TTCK Việt Nam tràn đầy hứng khởi
Tuần qua, thị trường có một tuần lễ giao dịch tràn đầy hứng khởi sau 1 tuần lễ nghỉ tết, chỉ số VN-Index mặc dù gặp khó khăn trước sức ép chốt lời hàng bắt đáy trong những phiên giao dịch đầu năm, tuy nhiên đều đã có sự bứt phá tốt vượt mốc 1.100 điểm.
Chốt tuần, VN-Index đã đóng cửa ở 1,102.85 điểm (+4,06 %) và HNX-Index chốt phiên ở 126,24 điểm (+1,54%) so với tuần liền trước. Dường như ngay từ những phút giây đầu tiên mở cửa khai xuân, thị trường đã ghi nhận tuần tuần lễ giao dịch đầu tiên của năm Mậu Tuất 2018 với nhiều diễn biến tích cực.
Dòng tiền không chỉ tập trung ở một vài cổ phiếu Bluechips mà lan tỏa đều khắp thị trường. Nhóm cổ phiếu ngân hàng như VCB, ACB, BID, CTG, VPB …đang là tâm điểm thu hút dòng tiền của thị trường và đồng loạt tăng mạnh. Bên cạnh đó, sắc xanh tại các cổ phiếu vốn hóa lớn như BVH, VIC, GAS, VNM, VRE, PLX, PNJ giúp thị trường giữ vững đà tăng điểm. Các cổ phiếu có tính thị trường cao hơn như chứng khoán, bất động sản cũng giao dịch khá tích cực với nhiều mã tăng giá. Tuy nhiên nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn chính là “chìa khóa” – động lực chính kéo chỉ số vượt mốc 1.100 điểm của tuần lễ qua.
Đáng chú ý hơn cả trong phiên giao dịch cuối tuần ngày thứ 6 toàn thị trường đã có diễn biến tích cực nhờ nhóm cổ phiếu VN30 đồng loạt tăng điểm, nổi bật là các cổ phiếu VCB, PLX, CTG, GAS, HPG… Đồng thời nhóm dầu khí cũng có sực bật xanh trở lại nhờ thông tin giá dầu hồi phục. Đà tăng lan rộng toàn thị trường với thanh khoản tăng nhẹ cho thấy tâm lý e dè sau phiên điều chỉnh hôm qua dần được đẩy lùi
Đối với thị trường CK phái sinh, thị trường này cũng ghi nhận một tuần giao dịch rất sôi động với hàng loạt các hoạt động trading sôi nổi đồng pha với phía thị trường cơ sở. Tuy nhiên hợp đồng VN30F1803 đã ghi nhận nhiều biên động giằng co trong suốt cả 3 phiên giao dịch của tuần lễ đầu năm. So với tuần kề trước, thanh khoản HĐ phái sinh tuần qua có sự tăng lên đáng kể. Hiện nay tổng khối lượng khớp lệnh trung bình của thị trường giao dịch hợp đồng tương lai đạt 25.376 hợp đồng.
TTCK thế giới đi qua một tuần lễ bình ổn
Đối với thị trường Mỹ, hầu hết các chỉ số chính đã kết thúc tuần với sự gia tăng khiêm tốn. Chỉ số Nasdaq Composite đã có kết quả tốt nhất, đóng cửa ở 7.337 điểm (tăng 1,39%). Chỉ số S&P 500 đóng cửa ở 2.747 điểm (tăng 0,73%), và chỉ số Dow Jones Industrial Average đóng cửa ở 25.309 điểm (tăng 0,57%). Kết quả tốt hơn dự kiến của Hewlett-Packard đã dẫn đầu các cổ phiếu công nghệ tăng điểm vào thứ Sáu. Cổ phiếu ngành tiện ích và vật liệu cũng tăng điểm tốt, trong khi cổ phiếu bất động sản tụt dốc. Cổ phiếu ngành tiêu dùng cũng yếu hơn, như Wal-Mart đã bị bán ra trong đầu tuần và khiến các nhà đầu tư thất vọng.
Chứng khoán châu Âu kết thúc tuần giao dịch ở mức thấp trong bối cảnh khối lượng giao dịch giảm. Mặc dù tuần báo cáo thu nhập doanh nghiệp và các chỉ số kinh tế khả quan, các chỉ số chính trong khu vực đã giảm. Chỉ số DAX 30 của Đức kết thúc ở 12.483 điểm (giảm 0,09%). Chỉ số FTSE 100 của Anh đóng cửa ở 7.244 điểm (giảm 0,68%), do một số báo cáo thu nhập đáng thất vọng của các công ty và báo cáo tỷ lệ thất nghiệp tăng nhẹ trong quý IV năm 2017.
Các chỉ số chứng khoán chính của Nhật Bản đã tăng nhẹ trong tuần. Chỉ số Nikkei 225 kết thúc tuần ở mức 21.892 điểm (tăng 0,79%), nhưng tính từ đầu năm 2018 chỉ số Nikkei vẫn mất 3,83%. Chỉ số TOPIX tăng 1,33% trong tuần. Đồng Yên đóng cửa trong tuần ở mức 106.69 so với đô la Mỹ, tăng nhẹ 0.43% so với tuần trước. Dữ liệu cho thấy hoạt động sản xuất và xuất khẩu của Nhật Bản vẫn tích cực. Xuất khẩu của Nhật Bản tăng 12,2% trong tháng Giêng so với cùng kỳ năm ngoái, vượt mức dự báo tăng 10,3% và đánh dấu tháng tăng thứ 14 liên tiếp.
Chứng khoán Trung Quốc tăng điểm sau kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán kéo dài một tuần. Chỉ số Hang Seng Index đóng cửa ở 31.267 điểm (tăng 0,99%), chỉ số Shanghai Composite đóng cửa ở 3.289 điểm (tăng 5,14%).
Tin tức đáng chú ý ở nước này là chính phủ bất ngờ kiểm soát công ty bảo hiểm Anbang nổi tiếng và cho biết họ sẽ khởi tố cựu chủ tịch của hãng vì hành vi gian lận. Việc mua lại Anbang, đánh dấu sự tiếp quản lớn nhất của chính phủ Trung Quốc đối với một công ty tư nhân, được coi là tín hiệu rõ ràng nhất cho việc can thiệp của Bắc Kinh để kiềm chế nợ của các công ty cũng như trong cả nền kinh tế. Tăng trưởng nhanh của Anbang được thúc đẩy bởi việc bán các khoản đầu tư lợi suất cao trái ngược với các chính sách truyền thống, làm tăng mối quan ngại về sự ổn định tài chính.