Giao dịch với mức P/E lên tới gần 100 lần, thị giá gấp 70 lần mệnh giá ở thời kỳ đỉnh cao, cổ phiếu với FPT từng được coi là một trong những “bong bóng” điển hình của làn sóng tăng giá bất chấp tất cả của thị trường chứng khoán giai đoạn cuối 2006 đầu 2007.
Mất gần 11 năm, thị giá cổ phiếu FPT mới trở lại giai đoạn đó, hiện trạng của tập đoàn này đã thay đổi rất nhiều, nhưng vẫn còn một vấn đề vẫn còn như trước – động lực nào cho FPT trong giai đoạn tới.
FPT – một thời “bong bóng”
Ngày 13/12/2006, cổ phiếu FPT chính thức niêm yết trên sàn HOSE với gần 61 triệu đơn vị. Mức giá khởi điểm cho phiên giao dịch hôm đó là 160.000 đồng, tuy nhiên đến chốt phiên giao dịch mỗi cổ phần FPT được trao tay ở mức 400.000 đồng. Đà tăng khi đó, một phần nhờ thị trường chung quá mạnh, một phần nhờ vào nội tại của doanh nghiệp này khi FPT trở thành số ít những công ty công nghệ được niêm yết cũng như được một số quỹ đầu tư lớn của Mỹ đầu tư.
Sang đầu năm 2007, cổ phiếu này thậm chí còn vượt mốc 600.000 đồng và đạt mức đỉnh 665.000 vào ngày 27/2. Tại mức giá này, vốn hóa của FPT lên đến hơn 40.000 tỷ đồng – gấp 90 lần lãi ròng của năm 2006!
“Điều gì đang xảy ra đối với cổ phiếu FPT?” – tựa đề một báo cáo phân tích được đưa khi đó. Căn cứ để thị trường đưa ra mức định giá này đối với một công ty như FPT, như đánh giá của một số nhà đầu tư lúc đó, chỉ nhờ kỳ vọng vào khoản cổ tức đều đặn và chia thưởng lớn.
Năm 2004, FPT chia cổ tức với tỷ lệ 81% trong đó 20% là tiền mặt và 61% bằng cổ phiếu. Đến năm 2005 cổ tức giảm xuống những vẫn ở tỷ lệ cao ngất ngưởng 67%, trong đó 15% là tiền mặt và 52% bằng cổ phiếu.
Nhưng dù thị trường đang ở trong giai đoạn “bất chấp” tất cả, thì mức P/E lên tới 90 lần, thị giá cổ phiếu gần gần 70 lần mệnh giá cũng khiến nhiều tổ chức phải hoài nghi về triển vọng của cổ phiếu này. Báo cáo của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) khi đó đã cảnh báo về “cơn sốt” của thị trường chứng khoán Việt Nam với nhiều cổ phiếu tăng theo cách “không thể hiểu được”.
Làn sóng tranh mua cổ phiếu và đẩy thị giá FPT lên cao đến mức Chủ tịch Hội đồng Quản trị của FPT khi đó đã trở thành một trong những người giàu nhất Việt Nam tính theo tỷ lệ nắm giữ cổ phiếu FPT. Những ngay cả những nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu này phải thừa nhận FPT đã đi quá xa giá trị thực.
Và khi bong bóng chứng khoán vỡ, cổ phiếu FPT một thời được “tâng lên mây xanh” cũng không tránh được xu thế giảm không phanh của thị trường. Đến khi tạo đáy vào giữa năm 2008, cổ phiếu này đã giảm tới gần 90% so với đỉnh, tương đương 7.400 đồng quy đổi về mức giá hiện tại.
Mức giảm khá sâu bên cạnh việc do trước đó FPT bị đẩy lên quá cao còn có thể xuất phát từ việc FPT đã khiến nhiều nhà đầu tư lo lắng khi tập đoàn này đã mở rộng đầu tư sang rất nhiều lĩnh vực rủi ro như chứng khoán, bất động sản, ngân hàng… “Giờ đây, khi nói đến FPT người ta có thể bị lẫn bởi thương hiệu FPT không còn tập trung vào viễn thông và CNTT nữa mà là đủ thứ: đào tạo, chứng khoán, bất động sản… Đây có thể là lý do khiến cho các NĐTNN lo lắng”, nhận định của một chuyên gia khi đó.
Dù vậy, lợi nhuận của FPT vẫn tiếp tục tăng trưởng khá ấn tượng cho đến năm 2011 trước khi bị chững lãi trong một vài năm tiếp theo.
Biến động giá cổ phiếu FPT từ khi niêm yết (giá đã điều chỉnh)
Tái lập đỉnh cũ với mức định giá thấp hơn hẳn thị trường
Phiên giao dịch ngày 9/1/2018, FPT tăng 2% lên 62.100 đồng – chính thức vượt qua mức đỉnh 665.000 đồng của gần 11 năm trước. Mức giá khi đó sau nhiều lần chia tách hiện được điều chỉnh về còn 62.042 đồng. Đây là “thành quả” từ việc cổ phiếu FPT ở trong xu hướng tăng giá suốt 5 năm qua nhờ những động thái tập trung vào lĩnh vực cốt lõi là công nghệ thông tin.
Cùng một mức giá tương đương nhưng điều nghịch lý là 11 năm trước FPT bị định giá quá cao với mức P/E lên đến 90 lần thì hiện nay, cổ phiếu này lại được định giá thấp hơn hẳn so với mặt chung. P/E hiện nay của FPT chỉ vào khoảng 13 lần trong khi đa số các cổ phiếu lớn đã lên đến trên 20 lần.
11 năm đi một vòng tròn, FPT đang trở lại quỹ đạo như trước thời điểm cổ phiếu này lên sàn, với định hướng tập trung trở thành một công ty công nghệ hàng đầu. FPT bước sang năm 2018 sẽ chứng kiến doanh thu giảm mạnh khi không còn hợp nhất doanh thu của mảng phân phối – bán lẻ, lĩnh vực lâu nay luôn đóng góp trên 60% tổng doanh thu của tập đoàn. Tuy nhiên, động thái này đưa FPT trở thành một công ty công nghệ đúng nghĩa với phần lớn doanh thu đến từ viễn thông và phát triển phần mềm.
Việc cổ phiếu FPT đang bị định giá thấp hơn hẳn thị trường vừa là cơ hội để có thể tăng trưởng tiếp cũng vừa phản ánh những đánh giá thận trọng của nhà đầu tư trước triển vọng tăng trưởng của tập đoàn này trong những năm tới.