Sau khi đối mặt với: một cơn mưa lớn khiến trận đấu bị hoãn, tạo cách biệt bảy gậy so với đối thủ chỉ sau nửa vòng golf nhưng liên tiếp mắc bogey ở 9 hố cuối, 4 hố phụ căng thẳng với sự quyết định của Ban tổ chức về việc áp dụng luật “cái chết bất ngờ”, Ariya Jutanugarn mới chạm tay được tới chức vô địch. Có lẽ sẽ còn bất ngờ hơn với những chia sẻ của cô về điều gì làm cô cảm thấy tự hào nhất về bản thân sau chiến thắng danh giá hôm Chủ nhật vừa rồi.
Trước khi lý giải điều gì khiến cho golf thủ chỉ mới 22 tuổi đến từ Thái Lan này trở thành người có khả năng chiến thắng giải golf danh giá nhất thế giới dành cho nữ, cần quay ngược thời gian lại một chút, về những ngày đầu trong sự nghiệp của Jutanugarn. Năm 2016, năm thứ hai của Jutanugarn trên LPGA Tour, cô đã giành được chiến thắng tại 3 giải đấu liên tiếp, trở thành golf thủ đầu tiên của LPGA Tour làm được điều này. Jutanugarn thực sự gây ấn tượng bởi sự mạnh mẽ trong thi đấu, mạnh mẽ đủ để thành công với các cú driver, nhưng đồng thời cũng có sự tinh tế hiếm có trong vùng green. Ngay từ khi bắt đầu sự nghiệp chuyên nghiệp, Jutanugarn đã tỏ ra mình có tất cả các công cụ để chiếm ưu thế so với các đối thủ khác.
Nhưng, cũng thường xuyên như việc cô đạt được tới 8 chức vô địch LPGA Tours tính đến trước tuần vừa rồi, những thất bại đáng thất vọng cũng không phải là ít, những thất bại làm suy yếu ý tưởng rằng cô có thể trở thành Nancy Lopez, Annika Sorenstam hay Lorena Ochoa tiếp theo. Sự mâu thuẫn giữa những lần miss cut (không đủ điểm tiêu chuẩn để chơi tiếp vòng golf) với những chiến thắng cách biệt so với các đối thủ khiến sức mạnh tinh thần của Jutanugarn bị nghi ngờ nhiều hơn 1 lần. Ở tuổi 17, cô đã mắc triple bogey tại lỗ cuối cùng khi LPGA Tour được tổ chức ngay tại quê nhà Thái Lan, ngay khi cô đang phấn đấu giành chức vô địch đầu tiên của mình. Nhưng đáng nói hơn nữa là tại giải vô địch ANA năm 2016. Cho đến nay cô vẫn chưa giành được 1 major nào. Cô đã dẫn đầu tại Mission Hills, chỉ vấp ngã tại vòng chung kết với lỗi triple bogey và kết thúc giải đấu ở vị trí thứ 4.
Những ký ức không mấy lành mạnh về thất bại này đã quay trở lại trong ngày chủ nhật vừa rồi tại LPGA Tour. “Tôi thực sự tự hào về bản thân trong nửa đầu vòng golf. Tôi đã làm được mọi thứ tôi muốn làm” – Jutanugarn nói sau trận đấu. Tuy nhiên ở 9 lỗ cuối, với những lỗi liên tiếp mắc phải, cô thừa nhận ký ức ANA bắt đầu trở lại. Cô đã cố gắng tiếp cận trận play-off này với một suy nghĩ mới bằng cách tự nói với bản thân: Đây không phải tình huống trước đây, đây là một tình huống hoàn toàn khác. Thay vì mang sự thất vọng về những giải đấu trong quá khứ, Jutanugarn buộc mình tập trung vào việc tách mình ra khỏi những kỳ vọng về kết quả sẽ phải đạt được và đơn giản là giải phóng bản thân để chơi tốt.
“Sau khi đã dẫn trước tới 7 gậy và lại kết thúc bằng việc phải thi đấu play-off, tôi thuyết phục bản thân rằng tôi không còn kỳ vọng vào điều gì nữa”. Để có được một trạng thái “buông bỏ” như vậy ngay trong thời điểm căng thẳng nhất, dễ xúc động nhất của một giải US Open, Jutanugarn đã làm việc thường xuyên với Chuyên gia tâm lý thể thao Pia Nilsson và Lynn Marriott. Chủ đề bao quát trong các buổi nói chuyện của họ là: Làm thế nào để thoát khỏi tâm lý chỉ tập trung vào kết quả của trận đấu? Đó là tâm lý mà bất cứ vận động viên thể thao nào cũng đều dễ dàng gặp phải, tâm lý khát khao chiến thắng. Bạn muốn làm tốt, và thước đo rõ ràng nhất chính là kết quả, điểm số. Nhưng suy nghĩ này đôi khi có thể dẫn tới những bất lợi nghiêm trọng. Nếu điều duy nhất bạn đánh giá là kết quả, bạn sẽ cảm thấy thất bại hoàn toàn khi kết quả đó không xảy ra. Sẽ thực sự khó khăn nếu bạn là một tay golf chuyên nghiệp và không thể chấp nhận được thất bại như vậy, bởi trong thế giới golf, chiến thắng là một sự kiện hiếm hoi ngay cả khi bạn đang chơi rất tốt, và tất nhiên không hề dễ dàng.
