Tuần “đẫm máu” của TTCK Việt Nam
Thị trường đã có một tuần lễ giao dịch tràn đầy khủng hoảng khi chỉ số VN-Index có những phiên chao đảo suýt để mất cột mốc 1.000 điểm được thiết lập trong thời gian qua.
Chốt tuần, VN-Index đã đóng cửa ở 1.003,94 điểm, giảm 101,1 điểm (-9,18%) và HNX-Index chốt phiên ở 117,05 điểm, giảm 6,92 điểm (-5,23) điểm so với tuần liền trước. Khác với tuần liền trước, thị trường mở cửa đầu tuần khá khó khăn khi các chỉ số đều đồng loạt chao đảo giảm điểm mạnh trong những phiên giao dịch đầu tiên của tuần mới.
Trong tuần qua, phiên lao dốc trong 2 ngày đầu tiên của tuần mới có thể nhận định là hệ quả trực tiếp từ phiên giảm mạnh của thị trường chứng khoán Mỹ vào hôm thứ 6 tuần trước. Dường như Vn-Index đã có sự liên hệ mật thiết với chỉ số thị trường mới nổi MSCI trong những tháng gần đây. Chính ảnh hưởng trên đã đẩy đến sự kiện thị trường đồng loạt lao dốc, các cổ phiếu đồng loạt giảm mạnh. Trước lực bán ồ ạt như vũ bảo, sắc đỏ lan tỏa trên toàn thị trường đã khiến một loạt các cổ phiếu trên thị trường “nằm đo ván” và khiến các NĐT trên thị trường rơi vào cảnh “mua không đành mà bán cũng không xong”.
Bên cạnh đó, tuần qua cũng là tuần giao dịch mà thị trường nhiều lần chứng kiến các cố phiếu vốn hóa lớn bị “kéo xả” trong đó không ít cổ phiếu lớn nằm sàn như VIC, MSN, BVH, GAS…cùng nhóm ngân hàng như VCB, BID, CTG… Cùng với đó nhóm ngành dầu khí tuần qua cũng trải qua những phiên giảm mạnh trong xu hướng điều chỉnh chung của VN-Index, bên cạnh việc giá dầu điều chỉnh mạnh tuần qua cũng là một trong những nguyên nhân chính. Phiên ngày thứ 4 là một ngày khá hiếm hoi mà các cổ phiếu này duy trì được sắc xanh đến cuối phiên. Thanh khoản thị trường tiếp tục sụt giảm so với tuần liền trước đó.
Đối với thị trường CK phái sinh, chốt tuần các hợp đồng đều có sự giảm đồng thuận về điểm số. Thị trường phái sinh chủ yếu nghiêng vị thế về bên short với các biên độ biến động giảm giá lớn đồng pha với đà giảm trên thị trường cơ sở .So với tuần kề trước, thanh khoản HĐ phái sinh tuần qua có sự gia tăng đáng kể. Hiện nay tổng khối lượng khớp lệnh trung bình của thị trường giao dịch hợp đồng tương lai đạt 27.523 hợp đồng (tương đương mức tăng 28,3% so với tuần liền kề trước đó).
TTCK thế giới trải qua một tuần ác mộng
Thị trường chứng khoán Mỹ đã có tuần giao dịch tồi tệ nhất trong 2 năm qua. Các cổ phiếu bị giảm mạnh khi các nhà đầu tư lo lắng về khả năng tăng lãi suất của FED. Các chỉ số đều đã giảm hơn 10% so với đỉnh gần nhất. Chỉ số S&P 500 đóng cửa ở 2.619 điểm (giảm 4,45%), chỉ số Nasdaq Composite đóng cửa ở 6.874 điểm (giảm 4,06%). Tuy nhiên, nhiều sự chú ý tập trung vào chỉ số Dow Jones Industrial Average, bị giảm mạnh hai lần vào thứ Hai và thứ Năm đều vượt quá 1.000 điểm, là mức sụt giảm lớn nhất trong lịch sử. Chỉ số này đóng cửa ở 24.190 điểm (giảm 4,53%). Chỉ số biến động CBOE VIX đã tăng lên mức cao nhất trong vài năm trở lại đây. Không có ngành nào thoát khỏi đà bán tháo của thị trường. Các chuyên gia cũng lưu ý rằng các quỹ ETF sử dụng các thuật toán máy tính trong giao dịch, chiếm tới 2/3 khối lượng giao dịch thị trường, đã làm mức độ biến động trở nên mạnh hơn.
Chứng khoán châu Âu cũng giảm mạnh trong suốt một tuần biến động và làm dấy lên những lo ngại về ảnh hưởng lan ra toàn cầu của thị trường chứng khoán Mỹ. Chỉ số FTSE 100 của Anh đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng một năm qua, đóng cửa ở 7.092 điểm (giảm 4,72%). Chỉ số DAX 30 của Đức đóng cửa ở 12.107 điểm (giảm 4,57%), chỉ số CAC 40 của Pháp đóng cửa ở 5.079 điểm (giảm 4,57%).
Tuy vậy tuần qua châu Âu cũng có những công bố tin tức kinh tế tốt. Thu nhập doanh nghiệp hàng quý phần lớn tích cực. Nhu cầu nhập khẩu của thị trường Châu Âu vẫn mạnh mẽ, và sản xuất công nghiệp của Pháp đã tăng hơn dự kiến trong bài báo mới nhất. Tại Đức, Thủ tướng Angela Merkel cuối cùng cũng đã bắt tay thành lập một liên minh chính phủ mới giữa liên minh bảo thủ của bà và các đảng Dân chủ Xã hội cánh tả.
Đối với Nhật, các chỉ số chứng khoán Nhật Bản tiếp tục giảm sâu, theo sau thị trường Mỹ. Chỉ số Nikkei 225 giảm 8,1% trong tuần và đóng cửa ở mức 21.382 điểm. Tính từ đầu năm, tất cả các chỉ số chính của thị trường Nhật Bản đều giảm. Đồng yên tăng và đóng cửa phiên giao dịch ngày thứ Sáu ở mức 108.8 Yên/ đô la Mỹ, cao hơn 3,3% so với cuối năm 2017. Ngay cả khi lợi suất trái phiếu trên toàn cầu tăng lên, Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) vẫn kiên quyết khẳng định niềm tin của mình trong việc duy trì nới lỏng chính sách tiền tệ. Các nhà hoạch định chính sách đã quyết định mua trái phiếu Chính phủ Nhật Bản với số lượng không hạn chế ở mức lãi suất 0,11%.
Cuối cùng, thị trường chứng khoán Trung Quốc nằm trong số những thị trường chứng khoán giảm sâu nhất trên toàn cầu trong tuần trước, khi các chỉ số trong nước giảm hơn 10% so với đỉnh gần nhất, chính thức bước vào vùng thị trường điều chỉnh. Chỉ số Shanghai Composite Index giảm khoảng 15% từ đỉnh tháng 1. Trong khi đó, chỉ số Hang Seng của Hong Kong mất 9,5% trong tuần, mức giảm lớn nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Trong những lần bán tháo trước đó, các quỹ đầu tư được nhà nước Trung Quốc hậu thuẫn đã can thiệp và mua cổ phiếu để ngăn chặn sự sụt giảm của thị trường. Nhưng nhiều nhà phân tích cho rằng lần này có rất ít dấu hiệu chính phủ Trung Quốc có hành động can thiệp tương tự. Sự sụt giảm vào tuần trước gây ảnh hưởng lớn đến chiến dịch loại bỏ rủi ro trong hệ thống tài chính của chính quyền Bắc Kinh.