TTCK Việt Nam tuần qua diễn ra nhịp tăng nhẹ nhàng và thận trọng
Tuần qua, những gì diễn ra trên bảng điện cho thấy thị trường có một tuần giao dịch khá thuận lợi, sau những phiên giao dịch khá bình lặng cuối tuần đã có một phiên khá sôi động với sự tăng điểm đồng loạt ở nhóm cổ phiếu bluechips giúp điểm số có phần hồi phục, thanh khoản được cải thiện đáng kể tuy nhiên vẫn chưa có sự lan tỏa rộng mà hầu hết vẫn tập trung chủ yếu vào một số mã lớn.
Chốt tuần, VN-Index đã đóng cửa ở 807,13 điểm, tăng 1,31 điểm (+0,16%) và HNX–Index chốt phiên ở 106,52 điểm, tăng 2,03 điểm (+1,93%) so với tuần liền trước. Mặc dù thị trường tăng điểm nhưng diễn biến giằng co và áp lực chốt lời vẫn luân phiên xảy ra trong các phiên giao dịch. Thị trường đang khá thận trọng khi VN-Index tiến sát tới mốc 810 điểm.
Một số cổ phiếu đang chú ý như cổ phiếu TCM (CTCP Dệt May Thành Công) đã bị bán mạnh trong phiên giao dịch đầu tuần qua ngày 18/09 sau thông tin kho vải mộc của doanh nghiệp tại phường Tây Thạnh, quận Tân Phú (TP. HCM) bị cháy lớn vào chiều tối 16/9. Đóng cửa phiên giao dịch ngày hôm đó TCM đã chốt ở mức giá 28.600 đồng/cổ phiếu, giảm 5,6% so với mức giá tham chiếu.
Cổ phiếu BMP (CTCP Nhựa Bình Minh) tuần qua đã có phiên bật mạnh khiến giá tăng tích cực, lí giải cho điều trên là do BMP đã có thông báo mới về việc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã tiếp nhận hồ sơ liên quan và chấp thuận nới room ngoại doanh nghiệp lên 100%. Chính điều này đã thu hút được sự chú ý của các nhà đầu tư quan tâm đến BMP trên thị trường. Chốt lại một tuần, cổ phiếu BMP đang giao dịch xung quanh mức giá 79.000 đồng/cổ phiếu.
Vào phiên giao dịch ngày 21/09, với thông tin về việc nâng room ngoại lên 75% nhiều khả năng FCN (CTCP Fecon) sẽ phát hành cho đối tác chiến lược nước ngoài trong lần tăng vốn lần này. Cổ phiếu tăng trần ngay từ những phút đầu tiên sau ATO. Với thương hiệu được khẳng định từ lâu dẫn đầu ngành trong lĩnh vực công trình ngầm và nền móng yếu, nên việc Fecon đặt kế hoạch kinh doanh đầy tham vọng cho năm 2017 và những năm tiếp theo tới đây đang là một thử thách lớn, chính vì vậy việc FCN cần phải tăng vốn để có vốn ban đầu làm các dự án sẽ giúp doanh nghiệp phần nào nắm bắt được nhiều cơ hội tốt hơn. Hiện nay với mức giá dao động vùng 23.000 đồng/cổ phiếu, FCN đã có hành trình tăng giá nhẹ nhàng lên đến gần 24% tính từ đầu năm đến thời điểm hiện tại. Chốt tuần, phiên giao dịch ngày thứ 6, bất ngờ đến với các cổ đông nắm giữ hai mã cổ phiếu VJC (CTCP hàng không Vietjet) và BWE (CTCP Nước – Môi trường Bình Dương). Trong khi VJC đã có phiên tăng kịch trần để bù đắp lại hiệu ứng giá bị điều chỉnh do chia thưởng cổ phiếu thì mã BWE lại tăng trần do xuất hiện các giao dịch thoả thuận khủng. Chốt phiên cổ phiếu VJC tăng giá lên mức104.700 đồng. Tính toán ở mức giá hiện tại thì vốn hóa thị trường của Vietjet Air đạt 47.255 tỷ đồng, tương đương 2,07 tỷ USD.
Đối với thị trường CK phái sinh, chốt tuần 4 HĐ đều đỏ. Trên thị trường phái sinh, xu hướng chủ đạo vẫn là giảm điểm. VN30 tiếp tục suy yếu với tốc độ giảm mạnh hơn sau đợt tăng dài và hợp đồng tương lai VN30F1710 cũng đã có đợt tăng kéo dài hơn một tháng tính từ mức 739 điểm lên mức cao nhất 794,8 điểm vào ngày 19/9 (+55,8 điểm), chính vì thế các nhà đầu tư nên cân nhắc nghĩ đến hành động tiếp theo là đóng vị thế mua và theo dõi chốt lợi nhuận đối với HĐ này. Bên cạnh đó, hai hợp đồng dài hạn là VN30F1712 và VN30F1803 đang giao dịch trên giá lý thuyết khá cao mặc dù thị trường cơ sở giảm điểm, điều đó chứng tỏ tín hiệu nhà đầu tư vẫn đang tỏ ra khá lạc quan vào xu thế tăng trong tương lai.
