TTCK Việt Nam chào đón năm mới ngập tràn hứng khởi, vượt mốc 1000 điểm
Tuần qua, thị trường có một tuần lễ mở đầu năm mới tích cực, chỉ số VN-Index đã có sự bứt phá tốt trong những phiên giao dịch của tuần qua vượt mốc 1000 điểm. Chốt phiên giao dịch tuần đầu tiên của năm mới 2018, VN-Index đã đạt mức 1012,65 điểm, mức cao nhất trong suốt 10 năm trở lại. Nhìn chung mở ra một năm đầy tràn đầy hy vọng của thị trường chứng khoán Việt Nam.
Chốt tuần, VN-Index đã đóng cửa ở 1012,65 điểm, tăng 28,41 điểm (+2,89%) và HNX-Index chốt phiên ở 118,92 điểm, tăng 2,56 điểm (+1,75%) so với tuần liền trước. Giống với tuần trước, thị trường ghi nhận một tuần giao dịch đầu tiên của năm trong không khí tràn đầy hưng phấn khi các chỉ số thị trường ghi nhận đà tăng điểm ấn tượng.
Trong tuần qua, thị trường ghi nhận sự dẫn dắt của nhóm cổ phiếu ngành dầu khí như GAS, PLX cùng với VNM, MSN, NVL… Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu ngành ngân hàng như VCB,VPB, CTG, BID cũng thể hiện sự nổi trội khi thực hiện tốt nhiệm vụ hỗ trợ nâng đỡ chỉ số, cũng như sự hào hứng của nhóm này khi trong tuần qua đón nhận 1 tân binh mới là HD Bank chào sàn.
Đáng chú ý hơn cả là vào phiên giao dịch đầu tiên của năm 2017 đã diễn ra khá sôi động. Các mã cổ phiếu thuộc nhóm VN30 đồng loạt tăng khá mạnh trong phần lớn thời gian giao dịch. Sau khi xác nhận được xu hướng thị trường thì dòng tiền của nhà đầu tư đã quay trở lại khá mạnh mẽ, giá trị khớp lệnh được đẩy lên khá cao và tập trung tại các cổ phiếu có vốn hóa lớn có thể kể đến như MWG, DXG, VPB… Bên cạnh đó, với việc VN-Index dễ dàng bứt phá qua cột mốc 1000 điểm, tâm lý hưng phấn đã gia tăng rất mạnh trong tuần qua không chỉ có nhóm cổ phiếu Large Cap mà sự bùng nổ giao dịch còn diễn ra ở cả nhóm cổ phiếu Mid Cap và Small Cap.
Nhìn chung, đa số NĐT trên thị trường vẫn đang kì vọng vào sự tăng điểm mạnh mẽ trong thời gian tới nhờ vào các kết quả kinh doanh khả quan và sự bứt phá của cổ phiếu nhóm ngân hàng – công ty chứng khoán cũng như làn sóng IPO tháng 1 tới đây của PV Oil, PV Power, Lọc hóa dầu Bình Sơn sẽ là những tín hiệu tích cực cho tăng trưởng của thị trường trong năm 2018. Xen kẽ vẫn là những đợt công bố kết quả kinh doanh sơ bộ cả năm 2017 của các doanh niêm yết trong nước.
Đối với thị trường CK phái sinh, các hợp đồng đều có sự gia tăng đồng thuận về điểm số trong tuần qua tuy nhiên vào phiên chiều thứ sáu, dưới áp lực short sale gia tăng trở lại khi VN30-Index chịu áp lực chốt lời mạnh đã khiến cả 4 hợp đồng đều giảm đỏ. So với tuần kề trước, thanh khoản HĐ phái sinh tuần qua có sự gia tăng đáng kể. Hiện nay tổng khối lượng khớp lệnh trung bình của thị trường giao dịch hợp đồng tương lai đạt 15.383 hợp đồng (tương đương mức tăng gần 10%so với tuần liền trước).
TTCK thế giới đồng loạt tăng điểm đón chào năm mới
Thị trường chứng khoán Mỹ khởi đầu rất mạnh mẽ vào tuần đầu tiên của năm 2018, khi tất cả các chỉ số chính đều tăng lên mức cao mới. Chỉ số Dow Jones Industrial Average, thu hút sự chú ý đặc biệt khi vượt qua ngưỡng 25.000 điểm vào thứ Năm, chưa đầy 1 năm sau khi vượt qua mức 20.000 điểm lần đầu tiên. Chỉ số Biến động CBOE (VIX), “chỉ số lo sợ” của phố Wall đạt mức thấp kỷ lục trong nhiều năm qua. Kết thúc tuần, Dow Jones Industrial Average đóng cửa ở 25.295 điểm (tăng 2,33%), S&P 500 đóng cửa ở 2.743 điểm (tăng 2,6%), Nasdaq Composite đóng cửa ở 7.136 điểm (tăng 3,38%).
