TTCK Việt Nam trải qua biến cố trước khi bốc lên đỉnh mới 1.115 điểm
Tuần qua, thị trường có một tuần lễ giao dịch tăng điểm mặc dù đã có 2 phiên sàn HOSE tạm dừng khắc phục sự cố kĩ thuật tuy nhiên sau đó chỉ số VN-Index đã có sự bứt phá tốt trong những phiên giao dịch gần cuối tuần qua vượt mốc 1.115 điểm. Đây đang là mức điểm cao nhất của chỉ số VN-Index trong suốt 10 năm trở lại.
Chốt tuần, VN-Index đã đóng cửa ở 1,115.64 điểm, tăng 53,57 điểm (+5,04%) và HNX-Index chốt phiên ở 122,39 điểm, tăng 3,89 điểm (+3,88%) so với tuần liền trước. Giống với tuần trước, thị trường ghi nhận một tuần giao dịch trong không khí tràn đầy tích cực phiên đầu tuần khi các chỉ số thị trường ghi nhận đà tăng điểm ấn tượng tuy nhiên vào gần cuối phiên ATC ngày thứ 2, sàn HOSE đã gặp sự cố kĩ thuật khiến hoạt động giao dịch tại sàn này phải tạm dừng trong 2 ngày sau đó. Trong 2 ngày khi HOSE tạm dừng hoạt động để khắc phục sự cố, dòng tiền trên thị trường chủ yếu chuyển qua HNX và Upcom trong đó tập trung chính vào một số mã nổi bật như ACB, PVS, HVN, DVN…
Trong đầu tuần qua, thị trường ghi nhận sự dẫn dắt của nhóm cổ phiếu ngành dầu khí như GAS, PLX cùng với VNM, VIC, MSN, NVL… Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu ngành ngân hàng như VCB,VPB, CTG, BID cũng thể hiện sự nổi trội khi thực hiện tốt nhiệm vụ hỗ trợ “giữ nhịp” chỉ số đầu tuần. Đáng chú ý hơn cả là trong 2 ngày cuối tuần khi HOSE giao dịch trở lại, dòng tiền lớn đã liên tiếp chảy vào thị trường. Các mã cổ phiếu thuộc nhóm VN30 và Large Cap đồng loạt tăng khá mạnh trong phần lớn thời gian giao dịch, giá trị khớp lệnh được đẩy lên khá cao và tập trung tại các cổ phiếu có vốn hóa lớn có thể kể đến như VCB, BID, HPG, VJC…
Vào phiên giao dịch thứ 6 cuối cùng của tuần, ngay từ lúc mở cửa, sự bùng nổ của các bluechips như VIC, GAS, BID, MSN giúp VNindex có lúc tăng gần 20 điểm, tuy nhiên áp lực chốt lời xuất hiện rất nhanh sau đó khiến thị trường rung lắc mạnh. Trong điều kiện thị trường tăng mạnh mẽ như vậy, nhóm chứng khoán được kỳ vọng thể hiện sự vượt trội. Tuy nhiên, nhóm này lại ghi nhận sự phân hóa khi HCM là đại diện hiếm hoi tăng trần với KLGD tăng khá mạnh. Trong khi các mã khác như VND, SSI có sự điều chỉnh nhẹ.
Đối với thị trường CK phái sinh, các hợp đồng đều có sự gia tăng đồng thuận về điểm số trong 2 phiên sàn HOSE tạm dừng giao dịch trong tuần qua cho thấy kì vọng của nhà đầu tư vào sự tăng trưởng mạnh mẽ trong tương lai của thị trường cơ sở. So với tuần kề trước, thanh khoản HĐ phái sinh tuần qua có sự giảm đáng kể. Hiện nay tổng khối lượng khớp lệnh trung bình của thị trường giao dịch hợp đồng tương lai đạt 17.244 hợp đồng (tương đương mức giảm gần 16% so với tuần liền kề trước đó).
