Tuần đầu xét xử Đại án Phạm Công Danh và 4 ngân hàng: Các bị cáo và người liên quan đã khai những gì?

Sáng nay ngày 15/1, phiên tòa xét xử vụ án cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB), Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), Ngân hàng Tiên Phong (Tienphongbank, nay là TPBank) và ngân hàng Phát triển Việt Nam (BIDV) tiếp tục diễn ra.

Trong tuần đầu tiên xét xử đại án, Viện kiểm sát và luật sư bào chữa cho các bị cáo đã tiến hành thẩm vấn các bị cáo và người liên quan xung quanh các hành vi: Gửi tiền sang Sacombank, cho vay, bảo lãnh và trả nợ thay cho 6 công ty của ông Danh, gây thiệt hại cho VNCB hơn 1.835 tỷ đồng; hành vi dùng tiền gửi tại TPBank bảo lãnh và trả nợ thay cho 11 công ty vay vốn để mua trái phiếu Tập đoàn Thiên Thanh và công ty Trung Dung; hành vi dùng tiền gửi của VNCB tại BIDV bảo lãnh, trả nợ thay cho 12 công ty vay vốn, gây thiệt hại cho VNCB hơn 2.550 tỷ đồng.

Trong đó, các hành vi liên quan đến hai ngân hàng Sacombank, BIDV và quỹ Lộc Việt được hỏi nhiều hơn cả.

Về hành vi liên quan đến Sacombank, ông Trầm Bê khai rằng có gặp bị cáo Phạm Công Danh, nguyên chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đại Tín, nguyên chủ tịch Tập đoàn Thiên Thanh. Ông Danh đến gặp để hỏi về việc vay tiền do ông Bê là chủ tịch Hội đồng tín dụng, khoản tiền lớn theo quy định phải cấp Hội đồng tín dụng phê duyệt. Nhưng ông Bê chỉ đạo cấp dưới rằng xem xét nếu đủ điều kiện thì cho vay.

Bị cáo Phan Huy Khang, nguyên Tổng giám đốc Sacombank nói có thể do quy trình thực hiện bên dưới có sai sót. Các nhân viên dưới quyền nói làm việc theo quy định và chỉ đạo của lãnh đạo.

Các cựu lãnh đạo của VNCB khi được hỏi, trong đó có bị cáo Phan Thành Mai, nói rằng việc gửi tiền, vay vốn, bảo lãnh và trả nợ thay có thể do lãnh đạo Sacombank không biết. Bị cáo Mai xin lỗi các ngân hàng vì bị cáo mà bị liên lụy. Bị cáo Phạm Công Danh sức khỏe yếu hơn lần trước, nhiều lần được đưa ra ngoài để bác sĩ chăm sóc. Bị cáo Danh cũng xin ý kiến xoay quanh tình trạng của ngân hàng, và nhiều câu hỏi không trả lời được do không nhớ.

Các luật sư bào chữa cho các bị cáo nguyên là cán bộ VNCB đề nghị VKS và tòa án làm rõ thêm về dòng tiền vay của BIDV để tăng vốn điều lệ cho VNCB, đồng thời có người đề nghị khoản tiền ấy là vi phạm nên phải thu hồi.

Ở BIDV, 3 bị cáo nguyên là cán bộ ngân hàng này nói làm việc theo quy định, theo đúng điều lệ của ngân hàng, và nếu có quy trách nhiệm là phải ở hội sở. Những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan của ngân hàng này, trong đó có ông Phó Tổng giám đốc Đoàn Ánh Sáng, nói rằng đã làm việc theo đúng quy định của ngân hàng, và trong quá trình thực hiện có thể sai sót, xin được rút kinh nghiệm. Đại diện BIDV khi được hỏi thì nói các quy trình đều thực hiện đúng.

Các bị cáo là nhân viên Tập đoàn Thiên Thanh, đứng tên làm giám đốc cho các công ty của Phạm Công Danh nói không được hưởng lợi gì, chỉ làm việc theo chỉ đạo, vì vậy xin Hội đồng xét xử xem xét.

Đáng lưu ý, Viện kiểm sát đã nhiều lần đề nghị triệu tập bổ sung những người có liên quan, đặc biệt là các cán bộ ngân hàng BIDV, để làm rõ thêm về các dòng tiền. Trong đó ông Trần Bắc Hà, nguyên chủ tịch BIDV (đã về hưu từ tháng 9/2016) được đề nghị triệu tập nhiều hơn cả.

Tuy nhiên người đại diện cho ông Trần Bắc Hà cho biết ông Hà đang đi chữa bệnh ở Singapore, ông bị mắc bệnh ung thư. Trong phiên xét xử ngày 13/1, Viện kiểm sát đề nghị xác minh rõ xem ông Hà có thực sự xuất cảnh đi chữa bệnh hay không.

Phiên tòa chiều 13/1: Luật sư của Phạm Công Danh mong muốn làm rõ khoản tiền tăng vốn đang ở đâu

Bài viết mới