Từ một công ty bất động sản không mấy ai biết, Licogi 14 gây sốc khi cổ phiếu “thăng hoa” từ 4.000 lên xấp xỉ 100.000 đồng

Không phải tên tuổi quá đình đám trong lĩnh vực bất động sản, xây dựng, tuy nhiên Licogi 14 (L14) đang là ngôi sao hàng đầu trên TTCK Việt Nam trong vài năm trở lại đây.

Từ một cổ phiếu được ít người biết đến với thị giá chỉ quanh ngưỡng 4.000 đồng vào cuối năm 2015 (tính theo giá điều chỉnh) thì đến nay thị giá L14 đã lên sát ngưỡng 100.000 đồng, tương ứng mức tăng trưởng 2.400% (khoảng 25 lần). Trong gần 2 năm qua, L14 thực sự là cổ phiếu có mức tăng trưởng hàng đầu trên TTCK Việt Nam.

L14 là một trong những cổ phiếu tăng trưởng thần tốc nhất trên TTCK Việt Nam

L14 là một trong những cổ phiếu tăng trưởng thần tốc nhất trên TTCK Việt Nam

Vậy điều gì khiến cổ phiếu L14 bỗng chốc trở thành tâm điểm trên TTCK trong 2 năm qua?

Kết quả kinh doanh thúc đẩy giá cổ phiếu

Trong các doanh nghiệp thuộc “họ Licogi” thì Licogi 14 có quy mô khá nhỏ với vốn điều lệ chỉ vài chục tỷ. Trước năm 2014, KQKD Licogi khá ảm đạm với lợi nhuận vỏn vẹn vài tỷ đồng mỗi năm.

Tuy vậy, bước ngoặt đã đến với Ligogi 14 kể từ năm 2014 khi dự án Khu đô thị Minh Phương sau giai đoạn đầu tư kéo dài hơn 10 năm được mở bán. Theo tìm hiểu, dự án Minh Phương tại Phú Thọ có tổng diện tích gần 60ha và được quy hoạch đồng bộ bao gồm khu hành chính, trường học, trung tâm thương mại, hồ sinh thái, khu chung cư sinh viên, nhà liền kề…

Ngay trong năm đầu tiên mở bán (2014), Licogi 14 đã ghi nhận gần 19 tỷ đồng LNST, gấp 5,6 lần năm trước đó và cũng là con số kỷ lục kể từ khi thành lập doanh nghiệp.

Riêng trong 6 tháng đầu năm 2017, nhờ đẩy mạnh tiến độ bán hàng tại Minh Phương, lãi ròng công ty đã lên tới 26,4 tỷ đồng – gấp gần 3 lần cùng kỳ năm trước và bằng xấp xỉ lợi nhuận cả năm 2016. Với “mỏ vàng” Minh Phương, Licogi 14 đã mau chóng vươn lên trở thành một trong những doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả nhất “họ Licogi”.

Bước ngoặt lợi nhuận năm 2014 từ dự án Minh Phương

Bước ngoặt lợi nhuận năm 2014 từ dự án Minh Phương

Trong chiến lược phát triển những năm tiếp theo, Licogi 14 cho biết công ty sẽ đầu tư các dự án đô thị Nam Minh Phương (mở rộng dự án đô thị Minh Phương), các khu nhà ở dân cư nhỏ lẻ, xen kẽ tại các thị xã, thị tứ; sản xuất gạch block tự chèn để phục vụ dự án và thị trường; kinh doanh thương mại xăng dầu mỡ các loại.

Đối với các doanh nghiệp bất động sản, việc gia tăng quỹ đất là điều tiên quyết để thành công. Mới đây, Licogi 14 đã được phê duyệt gần 50ha để tực hiện dự án Nam Minh Phương (gần tương đương dự án cũ) và công ty đang xúc tiến bồi thường giải phóng mặt bằng để kịp thi công trong năm. Đây sẽ là nguồn thu chủ lực của công ty trong vài năm tới.

Bên cạnh đó, Licogi 14 cũng mở rộng thi công xây lắp tại các khu vực có tiềm năng phát triển mạnh như Phú Thọ, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang… Để thực hiện được những kế hoạch tham vọng này, Licogi 14 đã có kế hoạch tăng vốn điều lệ lên 100 tỷ đồng, gấp đôi hiện tại để đầu tư vào những dự án đang triển khai.

