Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế đề xuất các giải pháp cải tổ hệ thống bệnh viện công lập.
Theo đánh giá của VAFI, trong những năm qua, Chính phủ có nhiều quyết sách trong lĩnh vực y tế như tăng cường nguồn ngân sách khổng lồ đầu tư cơ sở vật chất cho hệ thống bệnh viện công lập; đẩy mạnh xã hội hoá; hình thành các bệnh viện vệ tinh… Những chủ trương này đã làm thay đổi đáng kể cơ sở vật chất của hệ thống bệnh viện công , nhiều máy móc thiết bị tiên tiến được trang bị cho các bệnh viện, trình độ khám chữa bệnh được tăng lên.
Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại, tiêu cực trong hệ thống bệnh viện công lập từ nhiều năm nay mà chưa tìm ra phương thuốc cứu chữa.
Cụ thể như: Suất đầu tư cho cơ sở hạ tầng, máy móc thiết bị rất cao, có khi gấp đôi so với khu vực tư nhân. Điều đáng nói là chất lượng xây dựng công trình, và có thể bao hàm chất lượng máy móc thiết bị kém. Điều này ảnh hưởng rất lớn tới giá viện phí và lãng phí tới sự bao cấp vốn lớn của nhà nước. Giá thuốc mua vào rất đắt do thiếu cơ chế đấu thầu công khai minh bạch và chuyên nghiệp, sẽ làm cho giá viện phí tăng lên hay chất lượng phục vụ sẽ giảm theo.
Người bệnh vào bệnh viện khám chữa bệnh, ngoài các chi phí chính thức như viện phí, tiền mua thuốc thì còn phải chịu nhiều chi phí không chính thức như tiền phong bì, chi phí khám chữa bệnh vượt tuyến… Chất lượng phục vụ người bệnh, chất lượng khám chữa bệnh tại các bệnh viện lớn hàng đầu như Bạch Mai, Việt Đức… cũng đang có nhiều vấn đề bởi cơ chế thu nhập hiện hành, tiêu cực trong việc tuyển dụng đề bạt, cơ chế quản lý bệnh viện chưa chuyên nghiệp.
Đặc biệt, tình trạng luôn quá tải tại các bệnh viện lớn tại Hà Nội, Tp.HCM đi kèm với tình trạng khám chữa bệnh vượt tuyến lớn cho thấy, có 1 khoảng cách rất lớn về chất lượng khám chữa bệnh giữa thành thị và nông thôn hay là có 1 khoảng cách rất lớn về năng lực trình độ của bác sỹ ở thành thị và nông thôn.
Để cải tổ hệ thống bệnh viện công lập, theo đề xuất của VAFI, cần phải thực hiện 1 cuộc cách mạng trong ngành y tế. Theo đó hệ thống các giải pháp cải tổ hệ thống công lập cần thực hiện theo 3 giai đoạn.
Giai đoạn 1: Nhanh chóng chuyển toàn bộ bệnh viện Nhà nước từ hình thức đơn vị sự nghiệp công lập sang phương thức doanh nghiệp công ích hoạt động theo Luật Doanh nghiệp; Toàn bộ hệ thống bệnh viện công lập phải công khai tình hình hoạt động, tình hình tài chính như doanh nghiệp niêm yết, phải thực hiện kiểm toán hàng năm, phải có hội đồng quản trị và có ban kiểm soát.
Tuy nhiên để cho các bệnh viện hoạt động hiệu quả và an toàn, tránh tình trạng bệnh viện bị thua lỗ, giải thể phá sản thì phải giới hạn hoạt động đi vay của bệnh viện, cần khống chế chỉ cho phép bệnh viện được vay không quá 50% vốn của chủ sở hữu.
Giai đoạn 2: Cổ phần hóa các bệnh viện mạnh và đầu ngành như bệnh viện Bạch Mai, Việt Đức, bệnh viện K, Phụ sản TƯ, Nhi đồng, Chợ Rẫy… và các bệnh viện xin tự nguyện cổ phần hóa.
Sau đó thực hiện việc niêm yết trên thị trường chứng khoán cho các doanh nghiệp này để làm sâu sắc cơ chế công khai minh bạch hiệu quả, đồng thời tạo điều kiện cho các doanh nghiệp này dễ dàng huy động được vốn từ thị trường chứng khoán. Các bệnh viện lớn này sẽ đóng vai trò là các bệnh viện mẹ để làm cơ sở cho 1 tiến trình từng bước hợp nhất, sáp nhập các bệnh viện nhỏ, các bệnh viện ở tuyến tỉnh, bệnh viện huyện.
“Đây là tiến trình hình thành nên các Tập đoàn bệnh viện có cổ phần nhà nước chiếm đa số tuyệt đối (trên 65% vốn điều lệ), mang thương hiệu Việt Đức, Bạch Mai, Chợ Rẫy… xuống tận cấp huyện. Người dân ở nông thôn khi đó chỉ cần tới chi nhánh BV Bạch Mai, Chợ Rẫy , Việt Đức…đóng tại huyện mình khám bệnh, thay vì phải vất vả vượt tuyến”, VAFI đề xuất.