LTS:Từ nay đến 30/9/2017, CafeF phối hợp với Báo điện tử Trí thức trẻ tổ chức cuộc thi viết“Nghề Tài chính – Ngân hàng: Thử thách và Vinh quang” nhằm tôn vinh những giá trị đẹp mà nghề đem lại, phê phán những điều chưa đẹp đồng thời truyền cảm hứng cho những người mới vào nghề.
Dưới đây là bài dự thi của độc giả Trần Tấn Hùng hiện đang công tác tại Ngân hàng TMCP Xăng Dầu Petrolimex.
—————————
Chập chững bước vào nghề vào năm 2007, cái thời mà nghề ngân hàng đang rất “hot”, tôi nhận được nhiều sự ngưỡng mộ của bạn bè và người thân trong gia đình. Khi đó, tôi trúng tuyển vào vị trí Chuyên viên phát triển kinh doanh (cũng tương tự như Chuyên viên quan hệ khách hàng bây giờ). Công việc chủ yếu là làm tờ trình cho vay, giải ngân và các công việc không tên khác, khách hàng vay tôi không cần phải đi kiếm mà do Sếp giao cho làm. Lúc đó, khái niệm KPI trong ngành ngân hàng còn rất lạ lẫm. Tôi làm việc cùng các đồng nghiệp trong ngân hàng rất thoải mái, không bị áp lực chỉ tiêu, cái mà gọi là KPI như ngày nay. Hàng tháng lương cứ lãnh đủ, 06 tháng đầu năm nhận 01 tháng lương thưởng, cuối năm nhận từ 03 – 04 tháng lương thưởng. Nghề ngân hàng đối với tôi lúc đó toàn màu hồng.
Rồi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu bắt đầu bùng nổ vào năm 2008, tất nhiên nền kinh tế Việt Nam cũng không tránh được sự tác động. Việt Nam chìm trong vòng xoáy tăng trưởng chậm, GDP trong giai đoạn này luôn thấp hơn 7% và ngày càng đi xuống, đến năm 2012 chỉ còn 5,03%, chưa bằng 2/3 so với mức trước khi khủng hoảng. Các ngân hàng Việt Nam cũng bị ảnh hưởng nặng nề, lợi nhuận giảm sút, nợ xấu gia tăng do các doanh nghiệp kinh doanh ngày càng thua lỗ, đầu ra không có. Lúc đó, tôi quản lý số lượng khách hàng doanh nghiệp tương đối lớn với tổng dư nợ tại thời điểm đó cũng hơn trăm tỷ và do tình hình chung nên số lượng khách hàng doanh nghiệp quá hạn bắt đầu gia tăng (mặc dù trước đây trả nợ rất tốt). Tuy nhiên, do luôn bám sát tình hình tài chính khách hàng nên tôi hoàn toàn kiểm soát được nợ quá hạn. Nhưng lúc đó tôi bắt đầu cảm thấy cái “nghiệp” của nghề ngân hàng, áp lực phải làm sao xử lý nợ quá hạn khiến tôi thấy nghề ngân hàng không phải lúc nào cũng màu hồng như mình tưởng.
Tuy nhiên, điều tồi tệ nhất đến với tôi lúc đó không phải là áp lực xử lý nợ xấu mà là ngân hàng tôi đang làm việc bị rơi vào diện bị sáp nhập. Sau sáp nhập, nhìn cảnh từng anh em đồng nghiệp của mình phải ra đi vì nhiều lý do chủ quan lẫn khách quan, tôi cảm thấy chạnh lòng, đặc biệt là 5 năm cống hiến tại ngân hàng hy vọng có ngày được công nhận để thăng tiến coi như trở về con số 0 do sếp mới về, sếp cũ thì người nghỉ việc, người bị giáng chức.
Chán nản và thất vọng, tôi nộp đơn xin thôi việc và tự hứa với lòng không quay lại nghề ngân hàng nữa. Tôi bắt đầu thử chuyển sang làm một số lĩnh vực khác nhưng không thành công. Lúc đó, tôi như người cô đơn đang đi lạc giữa sa mạc, hoàn toàn mất phương hướng, không biết mình muốn gì, làm gì.
