Sau 5 năm tích cực “mua sắm”, “giỏ hàng” của tỷ phú Thái Lan Charoen Sirivadahanabhakdi dường như đã khá đầy đặn.
Tuy nhiên, đối với một người bỏ học từ sớm và công việc kinh doanh đầu tiên là đi loanh quanh cửa hiệu bán hàu nướng của cha để thu gom các nắp chai rồi bán lại thì rất khó để hình dung ra được tham vọng tiếp theo của ông là gì.
Đích đến mới nhất của Charoen là Việt Nam – nơi chi nhánh Thai Beverage vừa mua lại một lượng lớn cổ phần của hãng bia Sài Gòn Sabeco.
Chiến thắng đó đánh dấu cột mốc mới trong hành trình bắt đầu từ năm 2012 – khi ngân hàng Oversea-Chinese Banking và một chi nhánh của họ đã bán hãng F&N cho ThaiBev – lợi thế đáng kể tạo ra cho Charoen một vũ khí mới để đánh bại tỷ phú Indonesia Mochatar Riady giành quyền kiểm soát nhà sản xuất đồ uống này.
Không chỉ có vậy, động thái của Charoen đã buộc Heineken phải nhắm mắt mua lại Asia Pacific Brewries – liên doanh giữa F&N và nhà sản xuất bia Tiger với mức giá “cắt cổ” trước lo ngại ThaiBev sẽ đánh bại họ tại thị trường châu Á.
Đến năm 2015, Charoen đã mở rộng sự hiện diện trong khu vực bằng việc sử dụng một công ty cổ phần mang tên Berli Jucker để mua lại Metro AG’s Cash & Carry tại Việt Nam với thương vụ trị giá 876 triệu USD.
Tiếp theo đó, chính Berli Jucker đã vay nợ hàng tỷ USD để mua cổ phần tại Big C Thái Lan từ công ty của Pháp Casino Guichard-Perachon – thương vụ M&A lớn thứ nhì Đông Nam Á trong 5 năm qua.
Ngoài thương vụ mới thực hiện với Sabeco, sở hữu Metro Cash & Carry Việt Nam, tỷ phú Charoen còn nắm giữ cổ phần tại Vinamilk thông qua chi nhánh F&N.
Tỷ phú Charoen đang tiến sâu hơn vào Việt Nam bằng cách mua lại 54% cổ phần Sabeco với giá 4,8 tỷ USD. Vấn đề ở chỗ, hạn mức sở hữu cổ phần đối với nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam hiện được quy định ở mức 49% và ông chủ người Thái đã “lách luật” bằng cách thực hiện thương vụ thông qua một công ty mới được thành lập tại Việt Nam.
Trước đó tờ Bloomberg có đưa tin, mức giá cổ phiếu Sabeco tăng tới 57% trong năm nay khiến nhiều người mua rút lui.
Ý tưởng xóa bỏ mọi biên giới trong thị trường Đông Nam Á – gọi là Hiệp hội các nền kinh tế Asean chưa bao giờ tạo ra cảm hứng với các ngân hàng hay doanh nhân. Tuy nhiên, Charoen dường như có niềm tin tưởng sâu sắc vào tiềm năng của 600 triệu người tiêu dùng của khu vực này.
Nếu xem lại danh sách các thương vụ gần đây của Charoen khi mua lại 75% cổ phần của một thương hiệu whisky hàng đầu Myanmar từ công ty TPG Capital hay thâu tóm 240 cửa hàng KFC tại Thái Lan từ Yum!Brand có thấy rõ mục tiêu của Charoen là: Xây dựng đế chế đồ ăn và đồ uống lớn nhất Đông Nam Á với xúc tua hướng tới bán lẻ, logistic và dĩ nhiên cả… đóng gói chai lọ.
Đằng sau khối tài sản 17,3 tỷ USD của tỷ phú Charoen chắc chắn có hình ảnh của vài nắp chai lọ kể trên.