Uber, Grab đóng thuế khác gì so với taxi truyền thống?

Uber đóng thuế như thế nào?

Theo Thông tư 103/2014 của Bộ Tài chính, Uber BV sẽ có nghĩa vụ nộp vào ngân sách nhà nước 3% thuế giá trị gia tăng (GTGT) và 2% thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) trên tổng doanh thu có được nhờ hoạt động kinh doanh ở Việt Nam.

Điểm lắt léo ở đây là Uber BV cung cấp giải pháp công nghệ cho các tài xế ở Việt Nam nhưng lại thu về 100% tiền cước (khi khách hàng thanh toán qua tài khoản ngân hàng). Sau đó, tiền mới được doanh nghiệp Hà Lan này chuyển cho người lái xe. Khoản thuế mà hai bên phải nộp lại được Uber BV ủy quyền và nộp thông qua Uber Việt Nam.

Một cách đơn giản, có thể hiểu như sau:

Với mỗi 100.000 đồng được người sử dụng dịch vụ chi trả, Uber BV sẽ thu về 20.000 đồng (do tỷ lệ ăn chia giữa Uber BV và tài xế là 20/80). Số tiền này sẽ là căn cứ tính thuế GTGT 3% (600 đồng) và thuế TNDN 2% (400 đồng). Tỷ lệ doanh thu phải trả cho Uber mới tăng lên 25% từ mức 20% trước đó.

Tài xế lái xe không được hưởng toàn bộ 80.000 đồng còn lại. Họ sẽ phải đóng thuế GTGT 3% (2.400 đồng) và thuế thu nhập cá nhân 1,5% (1.200 đồng). Tuy nhiên, lái xe không cần trực tiếp đóng thuế. Khoản tiền thuế này sẽ được Uber BV kê khai và nộp hộ.

Uber BV sẽ nộp về ngân sách tổng cộng 4.600 đồng tiền thuế với mỗi 100.000 đồng doanh thu phát sinh tại Việt Nam. Số tiền này bao gồm khoản thuế nhà thầu của Uber BV và thuế mà người lái xe phải đóng góp.

Mức đóng thuế của Uber ít hơn taxi truyền thống?

Mai Linh, Vinasun và một số hãng khác đã cho rằng Uber đóng thuế ít hơn taxi truyền thống, nhưng cách tính thuế giữa Uber và taxi truyền thống có điểm khác biệt rất lớn. Bởi lẽ, trong khi Uber chịu thuế suất trên doanh thu (như đã nhắc đến ở phần trên), thì taxi truyền thống bị áp thuế TNDN 20% trên lợi nhuận.

Tại buổi Hội thảo Cập nhật và đối thoại thuế 2017 diễn ra chiều 23/7, gần 400 cán bộ cấp cao trong lĩnh vực thuế và tài chính của các tổ chức, doanh nghiệp đã được “học tập” và hiểu thêm về thuế tại Việt Nam. Các nhận định đều có chung nội dung rằng công tác kê khai, tính thuế đang được kiểm soát chặt chẽ.

Bên cạnh đó, các giao dịch chuyển tiền giữa nhà thầu và đối tác trong nước phải thực hiện qua hệ thống ngân hàng. Quy định của Ngân hàng Nhà nước về chuyển tiền ra nước ngoài cũng bảo đảm chặt chẽ và được ngân hàng thương mại tuân thủ.

Mặc dù vậy, thuế vẫn có thể bị thất thoát nếu dòng tiền không được kiểm soát tốt. Có ý kiến nêu lên câu chuyện thực tế về một nhà thầu nước ngoài. Công ty này đã mở tài khoản tại nhiều nơi, nhưng chỉ kê khai phần thuế ở tài khoản Việt Nam. Tiền thu ở trong nước được chuyển thẳng ra khỏi VN mà không kê khai phần thuế liên quan đến các tài khoản tại nước ngoài.

Ứng dụng đặt xe Việt Nam “lật ngôi” giá rẻ của Uber, Grab trên tuyến sân bay

Bài viết mới