Tình yêu không có lỗi. Sự tự hào không có lỗi. Tình cảm của người hâm mộ dành cho các cầu thủ U23 Việt Nam lại càng không có lỗi. Nó xuất phát từ niềm tự hào, từ sự ngưỡng mộ thật sự dành cho lứa cầu thủ thuộc diện “của hiếm” của bóng đá Việt Nam.
Tuy nhiên, văn hóa thần tượng nên xuất phát từ những nền tảng văn hóa, văn minh cơ bản thay vì bày tỏ một cách bột phát, cuồng nhiệt thái quá.
Ngày các chiến binh U23 trở về quê nhà từ chiến trường AFC, có lẽ các em cũng chờ đợi những màn tôn vinh, cũng mong ngóng nhìn cảnh hàng nghìn lá cờ tổ quốc bay khắp mọi nẻo đường thay vì lẻ loi cắm trên một đụn tuyết.
Nhưng tôi tin rằng, các em đã đi từ cảm giác phấn khích, chờ đợi tới sự mệt mỏi thậm chí… sợ hãi trước tình cảm của người hâm mộ. Tôi có cảm giác nhiều CĐV đang đối xử với các cầu thủ U23 như những… ca sỹ, diễn viên chứ không phải những cầu thủ bóng đá.
Tôi đã thấy Xuân Trường gục mặt xuống bàn vì quá mệt mỏi với việc phải ký tặng liên tục. Tôi cũng thấy thủ thành Tiến Dũng phải tìm cách chạy thoát thân để kịp giờ lên xe bus.
Tôi có nghe qua một cầu thủ U23 Việt Nam tâm sự riêng với phóng viên chuyện bị NHM xé rách áo. Đến cả bữa ăn sau 10 tiếng nhịn đói cũng phải đi cùng màn giao lưu bất đắc dĩ với NHM, thông qua màn hình điện thoại của một cô diễn viên.
Tôi cũng nhìn thấy gương mặt mệt mỏi của Bùi Tiến Dũng tại quê nhà Thanh Hóa. Dù đã xin phép NHM về phòng nghỉ ngơi, nhưng nhiều CĐV vẫn cố gắng xông vào phòng riêng của Dũng để chụp ảnh.
Tôi cũng nghe nhiều fan nữ tâm sự rằng, họ giật được một nắm tóc của cầu thủ này, lấy được cái tăm của cầu thủ nọ. Đến cả những nhân viên của sân bay Nội Bài cũng cho phép bản thân quên đi nhiệm vụ để trở thành NHM.
Trong những bức ảnh đầu tiên sau khi chuyên cơ đưa U23 về nước hạ cánh, thứ tôi thấy nhiều nhất lại là những chiếc điện thoại được giơ lên để selfie với cầu thủ.
Tôi biết trong cơn cuồng U23 Việt Nam, tất cả những hành động nhân danh tình yêu, sự hâm mộ, niềm tự hào đều được coi là bình thường. Nhưng hãy làm ơn để các cầu thủ được… thở.
Văn hóa thần tượng, dù trong bất kỳ sự kiện nào, cũng nên xuất phát từ hai phía: tức là bản thân được thỏa mãn niềm yêu thích, nhưng đối phương cũng cảm thấy không gian riêng tư của mình được tôn trọng.
Cách đây khoảng 1 năm, báo Tây Ban Nha từng cho đăng một đoạn video clip ghi lại cảnh Cristiano Ronaldo đi uống café và bị fan phát hiện ra. Nhưng cách mà NHM Madrid xin chữ ký Ronaldo rất khác so với hình ảnh đám đông CĐV vây lấy các cầu thủ U23 xuất hiện nhan nhản vài ngày vừa qua.
Ronaldo ngồi yên vị trên ghế, CĐV tiến tới xin chụp ảnh cùng CR7 theo thứ tự. Tôi vẫn còn nhớ một cô gái tóc vàng, sau khi biết Ronaldo đã chụp kha khá ảnh cùng những fan khác, đã bẽn lẽn tiến tới và hỏi: “Liệu anh có phiền nếu chụp thêm một bức ảnh nữa, hay anh sẽ rời đi sớm”. Cô ta chờ đến khi CR7 đồng ý mới tiến sát anh để chụp ảnh.
Nếu các bạn đã xem hoặc chuẩn bị tìm video đó thì xin hãy chú ý tới khoảng cách giữa fan và Ronaldo: Họ không bao giờ tiếp cận thần tượng của mình một cách sỗ sàng, mà luôn giữ một khoảng cách rất văn minh để đôi bên đều không cảm thấy khó chịu.
Có thể nói, rất nhiều NHM đã làm mọi cách để thỏa mãn sự ích kỷ của bản thân, hay đơn thuần chỉ để có một bức ảnh, một chữ ký để chia sẻ lên Facebook, mà không hề quan tâm tới sự riêng tư của các cầu thủ U23.
Hãy hiểu cho các em. Nếu giữ một khoảng cách chuyên nghiệp như các cầu thủ Arsenal và Man City từng làm với NHM Việt Nam, các em sẽ bị chỉ trích, chê bai là kiêu căng. Nhưng sức đâu mà thỏa mãn tất cả những tình yêu bột phát của rất nhiều CĐV?
Yêu cũng cần phải học các fan ạ!