Các cổ phiếu năng lượng tăng mạnh nhờ đà tăng của giá dầu. Các cổ phiếu ngành công nghệ thông tin và vật liệu cũng tăng điểm tốt trong tuần. Tuy nhiên nhóm các cổ phiếu ngành bất động sản lại tăng khá yếu, do sự gia tăng mạnh của lợi suất trái phiếu, làm cho lợi suất cổ tức của họ trở nên kém hấp dẫn hơn khi đem ra so sánh.
Các thị trường chứng khoán châu Âu bắt đầu năm 2018 với một khởi đầu chậm chạp, nhưng đà tăng của các dữ liệu kinh tế khu vực và toàn cầu đã giúp cho các chỉ số chứng khoán tăng điểm mạnh vào cuối tuần. Chỉ số FTSE 100 của Anh đã chạm mức cao kỷ lục 7.724 điểm ( tăng 1,34%), trong khi DAX 30 của Đức đóng cửa ở 13.319 điểm (tăng 2,79%).
Đóng góp vào đà tăng điểm mạnh mẽ đó là một số nhà sản xuất ô tô, nhờ doanh số bán hàng tốt hơn dự kiến, và các ngân hàng nhờ lợi nhuận tăng lên . Đầu tuần, các cổ phiếu ngành công nghệ và ngành bán lẻ thúc đẩy thị trường tăng điểm khi có những báo cáo thuận lợi về doanh số và nhu cầu tiêu dùng tăng. Một số thị trường khác cũng chứng kiến sự tăng điểm ấn tượng, như CAC 40 của Pháp đóng cửa ở 5.470 điểm (tăng 2,51%), IBEX 35 của Tây Ban Nha đóng cửa ở 10.411 điểm (tăng 3,1%).
Thị trường chứng khoán Nhật Bản mở cửa trở lại sau kỳ nghỉ năm mới vào ngày thứ Năm, 04/01, và ngay lập tức tăng 3,3% lên mức cao nhất trong 26 năm qua. Trong tuần qua, thị trường Nhật Bản chỉ giao dịch hai ngày. Kết thúc tuần, chỉ số chứng khoán Nikkei 225 tăng 4,2%, đóng cửa ở mức 23.714 điểm. Chỉ số TOPIX tăng 3,5%. Đồng Yên giảm và đóng cửa phiên giao dịch ngày thứ Sáu ở mức 113.2 yên/ đô la Mỹ.
Có thể thấy nền kinh tế Nhật Bản đang trong giai đoạn tăng trưởng dài thứ hai trong lịch sử kể từ sau Thế chiến II. Do nhu cầu trong và ngoài nước tăng mạnh mẽ đối với hàng hoá và dịch vụ của Nhật Bản, đa số các nhà kinh tế dự đoán kinh tế Nhật sẽ ghi nhận một năm tăng trưởng nữa. Xuất khẩu của Nhật Bản sẽ được hưởng lợi từ nền kinh tế toàn cầu đang phát triển nhanh. Trong bảng cân đối kế toán của các công ty Nhật Bản đang có lượng tiền mặt rất lớn, hứa hẹn cho hoạt động đầu tư vốn mạnh mẽ, nâng cao năng suất và tăng lương cho người lao động.
Thị trường chứng khoán Trung Quốc cũng khởi đầu năm mới tích cực. Chỉ số Hang Seng Index đóng cửa ở 30.814 điểm (tăng 3,01%), Shanghai Composite đóng cửa ở 3.391 điểm (tăng 2,91%). Ba chỉ số sản xuất của Trung Quốc trong tháng 12 cho thấy hoạt động kinh tế của đất nước này vẫn được giữ vững khi năm 2017 kết thúc, mặc dù các nhà phân tích vẫn lo ngại một sự suy giảm trong năm 2018 khi Bắc Kinh thực hiện các biện pháp để hạn chế rủi ro tài chính.
Hiện nay chỉ số PMI sản xuất đang đạt 51,6 điểm, trong khi chỉ số PMI phi sản xuất tăng lên 55,0 điểm, vượt quá dự báo của các nhà kinh tế. Chỉ số quản lý mua hàng Caixin đã tăng đến mức đáng ngạc nhiên là 51,5 điểm, cao nhất trong bốn tháng gần đây. Các chỉ số mới nhất cho thấy nền kinh tế Trung Quốc kết thúc năm 2017 vẫn rất mạnh mẽ. Tuy nhiên, cam kết của chính phủ Trung Quốc nhằm làm giảm rủi ro cho nền kinh tế dự kiến sẽ dẫn đến tăng trưởng chậm rõ rệt trong những năm tới.