[TTCK tuần 27/11 – 03/12] VN-Index tiếp tục “điên” và chinh phục 960 điểm, TTCK Trung Quốc giảm điểm

TTCK Việt Nam tiếp tục “điên” và chinh phục đỉnh mới 960 điểm thành công

Tuần qua, thị trường có một tuần giao dịch khá tích cực và tràn đầy hưng phấn khi chỉ số VN-Index liên tiếp “bứt phá” không ngừng tới những đỉnh mới và đã chinh phục thành công cột mốc 960 điểm.

Chốt tuần, VN-Index đã đóng cửa ở 960,33 điểm, tăng 24,76 điểm (+2,65%) và HNX-Index chốt phiên ở 115,49 điểm, tăng 4,66 điểm (+4,21%) so với tuần liền trước. Khác với những tuần liền kề trước, VN-Index đã kết thúc tuần không chỉ nhờ tới sự đóng góp không nhỏ của nhóm cổ phiếu Bluechips VN30 và Large Cap mà dòng tiền tuần qua còn “không quên” lan tỏa đều tới nhóm Mid Cap, Small Cap và cả Micro Cap. Nhóm cổ phiếu kéo chỉ số tăng điểm nhiều nhất bao gồm SAB, VNM, PLX, GAS, REE…

Tuần qua với thông tin hỗ trợ tích cực khi giá điện bán lẻ được tăng 6% thì các mã cổ phiếu ngành điện đã liên tiếp có những phiên bật rất mạnh, tiêu biểu như REE, PPC… Gần cuối tuần khi những thông tin về việc SCIC kéo dãn lộ trình thoái vốn khỏi một loạt doanh nghiệp lớn đang nhận được sự quan tâm của giới đầu tư trong thời gian qua cụ thể như FPT, BMP, NTP đã khiến dòng tiền đi vào nhóm này trong những phiên cuối tuần ít sức nóng hơn.

Dòng tiền tuần qua cũng có có xu hướng suy yếu hơn ở các mã thuộc VN30, ngoại trừ VNM, PLX, MSN làm trụ đỡ cho phiên ngày cuối tuần thì trong tuần dòng tiền dường như diễn ra sự lan tỏa rộng hơn tới ra các mã vừa và nhỏ khiến thị trường phần lớn tăng điểm, một số mã nổi bật trong tuần qua không thể không nhắc đến những cái tên như DIG, HVG, HT1, BCC, VIX, HHS, LCG…

Cổ phiếu nổi bật chiếm nhiều “ánh nhìn” của mọi nhà đầu tư nhất tuần qua không thể quên nhắc tới DIG (Tổng CTCP Đầu tư và phát triển xây dựng), cổ phiếu này tăng trưởng mạnh trong tuần qua với thanh khoản đột biến bùng nổ trong phiên giao dịch ngày thứ 3 với khối lượng khớp lệnh khủng lên tới 128,4 triệu cổ phiếu tương đương 2.468 tỷ đồng, tương đương với gần 30% giá trị giao dịch trên toàn sàn HOSE. Nguyên nhân là do những kỳ vọng của nhà đầu tư đối với DIG sau khi Bộ Xây dựng thoái vốn cùng tiềm năng đến từ nhiều quỹ đất rất lớn của doanh nghiệp và khả năng sẽ được hưởng lợi từ dự án Cảng hàng không Long Thành. Chốt tuần, giá cổ phiếu đạt mức 20.650 đồng/cp.

Bên cạnh đó, HVG (CTCP Hùng Vương) cũng là một cổ phiếu có sức tăng khá nóng trong tuần qua khi chỉ trong 2 tuần liên tiếp rất ngắn ngủi, cổ phiếu đã tăng giá tới hơn 40% lên mức 8.510 đồng/cp. Nguyên do HVG có chuỗi ngày tăng mạnh trong tuần được lí giải nhờ vào việc công ty này đã hoàn tất thương vụ thoái 54% vốn khỏi FMC (CTCP Thực phẩm Sao Ta) vào ngày 16/11 vừa qua.

