TTC Group đang toan tính gì khi muốn sở hữu 36% cổ phần Sacomreal?

Theo thông tin từ Đại hội cổ đông bất thường của SCR mới đây, các cổ đông đã chấp thuận cho TTC nâng tỷ lệ sở hữu tại Sacomreal lên 36% mà không phải thực hiện các thủ tục chào mua công khai cổ phiếu SCR. Trước đó TTC nắm giữ gần 12 triệu cổ phiếu SCR, tương ứng tỷ lệ 4,91%.

Ngoài ra, những người liên quan đến ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch Hội đồng quản trị TTC Group cũng đang nắm khoảng 11% vốn điều lệ của SCR.

Cụ thể, bà Huỳnh Bích Ngọc, vợ của ông Đặng Văn Thành là Phó chủ tịch Hội đồng quản trị SCR. Bà Ngọc đang nắm 42.959 cổ phiếu, tương đương 0,02% vốn điều lệ SCR. Một cá nhân có liên quan khác là bà Đặng Huỳnh Ức My, con gái bà Ngọc và ông Thành đang nắm 65.625 cổ phiếu, tương ứng 0,03% vốn điều lệ SCR.

Ông Đặng Hồng Anh là con trai của ông Thành và bà Ngọc, tuy đã rời ghế Chủ tịch Hội đồng quản trị của SCR vào ngày 27/4/2015 nhưng vẫn là cổ đông lớn nắm giữ gần 22,78 triệu cổ phiếu, chiếm 10,95% vốn điều lệ SCR.

Riêng ông Đặng Văn Thành không nắm giữ cổ phiếu SCR. Tính ra, tổng sở hữu của gia đình ông Đặng Văn Thành tại Công ty Cổ phần Địa ốc Sài Gòn Thương Tín là khoảng 22,88 triệu cổ phiếu, chiếm 11% vốn điều lệ.

Mới đây, SCR đã tổ chức đại hội cổ đông bất thường 2017 thông qua hàng loạt vấn đề quan trọng, ảnh hưởng đến đường hướng phát triển trong tương lai của doanh nghiệp. Theo đó, cổ đông SCR đã thông qua phương án chào bán thêm cổ phần ra công chúng cho các cổ đông hiện hữu và chào bán cổ phần riêng lẻ.

Tổng số lượng cổ phiếu phát hành ra công chúng dự kiến là 48.774.247 đơn vị với tỉ lệ quyền mua 20%. Có nghĩa cổ đông đang sở hữu 10 cổ phiếu sẽ được quyền mua thêm 2 cổ phiếu mới, giá chào bán 10,000 đồng/cổ phiếu.

Công ty Cổ phần Đầu tư Thành Thành Công là nhà đầu tư duy nhất được mua từ 10% vốn điều lệ của SCR trong đợt phát hành này. Đồng thời, TTC Group cũng được nhận chuyển nhượng cổ phiếu có quyền biểu quyết dẫn đến sở hữu từ 25% trở lên mà không phải thực hiện các thủ tục chào mua công khai.

Tổng số tiền mà SCR thu được từ đợt chào bán cổ phiếu này là gần 488 tỉ đồng. SCR sẽ dùng toàn bộ số tiền này để mua 100% vốn điều lệ Công ty TNHH MTV Đầu tư Kinh doanh Bất động sản Hùng Anh Năm. Hiện tại, Hùng Anh Năm là công ty liên kết của Sacomreal. Vốn điều lệ của công ty này là 200 tỉ đồng, trong đó Sacomreal nắm giữ 70 tỉ đồng, chiếm tỉ lệ 35%.

SCR mua Hùng Anh Năm là để làm chủ dự án Khu liên hợp Tản Đà-Hàm Tử. Dự án này có tên thương mại là Tản Đà Plaza với tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 2.760 tỉ đồng. Tổng diện tích đất của dự án là 5.077m2 và diện tích sàn của dự án là 65.578m2. Mật độ xây dựng chiếm khoảng 45%, diện tích còn lại được xây dựng các công trình công cộng khác. Tản Đà Plaza có quy mô 40 tầng, trong đó gồm 3 tầng hầm, 5 tầng thương mại, hội nghị và 298 căn hộ.

Ngoài ra, SCR cũng sẽ chào bán riêng lẻ cho TTC Group 24.387.123 cổ phiếu để thu về gần 244 tỉ đồng. Số tiền này, SCR chi thêm 49 tỉ đồng để mua cổ phần của Công ty Hùng Anh Năm. Gần 195 tỉ đồng còn lại, SCR sẽ dùng để tái cấu trúc nguồn vốn, nợ vay của công ty. Như vậy, tổng cộng ở đợt chào bán cổ phiếu sắp tới, TTC Group sẽ được mua đến 36% cổ phần của SCR.

