Sáng nay, tại Diễn đàn Thanh toán điện tử Việt Nam 2017, gần 700 đại diện cộng đồng doanh nhân, phần nhiều là giới ngân hàng, tài chính, và các công ty công nghệ cung cấp dịch vụ thanh toán trực tuyến cũng như cộng đồng startup đã có mặt, chờ đợi được đối thoại với ông chủ Tập đoàn Alibaba, tỷ phú Jack Ma.
Nhận xét về Việt Nam, ông Jack Ma cho rằng tỷ lệ dùng tiền mặt ở Việt Nam vẫn còn quá lớn.
“Nếu để tiền mặt trong ví sẽ dễ tạo cơ hội cho lừa đảo, tham nhũng, bị móc túi… Còn nếu không dùng ví, những kẻ móc túi sẽ thất nghiệp hết”, ông nói.
Thay vào dùng tiền mặt, chỉ cần dùng điện thoại di động với công nghệ nhân trắc học sẽ an toàn, dễ dàng lần ra hành vi lừa đảo (nếu có) vì tất cả dữ liệu giao dịch đều được “ghi chép” lại.
Trước đó, tại phiên thảo luận thứ 2 với chủ đề “Phát triển hệ sinh thái cho thanh toán di động ở Việt Nam”, là người điều phối phiên thảo luận, ông Vũ Viết Ngoạn – Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng đã đặt câu hỏi cho Phó thủ tướng Vương Đình Huệ: “Từ góc độ Chính phủ ông có những đánh giá và nhận định như thế nào về xu hướng phát triển thanh toán di động tại Việt Nam?”.
Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, bối cảnh toàn cầu hoá thanh toán di động là xu thế tất yếu không ai có thể cưỡng lại và đứng ngoài cuộc. Xu thế này mang lại nhiều lợi ích cho các chủ thể: người dân, doanh nghiệp, Nhà nước.
“Xu hướng này chắc chắn sẽ bùng nổ tại Việt Nam và thế giới thời gian tới”, ông nhấn mạnh.
Phó thủ tướng cho biết, trong thời gian ngắn trò chuyện với Chủ tịch Alibaba – Jack Ma bên lề VEPF 2017 nhưng ông rất đồng tình với quan điểm, rằng thanh toán di động còn mang lại sự minh bạch cho nền kinh tế. Ông đề nghị các bộ ngành nghiên cứu thêm phát triển thanh toán điện tử trong quản lý nền kinh tế phi chính thức ở Việt Nam, hiện tỷ trọng này chiếm phần lớn tại các vùng đô thị, nông thôn. Quản lý được khu vực này sẽ giúp nền kinh tế phát triển bình đẳng hơn, chống xói mòn trong thu thuế.
Tuy nhiên, lợi ích của ngân hàng trong xu thế này chưa được đề cập nhiều. Hiện tại ngân hàng Việt Nam chủ yếu sống dựa vào dịch vụ tín dụng, trong khi dịch vụ phi tín dụng rất ít. Mỗi khi một chủ thể tham gia quá trình hệ sinh thái này còn nghĩ tới cái tôi của mình thì không thể phát triển được. Chính phủ, cá nhân tôi rất ủng hộ và cam kết mạnh mẽ trong việc phát triển thanh toán di động và để xu thế này phát triển bùng nổ tại Việt Nam.
“Phổ cập để đi nhanh, để chúng ta không tụt lại phía sau. Đi nhanh để không một ai thụt lại phía sau trong quá trình này”, Phó thủ tướng nhấn mạnh.
Ông Cao Quốc Hưng – Thứ trưởng Công Thương cho biết thương mại điện tử tăng 25-35% mỗi năm, tốc độ tăng trưởng tại Việt Nam tương đương với khu vực.
Năm 2016, thương mại điện tử của Việt Nam đạt 5 tỷ USD, và hiện nay pháp lý, hạ tầng dần hoàn thiện. Ngoài ra phấn đấu thời gian tới thương mại điện tử Việt Nam sẽ chiếm 30% trên thế giới. Trong bối cảnh hội nhập toàn cầu hoá thì thương mại điện tử của Việt Nam cũng phát triển với công nghệ thế giới như công nghệ 4.0.
Chia sẻ về thanh toán thương mại đa ngành như logistic, hải quan… ông cho rằng ở nước ta mặc dù là thương mại điện tử nhưng mà thanh toán bằng tiền mặt vẫn rất lớn. Do đó, chúng ta cần phải tiếp tục giải quyết các tồn đọng khi vẫn có tới 89% thanh toán bằng tiền mặt, và mới có 18% thanh toán qua trung gian. Nguyên nhân thanh toán di động còn thấp do liên quan đến niềm tin và nhiều yếu tố khác.
Thanh toán không dùng tiền mặt có rất nhiều lợi ích vì giúp cho người tiêu dùng tiết kiệm thời gian, chi phí… Do đó, chúng ta cần đẩy mạnh hơn nữa các công tác hỗ trợ và thúc đẩy phát triển than toán di động trong thời gian tới.