Tôi muốn kể bạn nghe một câu chuyện có thật về những sai lầm trong cuộc sống. Nghe có vẻ hơi điên rồ nhưng thật tuyệt vời khi được mắc lỗi. Vì sao? Vì nhờ những lần mắc lỗi của tuổi trẻ, chúng ta học được tất cả mọi thứ cần thiết cho sự trưởng thành. Chúng ta sẽ phải trải qua nhiều lần thử nghiệm mới có thể tìm ra định nghĩa đúng của trưởng thành.
Và trước khi đến được thành công, chúng ta thường vấp phải nhiều sai lầm dẫn đến thất bại và đôi khi cái giá phải trả không hề nhỏ. Thế nhưng, đừng vội nản chí vì “khi một cánh cửa khép lại, sẽ có một cánh cửa khác mở ra”. Hãy thật bình tĩnh và lạc quan để sẵn sàng tận dụng cơ hội mới đang chào đón mình.
Trong thực tế, số lần bạn mắc sai lầm sẽ nhiều hơn số lần đúng. Có người đã từng nói: “Cuộc sống là một chuỗi mắc lỗi và sửa sai”, ngẫm lại cũng có phần đúng. Bởi vì phía sau những lần mắc lỗi luôn có những điều đúng đắn chờ đợi chúng ta, những điều lớn lao hơn, tốt đẹp hơn.
Riêng với tuổi trẻ, sai lầm đôi khi còn là một lợi thế. Điều nghịch lý ấy được tỷ phú Jack Ma nhấn mạnh: “Nếu bạn đang 25 tuổi, hãy cứ sai lầm. Mọi sai lầm đều là tài sản, đều là bài học quý báu cho bạn”. Tuổi trẻ có quyền được thử nghiệm, trải nghiệm, được phép sai và sửa sai. Và thước đo bản lĩnh của con người cũng nằm ở phần phía sau đó – có rút ra được bài học hay không? Có nhận thức sâu sắc những gì mình vừa trải qua không? Và nếu sai lầm lặp lại, bạn sẽ biết cách giải quyết nó tốt hơn chứ?
Vậy thì khi mắc sai lầm bạn phải xử lí tình huống đó như thế nào?
Thông thường, chúng ta hay chọn cách im lặng hoặc tệ hơn là tìm cách che giấu. Tuy nhiên che giấu sai lầm chỉ khiến mọi thứ tồi tệ hơn khi rất có thể những người xung quanh sẽ bị ảnh hưởng bởi lỗi mà bạn gây ra. Hãy thừa nhận sai lầm của mình và tìm cách khắc phục nó bởi vì “đánh kẻ chạy đi, không ai đánh người chạy lại” – sẽ chẳng ai trách bạn nếu bạn nhận ra và chịu trách nhiệm về sai lầm của bản thân.
Việc thừa nhận sai lầm cũng đem lại rất nhiều lợi ích. Khi bạn dám nhận lỗi, bạn là người can đảm và thành thật. Và mọi người xung quanh sẽ đánh giá cao điều đó. Đồng thời việc biết nhận sai và sửa sai sẽ giúp bạn rút ra kinh nghiệm cho bản thân và không mắc lỗi ở những lần sau.
Như vậy, có thể nói lỗi lầm cũng có thể coi như là một loại tài sản. Càng va chạm niều với cuộc sống, bạn sẽ càng nhận ra nhiều khiếm khuyết, sai lầm. Từ việc nhận thức được những khiếm khuyết, sai lầm đó chúng ta có cơ hội để tự điều chỉnh mình, hoàn thiện bản thân và có cơ hội trở thành một người hoàn hảo hơn.