Đối với thị trường CK phái sinh, 4 hợp đồng đều có sự gia tăng đồng thuận về điểm số trong phiên cuối tuần tuy nhiên thanh khoản lại sụt giảm đáng kể trong các phiên của tuần qua do giới đầu tư hạn chế hơn việc trading T+0 trước diễn biến giằng co của VN30 tuần qua. Hiện nay tổng khối lượng khớp lệnh trung bình của thị trường giao dịch hợp đồng tương lai đạt 9.569 hợp đồng (-27,5% so với tuần liền trước). Riêng hợp đồng VN30F1712 có mức giảm tới gần 26,7% so với tuần liền trước đó.

TTCK Mỹ và Nhật Bản tiếp tục tăng điểm, TTCK châu Âu và Trung Quốc đi xuống

Thị trường chứng khoán Mỹ tiếp tục tăng điểm trong tuần qua. Chỉ số Dow Jones Industrial Average đóng cửa ở 24.228 điểm, mức điểm số cao kỷ lục từ trước tới nay. Trong khi đó chỉ số Nasdaq Composite đại diện cho các cổ phiếu công nghệ lại giảm điểm, đóng cửa ở 6.846 điểm (giảm 0,6%).

Hầu hết nhóm cổ phiếu ngành tài chính tăng trưởng tốt trong tuần qua. Tuy nhiên, lợi tức trái phiếu tăng lại gây ảnh hưởng đến cổ phiếu bất động sản. Các cổ phiếu năng lượng tăng mạnh khi giá dầu tăng lên sau thỏa thuận giữa OPEC, Nga và các nước xuất khẩu dầu lớn về duy trì sản lượng khai thác hiện tại cho đến hết năm 2018.

Thị trường chứng khoán châu Âu giảm điểm so với tuần trước, nguyên nhân do lạm phát yếu trong khu vực đồng Euro, và sự thiếu nhiệt tình của nhà đầu tư sau báo cáo về dữ liệu sản xuất trong khu vực. Chỉ số STOXX 600 đã kết thúc tuần giảm điểm, cùng với chỉ số DAX 30 của Đức đóng cửa ở 12.861 điểm (giảm 1,3%). Chỉ số FTSE 100 của Anh đóng cửa ở 7.301 điểm (giảm 1,5%) do lo ngại sự mạnh lên của đồng Bảng Anh có thể làm suy giảm lợi nhuận của các công ty đa quốc gia có nguồn thu nhập chính bằng ngoại tệ.

Bên cạnh đó thị trường chứng khoán Nhật Bản cũng có một tuần tăng điểm tốt, nguyên do chủ yếu được hỗ trợ bởi sự tăng điểm của nhóm cổ phiếu tài chính. Thị trường chứng khoán Nhật Bản đã tăng trong 12 tuần qua. Trong tuần, chỉ số Nikkei tăng 268 điểm (1.2%) và đóng cửa ở mức 22.819 điểm. Đồng Yên giảm giá và đóng cửa ở mức 112.5 yên/đô la Mỹ, cao hơn 3,6% so với thời điểm cuối năm 2016.

Chứng khoán Trung Quốc giảm điểm trong tuần qua. Chỉ số Shanghai Composite đóng cửa ở 3.317 điểm (giảm 0,9%), Hang Seng Index đóng cửa ở 29.074 điểm (giảm 2,6%). Tuy nhiên các số liệu kinh tế Trung Quốc vẫn khá tích cực. Sản xuất ở Trung Quốc đột ngột tăng lên mức cao nhất trong 5 năm, khi nhu cầu trên toàn cầu tăng lên khiến hoạt động sản xuất của Trung Quốc tăng mạnh, bất chấp cam kết gần đây của Bắc Kinh nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế chậm hơn và bền vững hơn.

Giao dịch của Lãnh đạo Doanh nghiệp: Bên bán áp đảo

Bài viết mới