UBCKNN quyết định đưa CTCP Quản lý quỹ Lộc Việt vào tình trạng kiểm soát

Điều 15, Thông tư 87/2017/TT-BTC: Phương án khắc phục kiểm soát

Trong thời hạn tối đa mười lăm (15) ngày, kể từ ngày Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ra quyết định đặt tổ chức kinh doanh chứng khoán vào tình trạng kiểm soát, tổ chức kinh doanh chứng khoán phải gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước báo cáo chi tiết về thực trạng tài chính, nguyên nhân và phương án khắc phục.

Phương án khắc phục phải được xây dựng cho hai năm kế tiếp, có lộ trình, điều kiện, thời hạn và kế hoạch thực hiện chi tiết tới hàng tháng, quý. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có quyền yêu cầu tổ chức kinh doanh chứng khoán điều chỉnh phương án khắc phục tại bất cứ thời điểm nào nếu xét thấy là không khả thi, không phù hợp với điều kiện thị trường hoặc không phù hợp với quy định của pháp luật.

Phương án khắc phục bao gồm những biện pháp sau:

a) Bán các tài sản có mức độ rủi ro cao; hạn chế, ngừng mua cổ phiếu quỹ;

b) Thu hồi nợ; bán lại cổ phần, phần vốn góp cho chủ nợ;

c) Cắt giảm chi phí hoạt động, chi phí quản lý doanh nghiệp; tổ chức lại bộ máy quản lý, nhân sự, cắt giảm nhân viên;

d) Thu hẹp phạm vi và địa bàn hoạt động; đóng cửa một số chi nhánh, phòng giao dịch; rút bớt nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán;

đ) Dừng việc chi trả cổ tức, phân phối lợi nhuận; thực hiện tăng vốn theo quy định của pháp luật;

e) Hợp nhất, sáp nhập với tổ chức kinh doanh chứng khoán cùng ngành nghề, cùng loại theo quy định của pháp luật;

g) Các biện pháp khác không trái với các quy định của pháp luật.

Điều 18. Trách nhiệm của cá nhân và tổ chức kinh doanh chứng khoán bị đặt vào tình trạng kiểm soát, kiểm soát đặc biệt

1. Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Tổng Giám đốc (Giám đốc) của tổ chức kinh doanh chứng khoán bị kiểm soát, kiểm soát đặc biệt có trách nhiệm:

a) Xây dựng phương án khắc phục và tổ chức triển khai thực hiện phương án đó;

b) Tiếp tục quản trị, kiểm soát, điều hành hoạt động và bảo đảm an toàn tài sản của tổ chức kinh doanh chứng khoán theo đúng quy định của pháp luật;

c) Chịu trách nhiệm về các vấn đề liên quan đến tổ chức và hoạt động tổ chức kinh doanh chứng khoán trước, trong và sau thời hạn kiểm soát, kiểm soát đặc biệt;

d) Hỗ trợ, tạo điều kiện cho các tổ chức khác thực hiện trách nhiệm theo quy định tại Thông tư này và thực hiện các công việc khác theo yêu cầu bằng văn bản của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

2. Trước mười sáu (16) giờ ngày thứ sáu hàng tuần, tổ chức kinh doanh chứng khoán phải báo cáo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tình hình triển khai phương án khắc phục và kết quả thực hiện.

3. Trong thời hạn kiểm soát, kiểm soát đặc biệt:

a) Tổ chức kinh doanh chứng khoán không được chi trả cổ tức cho các cổ đông, chia lợi nhuận cho thành viên góp vốn; chia thưởng cho thành viên Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên, thành viên Ban kiểm soát, Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó giám đốc), kế toán trưởng, nhân viên và người có liên quan tới tổ chức kinh doanh chứng khoán;

b) Tổ chức kinh doanh chứng khoán không được chuyển các khoản nợ không có bảo đảm thành các khoản nợ có bảo đảm bằng tài sản của tổ chức kinh doanh chứng khoán;

c) Tổ chức kinh doanh chứng khoán không được mua cổ phiếu quỹ, mua lại phần vốn góp từ thành viên góp vốn;

d) Tổ chức kinh doanh chứng khoán không được ký mới, ký kéo dài và tiếp tục thực hiện các hợp đồng giao dịch ký quỹ, cho vay mua chứng khoán, giao dịch mua có cam kết bán lại, cho khách hàng vay không có tài sản bảo đảm; không được ký các hợp đồng bảo lãnh phát hành dưới hình thức cam kết chắc chắn;

đ) Tổ chức kinh doanh chứng khoán không được lập thêm phòng giao dịch, chi nhánh, văn phòng đại diện, mở rộng địa bàn hoạt động, bổ sung nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán;

e) Tổ chức kinh doanh chứng khoán không được tham gia góp vốn thành lập công ty con, công ty liên doanh, liên kết, đầu tư bất động sản; hạn chế đầu tư vào các tài sản có mức độ rủi ro cao hoặc thực hiện các hoạt động kinh doanh làm tăng giá trị rủi ro, giảm vốn khả dụng.

