[TTCK tuần 30/10 – 05/11] Chứng khoán Việt “quay cuồng”, TTCK thế giới duy trì mức tăng đồng thuận

TTCK Việt Nam “quay cuồng” chóng mặt

Tuần qua, những gì diễn ra trên bảng điện cho thấy thị trường đã có những phiên biến động mạnh nhưng nhìn chung VN-Index vẫn đang vận động xung quanh vùng 840 điểm. Phiên tăng điểm mạnh cuối tuần có thể chỉ là sự phục hồi sau những phiên giảm điểm trong tuần.

Chốt tuần, VN-Index đã đóng cửa ở 843,73 điểm, tăng 3,36 điểm (+0,4%) và HNX-Index chốt phiên ở 104,36 điểm, giảm 2,09 điểm (-1,96%) so với tuần liền trước. Điểm nhấn lớn nhất trong tuần qua là đa số bên bán đều chiếm ưu thế khiến thị trường liên tiếp rơi vào tình cảnh khó khăn. Dù điểm số chốt tuần vẫn tăng tuy nhiên thực tế trên thị trường lại đang diễn ra tình trạng “xanh vỏ đỏ lòng” với xu hướng chủ đạo vẫn là điều chỉnh bao trùm trên diện rộng.

Nhóm cổ phiếu dẫn dắt và chi phối thị trường trong tuần qua vẫn là một vài cái tên quen thuộc như ROS, VNM, GAS, SAB, VIC, VCB… VN-Index liên tục ghi nhận các phiên rung lắc với biên độ mạnh đã không khỏi khiến nhà đầu tư ngỡ ngàng trong suốt 1 tuần qua. Một điểm đáng chú ý là phiên giao dịch vào chiều 02/11, trong khi các thị trường khu vực không có diễn biến tiêu cực cụ thể nào thì 2 chỉ số chứng khoán chính của thị trường Việt Nam lại giảm điểm rất mạnh bất ngờ trong phiên chiều thứ 5. Hầu hết, áp lực bán dồn vào trong phiên giao dịch buổi chiều đã khiến rất nhiều cổ phiếu giảm sâu. So với biến động của thị trường chứng khu vực thì dường như nhà đầu tư trong nước đã hành động quá tay khi một loạt các cổ phiếu nhóm Large Cap, Mid Cap, Small Cap và cả Micro Cap đều giao dịch kém tích cực.

Bên cạnh ROS, có lẽ VNM (CTCP Sữa Việt Nam) là cổ phiếu lớn có giao dịch nổi bật trong tuần qua đã dẫn dắt thị trường và là trụ cột lớn trong những phiên giao dịch đầu tuần. Nguyên do tăng của VNM có thể nói chủ yếu đến từ thông tin SCIC công bố mức giá khởi điểm chào bán số cổ phần nắm giữ với mức giá chào mua tối thiểu là 150,000 đ/cp được công bố đầu tuần qua. Có lẽ VNM đã có những phiên giao dịch khá tích cực khi có thời điểm giá lên tới gần chạm ngưỡng 158.000 đồng/cp.

FMC (CTCP Sao Ta) cũng là cổ phiếu có mức tăng ấn tượng gần 14%, là một trong những cổ phiếu tâm điểm của tuần qua khi đã có những phiên đột biến, nhiều khả năng đến từ thông tin hoạt động thoái vốn của cổ đông lớn khi CTCP Hùng Vương ( HVG ) tiến hành thoái hơn 21,16 triệu cp FMC (54,28% vốn) kể từ ngày 07/11 sắp tới. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng quyết định tạm ứng cổ tức lần 2/2017 với tỷ lệ chi trả tiền mặt 15%, dự kiến ngày đăng ký cuối cùng là ngày 22/11/2017 sắp tới.

Đáng quan tâm hơn cả là HBC (CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình), bất chấp các con số tích cực trên BCTC quý III vẫn bị bán ra mạnh mẽ. Khối lượng giao dịch tuần qua của cổ phiếu này khá lớn, có những phiên giá cổ phiếu HBC thậm chí còn dư bán sàn. Tuy nhiên, vào phiên chiều ngày thứ 6 cuối tuần, đà giảm của HBC đã được giải cứu. Chốt phiên giao dịch, giá cổ phiếu tăng trần và đạt mức 51.400 đồng/cp (tương ứng mức tăng 6,86%). Cũng đồng thời trong phiên giao dịch chiều ngày thứ 6, nhiều cổ phiếu lớn đã hồi phục, nhóm cổ phiếu vốn hóa trung bình và nhỏ cũng bật tăng rất mạnh trở lại. Một số cái tên tiêu biểu “lội ngược dòng” thành công trong phiên giao dịch cuối tuần phải kể đến MWG, HBC, DXG, HPG, HSG, DHG, GMD…