Nói về lí do cho phép TTC Group được mua đến 25% vốn điều lệ của SCR, ông Phạm Điền Trung, Chủ tịch Hội đồng quản trị SCR cho biết, việc cho TTC Group tăng sở hữu là để hướng đến mục tiêu dài hơi của công ty. Việc cho phép TTC Group trở thành cổ đông lớn với tỉ lệ sở hữu 36% là một bước đi trong chiến lược phát triển lên thành tổng công ty. Từ đó sẽ lấn sân qua bất động sản khu công nghiệp cũng như xây dựng thêm các cảng sông, cảng biển.

Hiện tại, SCR chỉ mới phát triển phân khúc bất động sản dân dụng như đất nền, chung cư, căn hộ… Kế hoạch cho giai đoạn 2018-2020 và hướng đến năm 2025 của SCR dự kiến sẽ phát triển sang phân khúc bất động sản khu công nghiệp, logistic.

“Mấu chốt của kinh doanh bất động sản khu công nghiệp là phương tiện vận chuyển hàng hóa. Đây cũng chính là lợi thế hiện tại của SCR khi mà các vị trí kinh doanh bất động sản khu công nghiệp đều gần cảng. Như vậy, tận dụng lợi thế này sẽ khiến chi phí vận chuyển của công ty được tiết kiệm”, ông Trung nói.

Chủ tịch Hội đồng quản trị SCR cho biết thêm, hiện tại tổng quỹ đất của công ty đã vượt 1.000ha. Cụ thể, Phú Quốc có 150ha, Tây Ninh 34ha, Đà Nẵng 50ha, Long An 50ha… SCR sẽ phát triển bất động sản khu công nghiệp ở Phú Quốc và Tây Ninh. Để phát triển các dự án này, SCR chỉ có 40% tiền mặt, số còn lại sẽ đi vay. Tuy nhiên, SCR cũng sẽ cân nhắc việc phát hành trái phiếu để huy động vốn.

Theo đó, Công ty sẽ tập trung phát triển nhiều dự án lớn, trước mắt trong năm này sẽ triển khai dự án Carillon 7 quy mô gần 700 căn hộ tại Tân Phú và đặc biệt là dự án cao cấp tại quận 4 với quy mô 1,500 căn hộ. Cả 2 dự án hiện đã hoàn thiện pháp lý và sẽ chính thức công bố ra thị trường trong thời gian tới.

Vừa qua, SCR thực hiện nhiều hoạt động M&A, cụ thể như việc nhận chuyển nhượng Công ty CP Khu Công nghiệp Thành Thành Công ( TTC IZ) – đơn vị sở hữu, khai thác khu công nghiệp Thành Thành Công Tây Ninh (quy mô 1,020 ha) và hợp tác với Công ty CJ Cầu Tre để thực hiện dự án tại Tân Phú có quy mô gần 10 ha.

Một điểm đáng chú ý trong báo cáo quý 3/2017, Công ty Cổ phần Địa ốc Sài Gòn Thương Tín đã đổi thương hiệu Sacomreal thành TTC Land. Nhãn hiệu Sacomreal được cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 93552, theo quyết định số 20119/QĐ-SHTT ngày 24/12/2007.

Được biết, dự kiến đến tháng 3/2018 mới công bố thương hiệu TTC Land. Tuy nhiên, do đặc thù của ngành bất động sản sẽ có một số hoạt động in ấn với chi phí rất lớn. Do đó, công ty đang thay thương hiệu từ từ và sợ khách hàng sẽ không biết tại sao lại đổi thành TTC Land, việc đó có đúng hay sai nên mới công bố thông tin trên website doanh nghiệp.

Mục tiêu thay đổi thương hiệu Sacomreal thành TTC Land là để phát triển theo mô hình tổng công ty và trở thành một trong 5 ngành chủ lực trực thuộc TTC Group là Bất động sản – Năng lượng – Mía đường – Giáo dục và Du lịch.

Tính đến cuối năm 2016, tổng tài sản Sacomreal đạt gần 7.500 tỉ đồng, tăng 50% so với thời điểm đầu năm. Tổng nợ phải trả 4.236 tỉ đồng. Vốn chủ sở hữu đạt 3.262 tỉ đồng, trong đó vốn cổ phần 2.170 tỷ đồng. Đến 31/12/2016, Sacomreal có 6 công ty con. Ngoài ra, doanh nghiệp này còn có 5 công ty liên kết, tăng 3 công ty liên kết so với hồi đầu năm 2016.

Mục tiêu năm 2017 của Sacomreal là doanh thu đạt 2.514 tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế khoảng 260 tỉ đồng và dự kiến chia cổ tức từ 7-10%. Tuy nhiên, đến hết quý III năm 2017, Sacomreal chỉ thực hiện được 11% kế hoạch doanh thu, còn lợi nhuận trước thuế của Sacomreal chỉ ở mức 95,5 tỉ đồng, đạt 36,7% kế hoạch năm.

Bài viết mới