Rất may lúc đó tôi có chỗ dựa tinh thần là gia đình và người thân. Ai cũng khuyên tôi quay lại nghề ngân hàng vì đây là nghề tôi được ăn học bài bản và là công việc tôi có thể làm tốt nhất. Cuối cùng, tôi quyết tâm làm lại từ đầu và nộp đơn vào một ngân hàng cổ phần với vị trí chuyên viên quan hệ khách hàng.
Thời điểm này là năm 2013, ngân hàng nơi tôi làm việc giao KPI gồm các chỉ tiêu: cho vay, huy động, thẻ ghi nợ. Đối với tôi đây là thách thức khá lớn vì ngân hàng cũ nơi tôi công tác trước đây không giao KPI. Sau 03 tháng đầu làm việc, do không đủ doanh số nên đến tháng thứ 3 tôi bị giảm lương rất nhiều (ngân hàng quyết toán lương 03 tháng/lần). Nhưng tôi không nản lòng và tìm đủ mọi cách để có khách hàng. Tôi soạn thư ngỏ rồi tự mình rong ruổi đi khắp các tuyến đường xung quanh khu vực ngân hàng để phát từng nhà, gọi điện thoại cho các khách hàng cũ, bạn bè, người thân….
Cuối cùng, thành quả cũng đã đến, trong số các khách hàng tôi phát thư ngỏ, tôi đã tiếp thị và giải ngân thành công 3 khách hàng là chủ tiệm vàng, chủ hiệu thuốc tây và chủ quán café. Rồi các khách hàng cũ trước đây tôi quen biết cũng bắt đầu chuyển sang giao dịch tại ngân hàng tôi đang làm. Bạn bè cũng giới thiệu được một số khách hàng và như một phản ứng dây chuyền, khách hàng đến với tôi ngày một nhiều hơn, tôi hoàn thành KPI do Ban Giám đốc giao. Niềm tự hào đến với tôi lúc đó là đạt danh hiệu “Nhân viên suất sắc” trong 2 năm liên tiếp 2013 và 2014. Không ngủ quên trên chiến thắng, tôi tiếp tục lao vào chạy KPI như điên với niềm tin ngày mình được thăng tiến rồi cũng sẽ đến.
Xem tất cả các bài viết dự thi
NGHỀ TÀI CHÍNH NGÂN HÀNG: THỬ THÁCH VÀ VINH QUANG
tại đây
Đầu năm 2015, khi được Giám đốc thông báo bổ nhiệm giữ vị trí Trưởng phòng giao dịch, tôi như không tin vào sự thật. Vì tôi đang từ một “anh lính” chuyên viên quan hệ khách hàng đã nhảy một bước dài thành Trưởng phòng giao dịch. Vừa mừng vừa cảm thấy áp lực khi được sếp tin tưởng bổ nhiệm vị trí mới, tôi quyết tâm phải làm tốt hơn nữa vừa với vai trò đi sale, vừa phải tạo động lực cho nhân viên cấp dưới tự sale được.
Bây giờ ngồi ngẫm nghĩ lại những ngày tháng thăng trầm trong sự nghiệp, tôi đúc kết được một điều: Thành công không dễ dàng đến trong một sớm một chiều mà phải có quá trình. Đặc biệt đối với nghề ngân hàng, quá trình để đi đến thành công rất khắc nghiệt và gian khổ, khiến chúng ta có thể chùn bước và bỏ cuộc bất cứ lúc nào.
Qua câu chuyện của chính bản thân mình, tôi muốn nhắn nhủ với các bạn đồng nghiệp cũng như các bạn sinh viên chuẩn bị bước vào nghề ngân hàng: Khi đã xác định làm ngân hàng và muốn thăng tiến với nghề, phải thật quyết tâm làm cho ra làm, không hời hợt và phải thật bản lĩnh, thậm chí đôi lúc cần phải có sự “liều lĩnh” rồi thành công sẽ đến.