Cổ phiếu bứt phá nhờ dàn lãnh đạo mới?

Cùng với sự cải thiện về KQKD thì những biến động trong cơ cấu lãnh đạo công ty chắc hẳn đã tác động không nhỏ tới giá cổ phiếu L14.

Tại ĐHCĐ diễn ra vào tháng 4/2016, ông Hà Minh Tiến- Thành viên HĐQT kiêm Phó TGĐ Licogi 14 đã xin từ nhiệm HĐQT, thay thế ông Tiến là ông Nguyễn Mạnh Tuấn do một nhóm cổ đông lớn của công ty đề cử.

Chưa dừng lại, tại cuộc họp HĐQT mới diễn ra vào ngày 19/5, nhóm các thành viên HĐQT gồm ông Nguyễn Mạnh Tuấn, ông Nguyễn Thế Bình, ông Nguyễn Văn Tuấn (3/5 thành viên) đã đề nghị bãi nhiệm chức danh chủ tịch HĐQT đối với ông Vũ Duy Quang- người đại diện ủy quyền phần vốn góp của TCT Licogi tại Licogi 14 (26,42%).

Lý do mà các thành viên HĐQT đưa ra là ông Vũ Duy Quang ngoài nhiệm vụ tham gia quản lý vốn góp tại Licogi 14 còn đảm nhiệm chức vụ Phó TGĐ Tổng công ty Licogi, tham gia quản lý phần vốn của Licogi tại nhiều công ty khác khiến ông phải đảm đương nhiều nhiệm vụ, ảnh hưởng đến quyết định đầu tư tại Licogi 14. Bên cạnh đó, ông Quang cũng không tự quyết được nhiều vấn đề, phải xin ý kiến từ Tổng công ty dẫn đến chậm trễ tiến độ thực hiện công việc công ty.

Ông Vũ Duy Quang đã phản bác rằng nội dung các thành viên HĐQT đưa ra không đủ cơ sở do không chỉ ra được sai phạm. Tuy nhiên, do có đến 3/5 thành viên HĐQT yêu cầu bãi nhiệm, ông Quang đã không đưa ra ý kiến gì và không dự họp tiếp nội dung này.

Sau đó, 4 thành viên HĐQT còn lại đã thống nhất đề cử ông Phạm Gia Lý- người đang giữ chức TGĐ kiêm Phó chủ tịch HĐQT Licogi 14 lên giữ chức chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ. Quyết định này được sự nhất trí của 3 thành viên HĐQT gồm ông Nguyễn Mạnh Tuấn, ông Nguyễn Thế Bình và ông Nguyễn Văn Tuấn (ông Phạm Gia Lý không biểu quyết).

Đáng chú ý, đà bứt phá mạnh nhất của cổ phiếu L14 chỉ thực sự diễn ra kể từ tháng 4/2016, thời điểm diễn ra những biến động lớn trong bộ máy lãnh đạo công ty.

Được biết, vào tháng 4/2008, ông Phạm Gia Lý từng được bổ nhiệm giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT Licogi 14. Tuy nhiên, chỉ 1 năm sau đó, ông Phạm Gia Lý lui về đảm nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch công ty. Như vậy, sau 7 năm, ông Phạm Gia Lý đã quay lại với cương vị Chủ tịch HĐQT Licogi 14.

Mới đây vào ngày 16/8/2017, Licogi 14 tiếp tục miễn nhiệm chức vụ thành viên HĐQT đối với ông Vũ Duy Quang, đồng thời bầu ông Phùng Văn Thanh thay thế. Như vậy, chỉ trong vòng hơn 1 năm, HĐQT L14 gần như thay máu toàn bộ.

Trước đây, HĐQT Licogi 14 đã thông qua nghị quyết mua lại cổ phiếu TCT Licogi nắm giữ tại Licogi 14 một phần làm cổ phiếu quỹ, một phần bán cho thành viên HĐQT nắm giữ. Tuy vậy, cho đến thời điểm này kế hoạch vẫn chưa được thực hiện.

Trong kế hoạch thoái vốn của TCT Licogi hiện có tên Licogi 14. Có lẽ, với sự xuất hiện bộ máy lãnh đạo mới, Licogi 14 sẽ đẩy nhanh quá trình mua lại cổ phần. Hiện tại, TCT Licogi vẫn là cổ đông lớn nhất sở hữu 26,42% vốn điều lệ công ty.

Bài viết mới