VAMC: Sẽ “mua đứt, bán đoạn” nợ xấu

Hơn 90,6 nghìn tỷ đồng nợ xấu đã được Công ty Quản lý Tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) xử lý trong vòng 5 năm qua, song theo ông Nguyễn Tiến Đông, Chủ tịch VAMC, đã đến lúc phải “bày” nợ xấu ra thị trường để chào bán; nếu muốn xử lý khoản “nhạy cảm” này nhanh, triệt để mà không dùng vốn ngân sách.

Luỹ kế từ khi thành lập đến hết 31/12/2017, VMAC đã thực hiện mua được 26,27 nghìn khoản nợ của 16,84 nghìn khách hàng tại 42 tổ chức tín dụng có tổng dư nợ gốc nội bảng 309,71 nghìn tỷ đồng với giá mua nợ là 279,26 nghìn tỷ đồng thông qua phát hành trái phiếu đặc biệt.

Trong khi đó, kể từ khi bắt đầu triển khai hoạt động mua nợ theo giá thị trường vào đầu năm 2017, tính đến hết năm này, tổng giá trị mua nợ của VMAC là 3,14 nghìn tỷ đồng.

Sau khi mua nợ từ các tổ chức tín dụng, việc quản lý và xử lý nợ được VAMC thực hiện như thế nào, VnEconomy đã có cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Tiến Đông, Chủ tịch VAMC để làm rõ vấn đề này.

Thưa ông, tính đến thời điểm này, kết quả xử lý nợ xấu trong số nợ đã mua từ các tổ chức tín dụng cụ thể như thế nào?

Số liệu thống kê cho thấy, VAMC đã phối hợp với các tổ chức tín dụng xử lý nợ đạt 90,65 nghìn tỷ đồng. Trong đó, riêng năm 2017, nhờ có sự ra đời của Nghị quyết 42/2017/QH14 của Quốc hội, VAMC đã thu được 30,85 nghìn tỷ đồng, gần bằng 2/3 tổng giá trị thu hồi nợ của cả 4 năm trước đó, tăng gần 2 nghìn tỷ đồng so với năm 2016.

Đối với các khoản nợ mua theo giá thị trường, sau khi mua nợ, VAMC đã triển khai ngay các giải pháp xử lý nợ phù hợp như thường xuyên đôn đốc khách hàng trả nợ, áp dụng các biện pháp cơ cấu lại nợ, thu giữ, bán đấu giá, bán thoả thuận tài sản… để thu hồi nợ.

Đến nay, đã thu hồi được cơ bản số tiền mua nợ với tổng số tiền đã thu hồi từ khoản nợ mua thị trường đạt 2,91 nghìn tỷ đồng, chênh lệch tài chính từ hoạt động mua nợ luỹ kế khoảng 52 tỷ đồng.

VAMC cũng hỗ trợ khách hàng đang gặp khó khăn có triển vọng phục hồi cơ cấu nợ thông qua việc miễn giảm lãi, điều chỉnh lãi suất cũng như cơ cấu lại thời hạn trả nợ. Ngoài ra, VAMC đã triển khai và hoàn thiện việc rà soát, phân loại và dự kiến biện pháp xử lý đối với các khoản nợ có dư nợ trên 30 tỷ đồng.

Kể từ khi có hiệu lực, Nghị quyết 42 đã giúp gì cho quá trình xử lý nợ xấu của VAMC, thưa ông?

Nghị quyết 42 trở thành “cây gậy” dẫn lối cho hoạt động xử lý nợ xấu, một hoạt động khó khăn, phức tạp và nhạy cảm. Trong năm 2018, VAMC sẽ tập trung đánh giá, phân loại những khoản nợ xấu đã được mua và đang được quản lý. Trên cơ sở đó, sẽ áp dụng biện pháp xử lý nợ phù hợp với từng khách hàng, khoản nợ, từng loại tài sản đảm bảo của các khoản nợ đó.

Dự kiến trong năm 2018 và các năm sắp tới, VAMC sẽ giảm dần việc mua nợ xấu bằng phát hành trái phiếu đặc biệt, chuyển dần sang hình thức mua đứt bán đoạn theo cơ chế thị trường.

Ban Công nghệ Thông tin của VAMC đang triển khai phần mềm mua bán nợ theo thị trường trên cơ sở bổ sung thông tin, xây dựng các hệ thống dữ liệu về nợ xấu. Đây là cơ sở để hình thành thị trường mua bán nợ xấu trong tương lai cũng như là giải pháp để tận dụng nguồn lực bên ngoài của cả khu vực trong nước lẫn nước ngoài tham gia vào hoạt động mua bán nợ xấu, M&A, tái cấu trúc doanh nghiệp, tái cấu trúc nợ xấu, chuyển giao tài sản hay dự án để tiếp tục triển khai thực hiện…

Mới đây, VAMC đã tự tổ chức một số phiên đấu giá thay vì thuê các trung tâm đấu giá. Kinh nghiệm qua những lần tự đứng ra đấu giá là gì, thưa ông?

VAMC đã triển khai và đấu giá thành công một số khoản nợ, một số tài sản đảm bảo cho các ngân hàng thương mại. Qua triển khai, tôi cho rằng đây là kênh rất tốt để xử lý nợ xấu hiệu quả. Bởi bên cạnh yếu tố chuyên môn nghiệp vụ về đấu giá, VAMC còn có “nghề” trong lĩnh vực ngân hàng, xử lý nợ nên việc đấu giá các khoản nợ diễn ra thuận lợi hơn.

Do đó, VAMC đã chuẩn bị nhân sự cho chủ trương thành lập Ban đấu giá. Nhưng Ban đấu giá chỉ là một kênh xử lý nợ. Có trường hợp, VAMC sẽ đấu giá các khoản nợ, có trường hợp việc mua bán nợ sẽ thông qua thoả thuận.

Với đặc thù là muốn xử lý nhanh, triệt để nợ xấu nhưng không dùng vốn ngân sách, bên cạnh việc phát hành trái phiếu để tạo thêm nguồn lực, mấu chốt là phải đưa các khoản nợ được VAMC “gắn mác” chứng nhận đủ tiêu chuẩn để bán ra thị trường.

Với những gì ông vừa chia sẻ, điều này có nghĩa là đang tiến dần tới việc hình thành thị trường mua bán nợ. Nghị quyết 42 sẽ điều chỉnh thị trường như thế nào, thưa ông?

Nghị quyết 42 đề cập tới rất nhiều vấn đề nhưng định hướng chính trong thời gian tới là vậy. Để hình thành thị trường mua bán nợ, cần làm rất nhiều việc và cần sự vào cuộc của rất nhiều bộ ngành.

Tuy nhiên, Điều 17 của Nghị quyết 42 quy định, trong trường hợp có quy định khác nhau giữa Nghị quyết này và luật khác về cùng một vấn đề về xử lý nợ xấu và xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán xử lý nợ xấu thì áp dụng quy định của Nghị quyết này.

Đã xử lý hơn 100 nghìn tỷ đồng nợ xấu

Bài viết mới