Đối với thị trường CK phái sinh, 4 hợp đồng đều có sự đồng thuận tăng “tích cực” về điểm số trong phiên cuối tuần. Tuần qua cả 4 HĐTL đều biến động khá mạnh trong phiên với biên độ dao động khá lớn, chiến lược trading T+0 khá khó khăn khi các nhịp đảo chiều mạnh liên tục xuất hiện trong phiên, tạo cơ hội cũng như rủi ro khá cao cho nhà đầu tư giao dịch ngay trong phiên giao dịch. Bên cạnh đó, dòng tiền trên thị trường đổ vào cũng sôi động không kém, đặc biệt là hợp đồng VN30F1711 với thanh khoản đang ngày một mạnh lên. Với thanh khoản vượt trội như hiện tại, thị trường phái sinh đang được kỳ vọng sẽ còn tiếp tục đạt những cột mốc mới trong thời gian tới.

TTCK thế giới vẫn duy trì mức tăng điểm đồng thuận

Tại Mỹ, các chỉ số chính của thị trường Mỹ có mức biến động nhẹ trong tuần qua. Nổi bật là các cổ phiếu vốn hóa lớn đã tăng vượt trội, giúp chỉ số S&P500 mở rộng chuỗi tăng tuần thứ 8 liên tiếp, mức tăng tốt nhất trong 4 năm qua. Trong khi đó các chỉ số vốn hóa nhỏ lại ghi nhận sự sụt giảm về điểm số. Xét về ngành, các cổ phiếu ngành công nghệ, năng lượng và phân khúc bất động sản nhỏ đã đóng vai trò dẫn dắt chỉ số S&P500, trong khi cổ phiếu ngành nguyên liệu và hàng tiêu dùng lại tụt hậu so với tuần trước.

Tuần qua là một tuần sôi động của chứng khoán Châu Âu khi nhiều báo cáo về thu nhập của doanh nghiệp và dữ liệu kinh tế được công bố. Chỉ số STOXX 600 đã đóng cửa cao hơn tuần trước, gần như chạm tới mức cao nhất trong 10 năm. Chỉ số DAX 30 của Đức cũng hoạt tăng lên 13.480 điểm, đạt mức cao nhất mọi thời đại. Chỉ số IBEX 35 của Tây Ban Nha chỉ có biến động nhẹ trong tuần và đang có dấu hiệu ổn định trở lại khi tình hình tại Catalonia không diễn biến theo chiều hướng xấu. Một diễn biến đáng chú ý trong tuần là vào ngày 02/11, Ủy ban chính sách tiền tệ của Ngân hàng Anh (BoE) đã bỏ phiếu quyết định tăng lãi suất lên 0,50% từ mức 0,25% trước đó. Đây là lần tăng lãi suất đầu tiên của BoE kể từ năm 2007.

Tại thị trường Nhật Bản, Các chỉ số chứng khoán chính của Nhật đều tăng, đánh dấu tuần thứ tám liên tiếp tăng điểm. Chỉ số Nikkei 225 Stock Average kết thúc tuần ở mức 22,539.12, tăng 2,41% so với tuần trước. Chỉ số TOPIX Index tăng 1,30% trong tuần và đã tăng tới 18,14% trong năm nay. Đồng Yên đóng cửa tuần ở mức 113.91 so với đô la Mỹ, giảm 0,14% so với tuần trước. Các nhà đầu tư đã được trấn an khi Thủ tướng Abe ngay lập tức bổ nhiệm lại nội các, và phản ứng của thị trường chứng tỏ sự chấp thuận của công chúng. Kế hoạch của ông Abe trong thời gian tới là nhanh chóng triển khai gói kích thích kinh tế 17 tỷ đô la để giải quyết những thách thức về nhân khẩu học của Nhật Bản, đồng thời cũng thay đổi chính sách thuế ưu đãi cho các công ty để tăng thu nhập cho người lao động.

Chứng khoán Trung Quốc không có nhiều biến động tích cực trong tuần qua. Hang Seng Index đóng cửa ở 28603 điểm, trong khi đó Shanghai Composite Index lại giảm từ 3.413 về 3.371 điểm. Sản xuất ở Trung Quốc đã bắt đầu giảm xuống sau khi đạt mức cao nhất trong 5 năm qua vào tháng 10. Chỉ số PMI sản xuất chính thức của Trung Quốc giảm xuống 51,6 vào tháng trước. Mặc dù vậy con số này vẫn trên mức 50, vẫn cho thấy sản xuất đang được mở rộng nhưng với tốc độ chậm hơn. Sau Đại hội Đảng Cộng Sản Trung Quốc, các chính sách kinh tế mới của quốc gia này sẽ dần dần phản ánh vào các dữ liệu kinh tế trong thời gian tới.

Cổ phiếu của Traphaco khớp lệnh cao nhất lịch sử, giá tăng bất ngờ, điều gì đang xảy ra?

Bài viết mới