TTCK thế giới liên tục có những pha tăng tốc lập đỉnh mới
Chứng khoán Mỹ tuần qua đã có diễn biến tích cực khi những cổ phiếu vốn hóa lớn lập đỉnh mới, chính trị không còn ảnh hưởng mạnh đến thị trường. Chỉ số S&P 500 và chỉ số Dow Jones Industrial Average đạt mức cao kỷ lục trong đầu tuần trước khi giảm trở lại. Điều tương tự cũng xảy ra với chỉ số Nasdaq Composite của các công ty công nghệ cao cũng lập đỉnh mới. Các cổ phiếu vốn hóa nhỏ có một tuần tăng điểm tích cực. Lí giải cho sự kiện trên là là cuộc họp báo quan trọng của Fed công bố giữ nguyên mức lãi suất diễn ra vào thứ sáu. Bênh cạnh đó nhóm các cổ phiếu năng lượng cũng tăng điểm tốt khi giá dầu đạt mức cao nhất trong ba tháng, nhờ nhu cầu gia tăng từ các nhà máy lọc dầu ở Vịnh Mexico. Ngành tài chính cũng ghi nhận mức tăng vững chắc.
Chính trị tiếp tục đóng một vai trò lớn gây ảnh hưởng trong tâm lý thị trường, tuy nhiên sự ảnh hưởng đó đang giảm dần. Thị trường biến động không mạnh. Các nhà đầu tư dường như không phản ứng trước những lời tuyên bố mạnh mẽ của Tổng thống Donald Trump về Triều Tiên hôm thứ ba. Các mối đe dọa mới trong phản ứng của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un vào sáng thứ Sáu dường như chỉ có tác động rất hạn chế khi sàn giao dịch New York mở cửa.
Chứng khoán Châu Âu tuần qua cũng diễn ra khá tích cực, thị trường tăng điểm. Chỉ số Stoxx 600 của Châu Âu đóng cửa ở mức 343 điểm, tăng 0,88% so với mức 340 điểm của tuần trước. Ở các nước thành viên Eurozone, chỉ số DAX 30 của Đức cũng tăng từ 12533 lên 12613 điểm (tăng 0,64%), chỉ số CAC 40 của Pháp cũng tăng từ 5231 lên 5281 điêm (tăng 0,96%).
Dữ liệu kinh tế Eurozone tiếp tục cho thấy sự cải thiện nhẹ nhưng vẫn ổn định. Với kết quả kinh doanh mạnh mẽ ở Pháp và Đức, chỉ số Purchasing Managers’ Index tổng hợp của khu vực đồng euro đã tăng vượt quá mong đợi của giới đầu tư và đạt mức 56,7 – mức cao nhất trong 4 tháng trở lại đây, phản ánh hoạt động kinh tế rất sôi động của khu vực. Theo Ủy ban châu Âu, niềm tin tiêu dùng của khu vực đồng Euro đã cải thiện nhiều hơn dự kiến vào tháng 9 và đạt mức cao nhất kể từ tháng 4 năm 2001.
Tin tức chính trị của Châu Âu cũng nhận được sự quan tâm lớn của giới đầu tư. Người Đức đang chuẩn bị cho cuộc bầu cử liên bang vào ngày chủ nhật tới. Liên minh Dân chủ Thiên chúa giáo của đương kim thủ tướng Angela Merkel được mong đợi tiếp tục cầm quyền. Dưới thời bà Merkel, kinh tế Đức tăng trưởng vô cùng mạnh mẽ và trở thành đầu tàu kinh tế của cả khu vực. Nếu bà tiếp tục chiến thắng trong cuộc bầu cử sắp tới, đó được coi là tín hiệu tốt cho kinh tế Châu Âu. Tại các nước khác trong khu vực đồng euro cũng cho thấy các tín hiệu tích cực. Cơ quan xếp hạng S&P vừa mới nâng đánh giá nợ của Bồ Đào Nha lên cấp khuyến khích đầu tư. Chỉ số chứng khoán PSI 20 của nước này lập tức tăng từ 5262 lên 5307 điểm (tăng 0,85%).
Tại Anh, chỉ số FTSE 100 đóng cửa phiên giao dịch ngày thứ 6 ở mức 7,310.64, tăng 1,3% so với tuần trước. Thị trường có đôi chút phản ứng tiêu cực sau vụ đánh bom khủng bố tàu điện ngầm ở London. Tuy nhiên với các thông tin kinh tế lạc quan, thị trường nhanh chóng tăng điểm trở lại.
Tại Nhật Bản, thị trường chứng khoán có một tuần tăng điểm do chính sách nới lỏng tiền tệ vẫn được duy trì. Chỉ số Nikkei 225 tăng 387 điểm và đóng cửa ở mức 20.296 điểm. Tính từ đầu năm đến nay, chỉ số này đã tăng 6,2%. Trong khi đó chỉ số TOPIX Index cũng tăng 9,6%. Đồng Yên đã yếu đi trong tuần và đóng cửa gần mức 112 yên/đô la.
Đúng như dự đoán của giới đầu tư, trong cuộc họp báo mới nhất ngày 21/09, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) không hề thay đổi lập trường chính sách tiền tệ hiện tại. Sự phục hồi ấn tượng của kinh tế Nhật Bản đã chứng minh cho hiệu quả của chính sách nới lỏng tiền tệ được thực thi trong thời gian qua. BoJ cũng sẽ tiếp tục thi hành chính sách đó bằng cách mua thêm trái phiếu chính phủ Nhật Bản với giá khoảng 80 nghìn tỷ yên (tương đương trên 700 tỷ USD) mỗi năm nhằm nỗ lực giữ lãi suất dài hạn ở mức gần 0%.