Tuần thứ 3 xét xử vụ Phạm Công Danh: Ba ngân hàng nói việc đòi 6.126 tỷ là vô lý, VKS giữ nguyên quan điểm phải trả

Phiên tòa xét xử vụ án cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam (VNCB), Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín (Sacombank), Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank), Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) vừa kết thúc tuần xét xử thứ 3.

Với 6 ngày làm việc trong tuần (từ ngày 22 – 27/1), phiên tòa đã có thời gian tranh tụng khá sôi nổi. Các luật sư đã tham gia bào chữa và bảo vệ quyền lợi của người liên quan xung quanh 3 nội dung xét xử chính, là các khoản tiền liên quan đến BIDV cho 12 công ty vay gây thiệt hại cho VNCB hơn 2.500 tỷ đồng, khoản tiền liên quan Sacombank cho 6 công ty vay gây thiệt hại cho VNCB hơn 1.800 tỷ đồng và khoản tiền của TPBank cho 11 công ty vay gây thiệt hại hơn 1.740 tỷ đồng.

Các bị cáo và luật sư bào chữa cho rằng nhiều bị cáo trong số đó đã không cố ý làm trái, không vi phạm luật tổ chức tín dụng, có chăng chỉ sai sót trong quá trình thực hiện nhưng không trọng yếu. Vì thế, họ mong được tòa tuyên vô tội hoặc giảm nhẹ mức án có thể.

Riêng Ngân hàng Xây Dựng đề nghị tòa tuyên 3 ngân hàng Sacombank, BIDV và TPBank phải hoàn trả số tiền 6.126 tỷ đồng và các bị cáo phải bồi thường liên đới một phần trong số tiền đã gây thiệt hại.

Tuy nhiên phản bác lại quan điểm này, cả 3 ngân hàng đều cho rằng việc đòi tiền là vô cùng phi lý. Đã hơn 3 năm kể từ khi các giao dịch hai bên kết thúc, phía VNCB không hề có bất cứ yêu cầu gì với khoản tiền mà đến nay khi thời hạn của các phát sinh liên quan các giao dịch đã quá hạn thì lại đòi tiền. Hơn nữa, các dòng tiền vào và ra khỏi các ngân hàng đã được cơ quan giám định NHNN xác định là đúng theo quy định của pháp luật và luật TCTD…3 ngân hàng này còn có đơn kêu cứu lên Hiệp hội ngân hàng bảo vệ quyền lợi của họ, và hiệp hội ngân hàng cũng đã gửi công văn lên các cơ quan cấp cao hơn.

Sau 5 phiên tranh tụng, sáng ngày 27/1, Viện kiểm sát đã có phần đối đáp lại các quan điểm của luật sư và bị cáo cùng những người liên quan. Về cơ bản, VKS giữ nguyên quan điểm ban đầu, với các bị cáo là nhân viên, là người làm thuê được VKS đề nghị tuyên án thấp hơn so với mức đề nghị.

Về số tiền tăng vốn điều lệ 4.500 tỷ đồng mà luật sư và các bị cáo có ý kiến, VKS cho rằng quá trình xét hỏi tại toà, các bị cáo, luật sư bào chữa và đại diện CB (VNCB cũ) thì thấy số tiền trên đã được chuyển vào VNCB Sở giao dịch 2. Đại diện CB xác định số tiền đó đã hòa vào tiền chung và không tách ra được và thực tế VNCB đã sử dụng số tiền này. VKS khẳng định quá trình làm việc không gây bất lợi cho bị cáo, VKS nắm rõ hành vi của các bị cáo trong giai đoạn 1, trên cơ sở các hành vi phạm tội của vụ án giai đoạn 2, VKS đã xem xét rõ tất cả các vấn đề.

Vì vậy, luật sư và bị cáo tiếp tục đề nghị xác minh ai sử dụng và sử dụng số tiền ấy làm gì, đề nghị lấy lại số tiền đó để khắc phục hậu quả hoặc cấn trừ hậu quả vụ án cho các bị cáo. Về ý kiến này, VKS xác định số tiền thiệt hại của vụ án là 6.126 tỷ đồng đã đề nghị thu hồi từ 3 ngân hàng vì đó là vật chứng vụ án và VKS bảo lưu quan điểm này.

Còn việc không tách được số tiền ở VNCB thì đó là việc của ông Phạm Công Danh và VNCB, nay là CB, do vậy để đảm bảo quyền lợi của các bị cáo, VKS đề nghị HĐXX tuyên ông Phạm Công Danh phải trả lại 4.500 tỷ cho VNCB.

Về đề nghị thu hồi các khoản tiền như 600 tỷ của nhóm bà Hứa Thị Phấn, số tiền 194 tỷ từ ông Trần Quý Thanh, trả lãi ngoài, truy thu số tiền lãi của 3 ngân hàng, các khoản tiền lãi phạt, lãi quá hạn từ BIDV qua các khoản tiền vay của các công ty… VKS không có kiến nghị yêu cầu thu hồi các khoản tiền này.

Tuy nhiên trong quá trình xét xử nếu xác định đó là chứng cứ của vụ án, VKS đề nghị HĐXX xem xét xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Nếu HĐXX xác định đây là vật chứng của vụ án thì đề nghị thu hồi.

Về vai trò, trách nhiệm của Tổ giám sát Ngân hàng Nhà nước tại VNCB, theo VKS, những cá nhân này đã bị khởi tố về tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” nên không thể xem xét.

Đối đáp với các ý kiến của các luật sư bào chữa cho Phạm Công Danh cho rằng quy buộc chưa thỏa đáng, theo VKS, việc VNCB gửi tiền ở 3 ngân hàng là hợp pháp, nhưng mục đích là gửi để bảo lãnh cho các công ty vay vốn chứ không phải gửi tiền thanh toán thông thường. Do vậy những cáo buộc của VKS về các hành vi của Phạm Công Danh là có cơ sở.

Tương tự, VKS cũng cho rằng đủ căn cứ xác định hành vi của bị cáo Trầm Bê, Phan Thành Mai như đã cáo buộc.

Đối với bào chữa của luật sư cho rằng bị cáo Nguyễn Quốc Viễn không cố ý làm trái đối với khoản vay tại Sacombank, việc vay của ngân hàng có sai sót Viễn chỉ góp phần nhỏ nên không đồng ý quy kết. Đại diện VKS cho rằng Viễn là người biết và trực tiếp mọi hoạt động cũng như nhận chỉ đạo của Phạm Công Danh, Viễn đã thừa nhận hành vi nên không có căn cứ đồng ý lời bào chữa của luật sư.

Đối với Phan Huy Khang, Viện kiểm sát cho rằng bị cáo Khang thực hiện hành vi do chủ trương từ bị cáo Bê gửi xuống. Bị cáo Khang không được hưởng lợi và thành khẩn khai báo. Viện kiểm sát đề nghị HĐXX xem xét thêm cho bị cáo Khang.

Đối với nhóm các bị cáo giám đốc đứng tên các công ty và các nhân viên của các ngân hàng, các bị cáo có nhân thân tốt, không hưởng lợi, khi lượng hình VKS đã xem xét mức độ hành vi của các bị cáo cũng như các tình tiết giảm nhẹ cho các bị cáo, tuy nhiên VKS đề nghị HĐXX xem xét thêm cho các bị cáo và tuyên dưới mức án đề nghị.

Thứ hai, ngày 29/1, phiên tòa sẽ tiếp tục làm việc.

Tuần đầu xét xử Đại án Phạm Công Danh và 4 ngân hàng: Các bị cáo và người liên quan đã khai những gì?

Bài viết mới