Vẫn ám ảnh với nợ thuế

Mức nợ thuế luôn ở mức trên 72 nghìn tỷ đồng trong những năm gần đây mặc dù cơ quan thuế đã triển khai quyết liệt các giải pháp đôn đốc, cưỡng chế và thu hồi nợ thuế.

Trong năm 2017, toàn ngành thuế đã đôn đốc thu nợ đọng được 44.773 tỷ đồng và đạt 89,9% số tiền nợ thuế nợ đến 90 ngày và trên 90 ngày thời điểm 31/12/2016 chuyển sang năm 2017.

Một số cục thuế thực hiện công tác quản lý nợ như: Bà Rịa – Vũng Tàu, Quảng Ninh, Đồng Nai, Quảng Ngãi, Bắc Ninh, Đà Nẵng, Hà Nam, Bến Tre, Sóc Trăng, Tiền Giang,…

Để đạt mục tiêu về thu nợ thuế năm 2018, mới đây, Tổng cục Thuế đã có công văn giao chỉ tiêu thu tiền thuế nợ năm 2018 cho cục thuế các tỉnh, thành phố.

Theo đó, Tổng cục Thuế giao các cục thuế thu với tổng số tiền thuế nợ tại thời điểm 31/12/2018 giảm xuống dưới 5% so với số thực thu ngân sách Nhà nước năm 2018.

Cục thuế các tỉnh thu tối thiểu 97% các khoản tiền thuế nợ đến 90 ngày và tiền thuế nợ trên 90 ngày thời điểm 31/12/2017.

Bên cạnh đó, các địa phương tập trung giải quyết dứt điểm các khoản tiền thuế đang chờ điều chỉnh, các khoản nợ chờ xử lý còn tồn đọng tại thời điểm 31/12/2017 trước ngày 31/3/2018.

Tổng cục Thuế yêu cầu các cục thuế triển khai thực hiện và báo cáo kết quả giao chỉ tiêu thu tiền nợ thuế năm 2018 trên địa bàn về Tổng cục Thuế trước ngày 10/2/2018.

Tổng cục Thuế cho biết, năm 2018 ngành thuế sẽ triển khai quyết liệt các giải pháp đã được đưa ra. Tạo chuyển biến rõ nét, thực chất trong công tác quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế, góp phần tăng thu cho ngân sách Nhà nước.

Theo đó, ngành thuế sẽ gắn việc thu hồi nợ thuế với đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho người nộp thuế, tạo môi trường sản xuất kinh doanh bình đẳng cho người nộp thuế thuộc mọi thành phần kinh tế.

Qua đó, thúc đẩy đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp.

Ngoài ra, Tổng cục Thuế cũng sẽ xử lý dứt điểm các khoản nợ đang chờ điều chỉnh và nợ chờ xử lý tại thời điểm 31/12/2017.

Áp dụng đầy đủ, kịp thời các biện pháp cưỡng chế nợ theo đúng quy định của Luật Quản lý thuế đối với người nộp thuế vi phạm pháp luật thuế, chây ỳ nợ thuế, cố tình chiếm dụng thuế của ngân sách Nhà nước.

Bên cạnh đó, Tổng cục Thuế cũng sẽ tổ chức rà soát toàn bộ các khoản nợ không còn đối tượng để thu, qua đó phân loại các trường hợp nợ thuế và đề xuất biện pháp xử lý nợ phù hợp.

Kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho người nộp thuế trong sản xuất kinh doanh, giải quyết kịp thời các khoản nợ xấu, xử lý nợ tiền chậm nộp cho các doanh nghiệp gặp khó khăn khách quan, tạo điều kiện cho người nộp thuế đẩy mạnh sản xuất kinh doanh hiệu quả, từ đó giảm nợ đọng thuế.

Để công tác thu hồi nợ thuế đạt kết quả, ngay từ đầu năm 2018, Tổng cục Thuế đã giao chỉ tiêu thu nợ thuế cho từng cục thuế.

Đồng thời yêu cầu các cục thuế phân bổ, giao tới từng đồng chí lãnh đạo cục thuế, trưởng phòng nợ, các đồng chí chi cục trưởng, đội trưởng, từng cán bộ để thu hồi kịp thời số tiền nợ đọng thuế vào ngân sách Nhà nước và không để phát sinh nợ mới.

Tổng cục Thuế đã yêu cầu lãnh đạo các cục thuế phải chỉ đạo, giám sát việc phân loại tiền thuế nợ theo các tiêu chí phân tích nợ thuế, đảm bảo việc phân loại phải đầy đủ hồ sơ, phản ánh đúng bản chất của khoản tiền thuế nợ của từng trường hợp nợ thuế.

Hàng tháng, tổ chức theo dõi chặt chẽ, sát sao, thường xuyên liên tục tình hình nợ thuế của các cục thuế để kịp thời tham mưu cho Tổng cục Thuế các biện pháp đôn đốc, cưỡng chế thu nợ.

Một trong những điểm đáng chú ý của ngành thuế trong năm 2018 là ứng dụng công nghệ thông tin trong tất cả các khâu của công tác quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế.

Điện tử hoá hệ thống quy trình nghiệp vụ quản lý nợ thuế và cưỡng chế nợ từ khâu ban hành thông báo nợ, quyết định cưỡng chế nợ, phân công, phân loại nợ đầy đủ, chính xác, kịp thời và xử lý phù hợp theo tính chất của từng khoản nợ; xây dựng cơ sở dữ liệu về cưỡng chế nợ thuế đối với người nộp thuế…

Ngoài sự chủ động trong việc thực hiện các giải pháp thu hồi nợ thuế, cơ quan thuế các cấp sẽ chủ động tham mưu với UBND cùng cấp chỉ đạo các sở, ngành phối hợp với cơ quan thuế duy trì các tổ liên ngành thu hồi nợ đọng.

Phối hợp chặt chẽ với kho bạc nhà nước, ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng, cơ quan kế hoạch đầu tư… thực hiện nhiệm vụ đôn đốc thu hồi tiền thuế nợ vào ngân sách Nhà nước.

Hà Nội công khai danh sách 140 đơn vị nợ thuế, phí

Bài viết mới