Ông Pascal Billaud, Giám đốc điều hành Central Food Retail Group, Đại sứ châu Á về Chỉ dẫn địa lý của Liên Hợp Quốc, đã có những phát biểu về câu chuyện chỉ dẫn địa lý trong khuôn khổ Hội chợ ThaiFex 2018 tại Thái Lan.
Việt Nam đã có nhiều sản phẩm được cấp chỉ dẫn địa lý, trong đó có tiêu Phú Quốc, bưởi da xanh Bến Tre, dừa xiêm Bến Tre, chả mực Hạ Long… Tuy nhiên, nhiều sản phẩm của Việt Nam trên trường quốc tế vẫn chưa bán được giá cao.
Ông Pascal Billaud, Giám đốc điều hành Central Food Retail Group, Đại sứ châu Á về Chỉ dẫn địa lý của Liên Hợp Quốc tại hội thảo.
Giá tiêu của Campuchia gấp 3 lần tiêu của Việt Nam và Thái Lan
Vị Đại sứ châu Á về chỉ dẫn địa lý (CDĐL) của Liên Hợp Quốc dẫn chứng, như hiện nay, cũng là tiêu, nhưng tiêu đen Kampot (Cambodia) giá 15 USD/kg, Thái Lan 6 USD/kg, còn Việt Nam chỉ 5.04 USD/kg.
Nghĩa là Việt Nam chưa làm tốt lợi ích của CDĐL trong việc tăng năng xuất cho người trồng.
Hay các lợi ích khác về truy xuất nguồn gốc sản phẩm, nhãn hiệu thông qua sản phẩm có CDĐL.
Chẳng hạn như sản phẩm Doi Chaang Coffee được đặt theo tên của ngôi làng nông thôn trên các ngọn đồi của đông bắc Thái Lan. Cam kết cà phê thương mại công bằng hữu cơ, đảm bảo chất lượng và hương vị tốt nhất.
Với chỉ dẫn địa lý (CDĐL), vị đại sứ cho rằng Việt Nam nên đẩy mạnh nhận thức của người dân, tạo ra nhiều hình thức đào tạo, giáo dục con người .
Ông Pascal Billaud cho biết thêm, CDĐL rất quan trọng với những hộ nông dân, nó cung cấp những thông tin cần thiết về sản phẩm và bảo vệ đặc thù riêng về địa lý nơi ấy.
“Nên khi nông dân tại địa phương có ý định phát triển và bảo vệ khu vực địa phương, bảo vệ CDĐL của họ thì phải đăng kí với cơ quan, ban ngành”.
Vị chuyên gia này khuyên, với các sản phẩm CDĐL mà Việt Nam hiện nay đang xuất sang Trung Quốc thì nên bảo vệ những khu vực sản xuất này, đảm bảo sự cân bằng và công bằng cho nông dân.
Thái Lan, họ bảo vệ chỉ dẫn địa lý ra sao?
Tiêu Thái tuy không bán được giá như tiêu Campuchia nhưng nhiều sản phẩm có chỉ dẫn địa lý của Thái Lan có giá tốt trên thế giới. Chính phủ và doanh nghiệp nước này có sự “ưu ái” đặc biệt cho những sản phẩm có cấp chỉ dẫn địa lý.
Ông Pascal cho biết, hiện nay Central hỗ trợ cho các sản phẩm CDĐL của Thái Lan về:
– Tìm nguồn cung ứng của sản phẩm để cung cấp cho khách hàng;
– Có một chứng nhận sản phẩm đảm bảo cho an toàn;
– Truy xuất để biết nguồn gốc của sản phẩm;
– Tạo nền kinh tế bền vững bằng việc đảm bảo thu nhập cho nông dân địa phương;
– Cải thiện sản phẩm cộng đồng;
– Xây dựng cộng đồng CDĐL mạnh mẽ; Hỗ trợ OTOP và SME tại địa phương.
Bên cạnh đó, các sản phẩm CDĐL của Thái Lan cũng được bán rộng rãi tại tất cả các khu ẩm thực Central Food, Tops Markets và Tops superstores trên toàn quốc. Ngoài ra, Tops – Central Group còn quảng bá sản phẩm CDĐL trên kênh mua sắm trực tuyến của mình.
Chính phủ Thái đã đẩy mạnh sản phẩm có chỉ dẫn địa lý tại 77 tỉnh thành trên cả nước với mục tiêu bổ sung giá trị sản phẩm và khuyến khích nông dân địa phương.
Mục tiêu của chính phủ: 1 tỉnh 1 sản phẩm có chỉ dẫn địa lý. Trong đó có sự liên kết của các thành phần là: Người trồng/nhà sản xuất; Tiêu chuẩn chỉ dẫn địa lý; Sản phẩm có chỉ dẫn địa lý; Chợ; Cục sở hữu trí tuệ; Phát triển sản phẩm và thiết kế bao bì.
Trong đó tại Thái Lan thì tiêu chuẩn CDĐL khác nhau tùy theo từng sản phẩm. Các sản phẩm CDĐL không cần phải là một sản phẩm hữu cơ mà chủ yếu là các sản phẩm nông nghiệp đáp ứng tiêu chuẩn của Thai Gap được áp dụng từ Global Gap.