Từng bị đuổi việc rồi thất nghiệp, cô gái 8x cựu sinh viên Ngoại Thương gói ghém thất bại làm học liệu, mở Startup giáo dục nâng tầm người Việt

Trải qua nhiều vị trí ở nhiều công ty đa quốc gia, Võ Minh Ngọc gói ghém 7 năm kinh nghiệm thành công lẫn thất bại làm thành học liệu cho Impactus – một Startup “lai” giữa trung tâm tiếng Anh và đào tạo kỹ năng làm việc trong môi trường quốc tế.

Ngọc, 33 tuổi, cựu sinh viên của ĐH Ngoại thương (FTU), và có bằng Thạc sỹ Quản trị Tài chính ở Anh. Ngọc hiện là Co-founder kiêm CEO của Impactus – mô hình giáo dục kỳ vọng không chỉ giúp các bạn trẻ phát triển bản thân ở khả năng ngôn ngữ (tiếng Anh) mà còn phát triển “job readiness” (các kỹ năng làm việc) cần thiết để đáp ứng nhu cầu nhân sự chất lượng cao vốn đang rất khan hiếm.

Mẹ mất từ nhỏ, sự đòi hỏi cao từ bố cộng thêm sự dìu dắt của mẹ nuôi – vốn là bạn thân của mẹ Ngọc đã nhận lời chăm sóc cô khi mẹ cô mất, Ngọc nổi bật với cá tính độc lập và mạnh mẽ, như lời nói đùa “mình là đàn ông mặc váy” của cô.

“Bố mình đòi hỏi rất cao, từ hồi cấp 1 bố lúc nào cũng bắt mình đi học phải giỏi nhất lớp, lúc nào cũng phải độc lập, không được phép dựa dẫm vào ai, không bao giờ được nhờ ai làm cho mình cái gì mà mình phải là người đầu tiên giải quyết được vấn đề của mình”, Ngọc chia sẻ.

Đời cho bạn quả chanh thì hãy pha ly nước chanh…

* Ngọc có gặp khủng hoảng khi mới trở về nước sau thời gian du học ?

Tốt nghiệp thạc sỹ với kết quả rất cao ở Anh, mình nghĩ rằng về Việt Nam sẽ dễ dàng kiếm được công việc nghìn USD, nhưng thực tế không như vậy. Mình cứ ứng tuyển rất nhiều nhưng không được ai gọi đi phỏng vấn. Cuối cùng thông qua một mối quan hệ mà mình vào làm Chuyên viên Nghiên cứu tại một công ty tư vấn bất động sản của Anh, nhưng cũng chỉ làm được 6 tháng.

Mình không thích làm những việc mà phải ôm máy tính cả ngày. Sau đấy mình làm rất nhiều việc, từ Project manager, Sales, Phát triển thị trường, Marketing… Càng về sau càng làm những công việc phải tiếp xúc với con người nhiều hơn, và mình phát hiện ra đấy là công việc mình yêu thích.

Mình bản chất là một người yêu tiền, ham mê kinh doanh, đồng thời lại tự rèn được ý chí, sự kiên trì – những tố chất tiên quyết của một người làm Sales. Kỹ năng Sales giúp mình rất nhiều khi khởi sự kinh doanh, bởi nếu bạn là chủ doanh nghiệp thì bạn phải là người bán hàng giỏi nhất của doanh nghiệp ấy. Đây cũng là nhận định của Mark Cuban, doanh nhân và nhà đầu tư nổi tiếng của chương trình Shark Tank Mỹ.

* Những dấu ấn nào trong cuộc đời mà Ngọc nhớ nhất?

Mình gặp 2 lần khủng hoảng với những câu hỏi quẩn quanh về giá trị của bản thân và ý nghĩa cuộc đời. Những khủng hoảng ấy tôi luyện cho mình cá tính mạnh mẽ hơn trước những cú shock sau này.

Cú shock nhất trong sự nghiệp của mình diễn ra cách đây vài năm, khi đi làm ở một trường quốc tế – mình bị đuổi sau 2 tháng thử việc. Đấy là một trong những thất bại khiến cho mình nhận ra rất nhiều thứ mình có thể học được và áp dụng vào những khóa học ở Impactus, đó là kỹ năng làm việc với con người và kỹ năng hòa nhập vào một môi trường mới như thế nào.