Thay vào đó, Jutanugarn nói rằng tất cả những việc cô làm đều quay về 2 điều chính: Cam kết với mỗi cú đánh và Tự hào về bản thân mình. “Tôi cố gắng để tự hào về bản thân mỗi ngày” – Đó là một tuyên bố đơn giản, nhưng thực chất là dấu hiệu của một sự thay đổi lớn trong suy nghĩ. Thay vì tự xác định mình có bao nhiêu giải đấu cần giành chiến thắng, Jutanugarn cố gắng đánh giá cao bản thân về những việc cô đang làm. Bất kể có chiến thắng hay không, cô muốn cảm thấy tự hào về cô ấy là ai và cô ấy đang làm gì.
Chuyên gia Nilsson nói: “Cô ấy đã học được rằng điều quan trọng là cảm thấy tự hào, bằng cách chiến đấu trong mọi cú đánh dù bất cứ điều gì xảy ra. Tất nhiên, cô ấy vẫn muốn đạt kết quả tốt. Nhưng cô ấy đã học được rằng, để điều đó xảy ra, cô ấy cần tin tưởng và cảm thấy quyết định của mình luôn được tập trung và cam kết trong mỗi cú swing hay strike, cũng như có được phản ứng tích cực sau mỗi cú đánh”.
Đó là lý do tại sao Jutanugarn luôn nói từ “cam kết” nhiều hơn bất cứ từ nào khác trong suốt giải đấu US Open. Cô ấy luôn tự nói với bản thân: Hãy suy nghĩ về cú đánh mà mình tạo ra, không phải là bối cảnh mà cú đánh đang diễn ra. Không phải lúc nào cũng có thể suy nghĩ như vậy, có những khoảnh khắc Jutanugarn thừa nhận cô đã mất đi cam kết của mình. Đó là khi những cú đánh hỏng ở những thời điểm quan trọng diễn ra, khi vị trí dẫn dầu bị mất đi. Nhưng sự rèn luyện về tinh thần giúp bạn cảm thấy tốt ở một điểm nào đó trong suy nghĩ sẽ giữ bạn khỏi việc chìm đắm trong những tình huống khó khăn. Nó cung cấp cho bạn các công cụ để thoát khỏi đó.
Jutanugarn không chỉ có 1 mình, đội của cô đã cùng làm việc giúp cô nâng cao sức mạnh trong trò chơi. Caddie của cô, Les Luark cũng không ngừng đưa ra những sự động viên tích cực, phù hợp với những gì các chuyên gia tâm lý đã dạy cô. Huấn luyện viên của cô cũng cực kỳ ấn tượng vì những gì Jutanugarn đã làm được để giành chiến thắng: “Cô ấy hoàn toàn cởi mở để học hỏi và trưởng thành, đối mặt với nỗi sợ của chính mình”. Gilchrist nói rằng khi họ làm việc với các cú swing, họ chỉ tập trung vào việc đảm bảo cô ấy ở vị trí mà cô ấy không cần phải đánh giá cao bất cứ thứ gì khác.
Thật khó để thay đổi cách suy nghĩ của ai đó. Điều đó yêu cầu có sự hướng dẫn và cả thời gian, và rất nhiều nỗ lực. Nhưng Jutanugarn đã coi đó thực sự là một “công việc”. Đã dành phần lớn thời gian trong sự nghiệp đã qua để suy nghĩ về kết quả phải đạt được, nhưng nay cô đã tìm thấy niềm tự hào về những việc mình làm trước khi để ý đến kết quả sẽ là gì. Điều đó giải thích vì sao, sau khi cô đã vượt qua trận play-off và nâng cao danh hiệu US Open và là người phụ nữ Thái Lan đầu tiên làm được điều đó, khi được hỏi: Khoảnh khắc nào làm cô thấy tự hào nhất sau khi trải qua một trận thi đấu dài và khó khăn? Cô đã chỉ vào hố golf đầu tiên: “Cú phát bóng ở lỗ đầu tiên, bởi lúc đó tôi thực sự hồi hộp và phấn khích”. Tự hào đơn giản là khi bạn vượt qua được nỗi sợ hãi của chính mình.