4. Trong thời gian tổ chức kinh doanh chứng khoán tạm ngừng hoạt động theo quy định tại khoản 6 Điều 16 Thông tư này:

a) Tổ chức kinh doanh chứng khoán không được ký mới, gia hạn các hợp đồng kinh tế liên quan tới các nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán được cấp phép và chấm dứt các hoạt động nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán theo nguyên tắc sau:

– Đối với công ty chứng khoán: không được mở tài khoản giao dịch cho khách hàng mới, thực hiện việc tất toán các hợp đồng cung cấp dịch vụ môi giới chứng khoán (hợp đồng mở tài khoản giao dịch chứng khoán) và chuyển các tài khoản của khách hàng sang công ty chứng khoán thay thế theo yêu cầu của khách hàng và quy định của pháp luật liên quan (đối với nghiệp vụ môi giới chứng khoán); không được cung cấp dịch vụ giao dịch ký quỹ chứng khoán và các dịch vụ tài chính khác có liên quan tới nghiệp vụ chứng khoán; không được ký mới, gia hạn hợp đồng tư vấn đầu tư (đối với nghiệp vụ tư vấn đầu tư), bảo lãnh phát hành (đối với nghiệp vụ bảo lãnh phát hành); chấm dứt các hoạt động tự doanh chứng khoán, tất toán các tài khoản tự doanh theo hướng dẫn của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (đối với nghiệp vụ tự doanh chứng khoán);

– Đối với công ty quản lý quỹ: không được huy động vốn để lập quỹ mới, công ty đầu tư chứng khoán mới; không được tăng vốn điều lệ cho quỹ, công ty đầu tư chứng khoán hiện đang quản lý; không được ký mới, gia hạn các hợp đồng quản lý đầu tư, hợp đồng tư vấn đầu tư; bàn giao trách nhiệm quản lý và tài sản ủy thác cho công ty quản lý quỹ thay thế theo yêu cầu của khách hàng, đại hội nhà đầu tư và các quy định pháp luật khác nếu có liên quan;

b) Tổ chức kinh doanh chứng khoán vẫn phải nộp đủ số thuế còn nợ và các nghĩa vụ tài chính khác chưa thanh toán đối với nhà nước;

c) Đối với các hợp đồng đã ký với khách hàng, người lao động đang còn hiệu lực, tổ chức kinh doanh chứng khoán tiếp tục thanh toán các khoản nợ và nghĩa vụ tài chính, thực hiện đầy đủ các cam kết, nghĩa vụ theo đúng các điều khoản tại hợp đồng đã ký phù hợp với quy định của pháp luật dân sự, pháp luật về doanh nghiệp, pháp luật về chứng khoán và các quy định pháp luật khác nếu có liên quan, trừ trường hợp khách hàng, người lao động và chủ nợ có thỏa thuận khác; tất toán các hợp đồng kinh tế ngay sau khi hoàn tất nghĩa vụ của tổ chức kinh doanh chứng khoán;

d) Tổ chức kinh doanh chứng khoán tiếp tục thực hiện phương án khắc phục theo quy định tại Điều 15, Điều 17 Thông tư này và tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng và của nhà đầu tư theo quy định của pháp luật;

đ) Sở giao dịch Chứng khoán đình chỉ hoạt động giao dịch, Trung tâm Lưu ký chứng khoán đình chỉ hoạt động thanh toán bù trừ của tổ chức kinh doanh chứng khoán cho đến khi kết thúc thời hạn tạm ngừng hoạt động;

e) Ủy ban Chứng khoán Nhà nước không chấp thuận cho các tổ chức kinh doanh chứng khoán mở rộng phạm vi, địa bàn hoạt động, bổ sung nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán; không chấp thuận cho phép cung cấp dịch vụ giao dịch mua ký quỹ chứng khoán và dịch vụ tài chính khác; không chấp thuận đối với các hoạt động đầu tư, các giao dịch cần có sự chấp thuận của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước theo quy định của pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán, trừ các giao dịch chuyển nhượng, hợp nhất, sáp nhập, tăng vốn, rút bớt nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán.

Bài viết mới