2 tháng làm việc ở môi trường ấy, công việc chuyên môn mình làm ổn, nhưng việc xây dựng mối quan hệ và làm thế nào để promote bản thân (tự truyền thông cho bản thân) trong một môi trường mới thì hoàn toàn thất bại.

* Cụ thể thì Ngọc học được gì từ thất bại đó?

Từng bị đuổi việc rồi thất nghiệp, cô gái 8x cựu sinh viên Ngoại Thương gói ghém thất bại làm học liệu, mở Startup giáo dục nâng tầm người Việt - Ảnh 1.

Mình nhớ mình từng làm việc với một chị Sales Manager có kỹ năng mềm rất tốt, một con người rất khôn ngoan theo nghĩa tích cực. Chị ấy có nói một câu mà mình nhớ mãi: “Em làm việc phải khôn, phải biết “đá bóng”. Việc “đá bóng” thế nào, cùng với nhiều kỹ năng mềm khác, là việc nhiều bạn trẻ không nhận thức được.

Khi có cơ hội đến, bạn sẽ là người được sếp tin cậy để trao cơ hội ấy. Từ “cơ hội” (opportunity) là một trong những bài học được lặp đi lặp lại trong Impactus.

Trong môi trường công sở, không phải cứ làm tất cả mọi việc, ai bảo làm gì cũng nhận là điều tốt, mà đầu tiên là hãy biết làm tốt và ngày càng tốt những công việc trong phạm vi công việc của mình, đem lại giá trị cho tổ chức, và quan trọng không kém là phải tự truyền thông khiến mọi người bao gồm sếp, đồng nghiệp, khách hàng v.v. biết đến giá trị của mình.

Từ câu nói của người chị ấy, mình đã đưa bài học về việc promote bản thân trong một tổ chức thế nào vào học phần của các khóa học trong Impactus để các bạn hiểu rằng: Đi làm không chỉ đơn giản là bạn làm chuyên môn. Chuyên môn tất nhiên phải làm tốt, nhưng trong công sở có rất nhiều người với các xuất xứ khác nhau, lứa tuổi khác nhau, nhiều người rất khôn ngoan, mình phải biết cách bảo vệ mình, điều hòa mối quan hệ để ai cũng biết mình là ai.

Khi có cơ hội đến thì mình sẽ là người họ tin cậy để trao cơ hội ấy. Từ “cơ hội” (opportunity) là một trong những bài học được lặp đi lặp lại trong Impactus.

Ở Impactus mình đặt rất nhiều thời gian, tâm huyết và trí tuệ vào khóa Level 3 là Communication Senior (Giao tiếp cao cấp), trong đó có một trò chơi là Doomsday (ngày tận thế).

Khi ngày tàn của thế giới đến, Nhà vua chỉ được cứu 1 người đưa cùng mình lên hành tinh khác giữa những người bên cạnh mình như Hoa hậu, Robot, Công an v.v Những người ấy sẽ phải thuyết phục Nhà vua cứu mình và đưa ra lý do vì sao.

Đấy là bài học mình quán triệt trong các lớp Communication của Impactus: Cơ hội (opportunity) thì ít, người ra quyết định cũng rất ít, còn đối thủ của chúng ta quá nhiều, vậy chúng ta cần phải có chiến lược khôn ngoan. Nguyên tắc này cũng chính là cơ sở để Impactus theo đuổi sứ mệnh “nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Việt, và khiến các doanh nghiệp Việt Nam có chiến lược khôn ngoan để giành lấy các cơ hội giữa môi trường kinh doanh toàn cầu ngày càng cạnh tranh”.

* Việc show up (thể hiện bản thân) nơi công sở có phải là khôn lỏi?

Mình không gọi là khôn lỏi, mà là Khôn ngoan. Ai trong chúng ta cũng giỏi về chuyên môn. Ví như vào được một tập đoàn đa quốc gia như Unilever thì bạn nào cũng giỏi như nhau, nhưng cuối cùng chỉ 1 người có cơ hội được thăng tiến. Người đó vừa phải giỏi chuyên môn, đồng thời rất khôn khéo trong đối nhân xử thế, xây dựng mối quan hệ với khách hàng, đối tác, sếp và đồng nghiệp, chưa kể cả với Chính phủ nữa. .

