“Một năm Uber, Grab báo lỗ cả nghìn tỷ đồng, tại sao lỗ? Do trốn thuế, hay để cạnh tranh không bình đẳng với taxi truyền thống, giảm giá tối đa để ‘giết’ các ông taxi truyền thống? Cạnh tranh thế có bình đẳng không?,” Bộ trưởng Thể đặt câu hỏi.
Phát biểu tại tổng kết Tổng cục Đường bộ Việt Nam chiều nay (2/1), theo Bộ trưởng Giao thông Vận tải, nhiều năm qua có nước ủng hộ Uber Grab, có nước không. Thế nhưng, nếu nhìn vào phán quyết của toà án châu Âu, Uber, Grab muốn hoạt động thì phải định hướng vào loại hình nào để vừa cạnh tranh bình đẳng với các loại taxi khác, vừa đảm bảo an toàn cho người dân.
“Một taxi không có biển hiệu, thuế, thông tin tài xế tới lúc xảy ra cướp giật giết người ai chịu trách nhiệm. Định hướng quản lý phải làm sao chống thất thu thuế, đảm bảo cạnh tranh bình đẳng”, Bộ trưởng yêu cầu.
Trước đó, Tòa Công lý châu Âu (ECJ) của Liên minh châu Âu (EU) ra phán quyết Uber là một công ty vận tải thông thường thay vì là một ứng dụng công nghệ, do đó phải tuân thủ các quy định tương tự như một hãng taxi thông thường tại EU.
Trong phán quyết của mình, ECJ có trụ sở ở Luxembourg nhấn mạnh dịch vụ do Uber cung cấp, theo đó kết nối các cá nhân với các tài xế không chuyên, “vốn đã liên quan tới dịch vụ vận tải” và vì thế phải được phân loại là “một dịch vụ trong lĩnh vực vận tải” trong khuôn khổ luật pháp của EU. Do đó, các nước thành viên có thể quy định các điều kiện cho việc cung cấp dịch vụ này.
Sau 2 năm “cơn bão” ứng dụng gọi xe Uber, Grab đổ bộ vào Việt Nam và trở thành đối thủ cạnh tranh lớn của tất cả các hãng taxi truyền thống và buộc phải nhanh chóng đổi mới, tương thích công nghệ để giảm chi phí, phục vụ hành khách với mức giá tốt hơn, từ đó chia lại “miếng bánh” thị phần taxi.
Tuy nhiên, việc thí điểm cũng bộc lộ rõ hàng loạt những hạn chế, bất cập giữa loại hình ứng dụng gọi xe công nghệ và taxi truyền thống khi đặt ra vấn đề như Uber, Grab có là taxi và cơ quan quản lý Nhà nước có truy thu thuế được không? Số lượng xe thí điểm có vượt quá quy hoạch?
Tại hội nghị “Tổng kết 2 năm thí điểm ứng dụng khoa học công nghệ trong hỗ trợ kết nối vận tải hành khách theo hợp đồng” của Bộ Giao thông Vận tải vào ngày 19/12/2017, đại diện các cơ quan quản lý Nhà nước và hãng taxi cũng tỏ ra lúng túng khi đặt ra câu hỏi về việc nhận dạng Uber, Grab là loại hình kết nối công nghệ hay vận tải như taxi?
Trong một diễn biến liên quan khác, Thanh tra Tổng cục thuế (Bộ Tài chính) đã hoàn thành kết luận thanh tra hoạt động chấp hành nghĩa vụ thuế của Grab và Uber và công bố vào giữa tháng 10/2017.
Theo đó, Grab hoạt động kinh doanh ở Việt Nam từ tháng 2/2014, có vốn pháp định 20 tỷ đồng nhưng đến nay đã lỗ lũy kế 938,2 tỷ đồng.
Theo số liệu báo cáo của Grab, tổng doanh thu của doanh nghiệp này trong năm 2014, 2015 và 2016 là 1.755 tỷ đồng. Số thuế mà Grab đã kê khai và nộp ngân sách Nhà nước một khoản nghĩa vụ thuế tổng cộng là hơn 142 tỷ đồng.
Trả lời báo chí, ông Đặng Duy Khanh, Phó Vụ trưởng Thanh tra, Tổng cục Thuế cho biết, tổng doanh thu của Uber Việt Nam các năm 2014, 2015, 2016 và 6 tháng đầu năm 2017 là 2.706 tỷ đồng. Phía Uber đã chủ động kê khai và nộp thuế là gần 76,9 tỷ đồng.
Tuy vậy, theo ông, qua quá trình thanh tra, cơ quan thuế đã xử lý tăng thu xấp xỉ 66,7 tỷ đồng. Đây là khoản được đại diện ngành thuế giải thích là Uber phải chịu trách nhiệm kê khai phần chia lại cho lái xe nhưng chưa thực hiện trước đó./.