.000 người lao động tại quốc gia này cho thấy có tới 20% đã làm việc quá giờ ít nhất 80 tiếng mỗi tháng, và một nửa chưa bao giờ xin nghỉ phép để đi du lịch cùng với gia đình.
Trong những dòng Twitter cuối cùng được đăng tải trước khi tự vẫn vào đúng dịp Giáng sinh năm 2015, nữ nhân viên ngành quảng cáo 24 tuổi cô Matsuri Takahashi từng viết: “Hiện đang là 4 giờ sáng. Cơ thể tôi đang run rẩy. Tôi sẽ chết mất. Tôi cảm thấy quá mệt mỏi sau 105 tiếng làm việc quá giờ“.
Đánh đổi sức khỏe để chứng minh sự trung thành
Tình trạng phải làm việc quá giờ đặc biệt phổ biến trong cộng đồng người lao động trẻ tuổi tại Nhật Bản, bởi những vị sếp luôn mong muốn đội ngũ nhân viên mới vào phải chứng minh sự trung thành và quyết tâm cống hiến của bản thân.
Ví dụ như anh Takehiro Onuki, một nhân viên bán hàng 31 tuổi thường có mặt ở chỗ làm trước 8 giờ sáng rồi chỉ chịu ra về khi đường phố đã lên đèn. Trừ những ngày nghỉ cuối tuần thì anh chẳng bao giờ được gặp mặt vợ hay trò chuyện với cô này theo đúng nghĩa.
Người lao động luôn tới công ty từ rất sớm và chỉ chịu ra về khi thành phố đã lên đèn – (Ảnh minh họa).
Việc đi sớm về muộn đã trở thành thói quen với những người lao động trẻ tuổi tại Nhật Bản – đặc biệt là trong các công việc văn phòng, nơi sở hữu chế độ cấp bậc cứng nhắc. Nếu muốn tìm cơ hội thăng chức thì buộc phải làm việc cật lực để tích lũy kinh nghiệm nhiều hơn nữa.
Đồng thời, văn hóa coi trọng lòng trung thành tuyệt cũng khiến họ không thích chuyển việc và luôn cống hiến tối đa cho công ty hiện tại kể cả phải đánh đổi sức khỏe hay cuộc sống cá nhân của mình.
Chưa có giải pháp hiệu quả
Trước tình trạng nói trên, chính quyền tại Nhật Bản đã cố gắng đưa ra nhiều giải pháp nhằm giúp người lao động giảm bớt áp lực và được nghỉ ngơi nhiều hơn sau thời gian làm việc căng thẳng. Nhưng đa phần đều chưa đem lại hiệu quả rõ rệt nào.
Họ luôn tỏ ra mệt mỏi và thiếu ngủ do cường độ công việc quá lớn – (Ảnh minh họa).
Sau vụ tự vẫn của cô Takahashi vào cuối năm 2016, kế hoạch “Thứ sáu đặc biệt” đã được ban bố với nội dung yêu cầu các doanh nghiệp cho phép người lao động rời khỏi nơi làm việc vào 3 giờ chiều trong ngày thứ sáu cuối cùng của tháng.
Nhưng trên thực tế, đa phần mọi công ty đều tiến hành tổng kết kinh doanh vào cuối tháng. Và khi được về sớm thì người lao động cũng chẳng thoải mái hơn chút nào mà thậm chí còn phải chịu căng thẳng hơn bình thường do quỹ thời gian trở nên quá eo hẹp.
Một số doanh nghiệp khác cũng nghĩ ra nhiều biện pháp khác nhau nhằm làm giảm áp lực đối với nhân viên, ví dụ như cung cấp bữa sáng miễn phí cho những người tới sớm hay trực tiếp nhắc nhở để mọi người về nhà đúng giờ.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia về văn hóa Nhật Bản lại tỏ ra nghi ngờ về hiệu quả lâu dài và cho rằng điều đó chỉ giải quyết được hiện tượng bên ngoài mà không hề đả động gì tới nguyên nhân thực sự.
Dốc hết sức vào công việc cũng là một cách để chứng minh lòng trung thành và nhiệt tình đối với công ty – (Ảnh minh họa).
Bà Frances Rosenbluth, một nhà chính trị học tại trường Yale University cho biết: “Sở dĩ người lao động Nhật Bản phải chịu nhiều áp lực công việc là do họ cảm thấy bản thân phải chứng minh lòng trung thành tuyệt đối với cấp trên.
Ngoài ra, phụ nữ thường ở nhà nội trợ mà không lo kiếm tiền nên trách nhiệm chu cấp cho gia đình theo quan điểm truyền thống cũng khiến cánh mày râu bị vắt kiệt sức lực“.
Thiết nghĩ, nếu chính quyền và các doanh nghiệp đưa ra nhiều chính sách nhằm kích thích nữ giới tham vào hoạt động kinh tế thì tình trạng làm việc quá giờ sẽ phần nào được cải thiện.
Song điều đó vẫn là vấn đề quá xa xôi vì chẳng một ai chịu công nhận thực trạng này đang tồn tại ngay trong lòng đất nước hiện đại nhất châu Á.