Rồi các bạn cũng sẽ thấy, một ngày đẹp trời một trong những đồng nghiệp của bạn được sếp cân nhắc lên làm quản lý của mình, không phải vì bạn ấy là người giỏi chuyên môn nhất, mà là người có kỹ năng con người tốt nhất để làm việc ở tiền tuyến.

Người Việt vì tính khiêm nhường mà có thể

bỏ qua nhiều cơ hội

* Ngọc có thấy kỹ năng mềm nơi công sở là điểm yếu của giới trẻ ngày nay?

Mình nghĩ các bạn chưa đủ trải nghiệm. Điều này xuất phát từ cách giáo dục từ khi ta còn nhỏ và văn hóa. Ở Việt Nam, các bậc cha mẹ rất đề cao chuyện học hành, càng càng ngày coi trọng việc học mà không muốn con trải nghiệm khó khăn thử thách. Việc này khiến kỹ năng mềm, kỹ năng tư duy để phát triển trong công sở của các bạn trẻ khá hạn chế. Trong khi đó có nhiều bạn chưa tốt nghiệp đại học, nhưng “vào đời” sớm thì lại rất khôn.

* Có vẻ nhiều bạn trẻ vẫn đang có cái nhìn tiêu cực về chuyện “show up” nơi công sở?

Đấy là do văn hóa của Việt Nam và Châu Á đề cao tính khiêm nhường, không thể hiện bản thân. Nhưng nói ” show up ” thì có vẻ hơi tiêu cực, mình gọi là self-promotion (tự thể hiện mình), tức là tự khiến bản thân mình ai cũng biết. Việc này các bạn Châu Âu, Mỹ, Úc làm rất tốt.

Đấy là lý do mình và Hưng (Lưu Đình Hưng – Cofounder của Impactus – PV) đưa ra sứ mệnh của Impactus là nâng cao tính cạnh tranh của người Việt. Khi chúng mình ra nước ngoài gặp những chuyên gia của phương Tây, ấn tượng ban đầu là các bạn ấy rất chuyên nghiệp và ấn tượng.

Kỹ năng self- promotion của các bạn ấy rất tốt, khiến mọi người ban đầu đều ngưỡng mộ. Nhưng nếu làm việc với nhau một thời gian làm việc thì ta nhận ra bản thân mình cũng có những điểm mạnh mà họ không có, và mình không hề thua kém họ.

Nguyên tắc kinh doanh: Không bỏ trứng vào một giỏ, thu vào rồi mới chi ra

* Mọi người thường nói về việc bán nhà, bán xe để khởi nghiệp. Câu chuyện khởi sự với Impactus của Ngọc có tương tự?

Từng bị đuổi việc rồi thất nghiệp, cô gái 8x cựu sinh viên Ngoại Thương gói ghém thất bại làm học liệu, mở Startup giáo dục nâng tầm người Việt - Ảnh 3.

Không bao giờ mình làm gì mà không tính về tài chính trước. Khi mở Impactus lần đầu, chúng mình thu vào rồi mới chi ra. Nguyên tắc ấy gần như là nguyên tắc đi cùng bọn mình đến tận bây giờ, tức phải chắc chắn tiền vào nhiều hơn tiền ra thì mới làm, kể cả quyết định mở rộng Impactus cũng vậy.

Trong kinh doanh có khác nhiều triết lý, quan điểm khác nhau. Có người sẵn sàng đặt sổ đỏ, đặt nhiều thứ để quyết định đầu tư như một canh bạc. Còn mình thấy có nhiều cách để có nguồn vốn tài chính.

Một người chị ở tập đoàn lớn từng chia sẻ với mình: Làm giáo dục thì không cần số vốn lớn, cái cần là cần Con người, Sản phẩm và Thương hiệu

Rất may mắn là lúc mới làm có rất nhiều người tin bọn mình, thế nên việc gọi vốn khá suôn sẻ. Khi ấy mình gọi vốn nhờ một vài người bạn chơi thân với nhau, tin tưởng vào mô hình sản phẩm của bọn mình thì góp vốn.

