Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng – VPBS công bố báo cáo triển vọng thị trường năm 2018.
Thị trường chứng khoán Việt Nam đã đạt được mức tăng trưởng ngoạn mục trong năm 2017 với mức cao nhất được thiết lập của Vn-Index trong tháng 12 tại 990,1 tăng 48,9% so với mức 664,9 điểm cuối năm 2016. Với mức tăng trưởng ấn tượng này, Việt Nam đã lọt vào Top 3 thị trường chứng khoán tăng trưởng tốt nhất Thế giới năm 2017.
Không dừng lại ở đó, những tuần đầu năm 2018 tiếp tục ghi nhận đà tăng mạnh mẽ của thị trường khi lần lượt vượt ngưỡng 1.000 điểm và thiết lập mức cao nhất trong gần mười năm tại mức 1.130,1 điểm vào ngày 29/1/2018.
Sau chuỗi ngày tăng trưởng mạnh mẽ đó, chỉ số VN-Index đã trải qua đợt giảm sốc 156 điểm, tương ứng hơn 13,8%, chỉ trong vòng chưa đầy nửa tháng sau đó khi có lúc lùi về tới mức 973,8 điểm trong phiên 9/2/2018 do chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố kém tích cực như dự thảo mới về tăng tỷ lệ ký quỹ của UBCK.
Trước diễn biến như vậy, một số luồng thông tin cho rằng đà tăng của thị trường vừa qua là quá nóng và lịch sử có thể sẽ lặp lại với một đợt giảm sâu như kịch bản 10 năm trước bởi một số điểm chung giữa hai thời điểm, thứ nhất, sự kỳ vọng cao vào tăng trưởng kinh tế khi liên tiếp thu hút được sự chú ý của giới đầu tư toàn cầu nhờ đạt được tốc độ tăng trưởng cao nhất khu vực. Thứ hai là dòng vốn ngoại đổ vào mạnh mẽ kéo đồng loạt các cổ phiếu trụ lên những mức cao kỷ lục. Cuối cùng là quy mô thị trường tăng mạnh đi kèm với các sự bùng nổ IPO nhiều tập đoàn, tổng công ty thuộc các lĩnh vực xương sống, trọng điểm của nền kinh tế.
Tuy vậy, ở góc nhìn của VPBS, dù chưa vượt được mức đỉnh lịch sử 1.170 điểm hay hiện tại ngưỡng 1.000 điểm đang trải qua đợt thử thách khá lớn nhưng VPBS cho rằng kịch bản giảm mạnh như 2007 rất khó xảy ra trong thời gian tới bởi bối cảnh hiện tại đã khác biệt rất nhiều so với 10 năm trước.
Đà tăng của thị trường hiện tại dựa trên nền tảng cơ bản nhất là sự tăng trưởng kinh tế bền vững hơn nhờ đóng góp từ công nghiệp chế biến, chế tạo; các yếu tố vĩ mô được quản lý, điều hành tốt hơn đưa tới sự ổn định về mặt vĩ mô, tăng trưởng tín dụng hợp lý ở mức vừa phải và chuyển dịch tốt vào các lĩnh vực cốt lõi của nền kinh tế; cấu trúc thị trường lành mạnh hơn và dòng tiền nội cũng tăng trưởng vượt bậc cả về lượng và chất trong hơn 10 năm qua.
Thêm vào đó là TTCK Việt Nam đang tiến rất gần đến câu chuyện nâng hạng thị trường đã thu hút liên tục dòng vốn ngoại cũng là một yếu tố rất thuận lợi cho sự tăng trưởng trong năm 2018 này.
VPBS cho rằng VN-Index sẽ tiếp tục vận động trong chu kỳ tăng điểm lần lượt vượt vùng đỉnh cũ đầu năm 2018 tại 1.130 điểm, và tiếp tục hướng tới ngưỡng 1.400 điểm vào nửa cuối năm 2018.
Tiếp tục thực hiện lộ trình thoái vốn quyết liệt
Năm 2018 Nhà nước sẽ tiến hành thoái vốn tại nhiều DN với số tiền dự kiến thu về rất lớn. Đầu quý I/2018 chứng kiến sự thành công đến từ những thương vụ thoái vốn của Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR), Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOil) hay Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PVPower).
Thời gian tới, sẽ có một số doanh nghiệp lớn khác thực hiện thoái vốn như Tổng Công ty Bia rượu – nước giải khát Hà Nội (Habeco), Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk), và các doanh nghiệp trong danh mục quản lý của SCIC…
Như vậy thị trường chứng khoán năm 2018 dự kiến sẽ vẫn thu hút dòng vốn nội và ngoại với cơ hội đầu tư vào các doanh nghiệp đầu ngành có nền tảng tài chính tốt và tiềm năng tăng trưởng cao.
Trong bối cảnh hội tụ nhiều yếu tố thuận lợi khác cho thị trường trong năm 2018 như nền tảng vĩ mô ổn định với lạm phát và tỷ giá được kiểm soát tốt nhờ cơ chế điều hành linh hoạt kèm dự trữ ngoại hối dồi dào; dòng tiền trong nước có sự phát triển vượt bậc cả về lượng và chất; dòng tiền khối ngoại tiếp tục tăng mạnh vào thị trường nhờ nền tảng tăng trưởng của nền kinh tế và triển vọng nâng hạng của TTCK; kết quả kinh doanh của doanh nghiệp tiếp tục tăng trưởng tốt với sự hỗ trợ mạnh của Chính phủ kiến tạo và mặt bằng chi phí thấp, VPBS cho rằng TTCK Việt Nam sẽ tiếp tục đạt được mức tăng trưởng tốt trong năm 2018.