TTCK thế giới “bình lặng” trong tuần qua ngoại trừ Mỹ và Trung Quốc tăng điểm
Thị trường chứng khoán Mỹ tiếp tục chuỗi thành công trong năm mới, với các chỉ số chính ghi nhận mức kỷ lục mới. Chỉ số S&P 500 đóng cửa ở 2.872 điểm (tăng 2,2%), chỉ số Dow Jones Industrial Average đóng cửa ở 26.616 điểm (tăng 2,2%), và chỉ số Nasdaq Composite đóng cửa ở 7.505 điểm (tăng 2,2%). Trong các nhóm ngành, các cổ phiếu ngành chăm sóc sức khoẻ và hàng tiêu dùng dẫn đầu nhóm tăng điểm, trong khi ngành năng lượng và dịch vụ tiện ích lại tụt hậu. Thị trường khởi đầu mạnh mẽ vào thứ hai, một phần nhờ vào một dự luật do Quốc hội Mỹ thông qua để tài trợ cho chính phủ liên bang thêm ba tuần nữa sau khi ngừng hoạt động vào cuối tuần. Sự chú ý của các nhà đầu tư sớm trở lại với các báo cáo thu nhập quý IV. Trong khi đó đồng USD giảm mạnh xuống mức thấp nhất trong 3 năm qua.
Chứng khoán Châu Âu thay đổi chút ít trong tuần, khi các nhà đầu tư dường như tập trung nhiều hơn vào các thông tin tiền tệ hơn là các báo cáo cụ thể về chứng khoán. Sau nhận xét của Bộ trưởng Tài chính Mỹ về đồng đô la yếu, đồng euro tăng lên mức cao nhất trong ba năm so với đồng bạc xanh và kết thúc tuần ở mức khoảng 1,24 đô la. Các chỉ số chứng khoán chính của Châu Âu đều mất điểm trong tuần. FTSE 100 của Anh đóng cửa ở 7.665 điểm (giảm 0,8%), DAX 30 của Đức đóng cửa ở 13.340 điểm (giảm 0,7%). Trong cuộc họp báo mới nhất, ECB đã cho biết họ sẽ không thay đổi chính sách tiền tệ như đã thông báo từ cuộc họp trước.
Các chỉ số chứng khoán Nhật Bản giảm điểm trong tuần. Chỉ số Nikkei 225 Stock Average giảm 0,74% và đóng cửa tại 23,631, và TOPIX Index đóng cửa ở 1.879 điểm (giảm 0,5%). Từ đầu năm đến nay, chỉ số Nikkei tăng 3,8%, chỉ số Topix tăng 3,4%. Đồng Yên tiếp tục tăng và đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần ở mức 109,3 yên/ đô la Mỹ, cao hơn 3,2% so với cuối năm 2017. Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) quyết định không thay đổi lãi suất tại cuộc họp ủy ban chính sách tháng một. Các nhà hoạch định chính sách, trong một cuộc bỏ phiếu đã quyết định để lại lãi suất ngắn hạn ở -0,1% và tiếp tục nhắm mục tiêu 0,0% lợi suất trái phiếu chính phủ 10 năm.
Chứng khoán Trung Quốc tăng điểm mạnh trong tuần. Chỉ số Hang Seng Index đóng cửa ở 33.154 điểm (tăng 2,7%), và chỉ số Shanghai Composite đóng cửa ở 3.558 điểm (tăng 2,3%). Báo cáo lợi nhuận công nghiệp của Trung Quốc tăng 10,8% trong tháng 12. Tính trong cả năm, lợi nhuận công nghiệp đã tăng 21%, tốc độ nhanh nhất kể từ năm 2011, do Trung Quốc đã cắt giảm mạnh công suất thừa. Trong khi đó chỉ số giá sản xuất PPI đã tăng với tốc độ chậm nhất trong 13 tháng qua. Tăng trưởng PPI của Trung Quốc và lợi nhuận công nghiệp dự kiến sẽ giảm trong những tháng tới, khi các quan chức cam kết kiềm chế tăng trưởng tín dụng và thực hiện các bước khác để giảm rủi ro vì nợ quá cao.