Khoản tiền bỏ vào Impactus là tiền cá nhân của mình tích góp trong khoảng thời gian làm thuê. Sau này, các anh chị kinh doanh đi trước cũng chia sẻ lại với mình rằng: “Thực ra em làm giáo dục thì không cần số vốn lớn, cái chính em cần là cần Con người, Sản phẩm và Thương hiệu.”

Cho nên, mình thấy nếu đầu tư quá nhiều vốn chưa chắc là việc tốt đối với doanh nghiệp khởi nghiệp trong mảng Giáo dục, mà quan trọng là Sản phẩm và Cam kết của Founder đối với chất lượng giáo dục.

Về tài chính cá nhân, bản thân mình trước kia đi làm thuê cũng tiết kiệm được một số vốn, cũng cố gắng đa dạng hóa và tăng nguồn vốn của mình lên bằng những kênh khác nhau. Đến bây giờ, quyết định quản lý tài chính cá nhân như thế chưa từng làm cho mình rơi vào tình trạng rủi ro về mặt tài chính.

* Có khi nào Ngọc thấy mọi thứ ở Impactus như vượt quá tầm kiểm soát và quản trị của mình hay không? Những lúc đó Ngọc làm thế nào để vượt qua?

Trước kia đi làm thuê thì mình chỉ tập trung vào 1 thứ, nhưng khi làm chủ doanh nghiệp thì lại phải đối mặt với rất nhiều thứ, từ chuyện làm sản phẩm, bán hàng, xây dựng đội ngũ, pháp lý… Nhiều lúc cũng cảm thấy ngộp. Những lúc ấy mình xử lý bằng cách tập thể thao khá nặng như chạy đường dài, đạp xe đường dài. Mỗi tuần mình chạy khoảng 30km và sau mỗi lần đi chạy về mình thấy các mối lo lại biến mất và mình tìm thấy năng lượng mới để tiếp tục.

Mình cũng từng đạp xe từ Lào Cai về Hà Nội mất 4 ngày. Mình rất nhớ chuyến đi ấy, có những lúc trời mưa, đoạn đường đèo có những lúc bùn dầy đến cả chục centimet, mình và anh bạn trai người Đức phải vác xe đạp lội bộ.

Mình đã chạy Half Marathon, tức là cự ly 21km, và tham gia Ironman với các “chiến hữu” là cánh mày râu. Mục tiêu năm nay của mình là chạy Full Marathon, cự ly 42 km. Mình thích những trải nghiệm mới và khó một chút.

Một cách giải quyết khác là mình hay gặp gỡ các anh chị Founder hoặc quản lý cao cấp nhiều kinh nghiệm, nghe anh chị chia sẻ, cho mình lời khuyên, lời khen… Những lần gặp gỡ ấy đã đem lại cho mình rất nhiều động lực để bước tiếp.

* Có khi nào Ngọc muốn buông bỏ?

Vào những thời điểm khó khăn nhất, không hiểu sao mình lại nhận được rất nhiều phản hồi tích cực của các bạn học viên. Các bạn viết những dòng feedback rất có ý nghĩa như Impactus đã thay đổi cuộc đời, cách tư duy của bạn ấy thế nào… Đấy là động lực lớn khiến mình quyết định tiếp tục.

Gần đây mình ấn tượng và xúc động nhất là có bạn tốt nghiệp Đại học Ngoại Thương rồi đi làm ở Hòa Bình, buổi tối đi xe bus 40km từ Hòa Bình về Impactus để đi học, tan lớp lại đi bus về Hòa Bình rồi sáng hôm sau đi làm.

Những trường hợp đấy là những động lực mình thấy rất có ý nghĩa khi khởi sự kinh doanh trong mảng Giáo dục.

Mình thấy rằng bất kỳ doanh nghiệp nào, lúc nhỏ không phải khó nhất mà to lên mới khó. Doanh nghiệp càng to thì thách thức và vấn đề càng khó giải quyết, nên mình cần chuẩn bị trước tâm lý, kinh nghiệm và năng lực quản lý, đặc biệt là năng lực quản trị rủi ro và quản trị nhân sự để đón đầu những thách thức khi Impactus lớn lên.

* Xin cảm ơn!

Lời nhắn của Startup từng nhận lời hứa rót vốn 4,4 tỷ đồng từ cá mập VN: “Các Startup nên tiếp cận Shark Tank như một gameshow, đừng quá trông chờ!”

Bài viết mới