TS. Trần Đình Thiên: “Muốn không lỡ tàu cách mạng 4.0, Việt Nam phải cắn răng trả giá nhưng hình như cái cắn răng đang hơi yếu!”

Là một robot có cảm xúc và suy nghĩ, Sophia đã được công nhận quyền công dân tháng 11 vừa qua đánh dấu sự kiện lần đầu tiên một robot được thừa nhận như con người. Sophia là sản phẩm tiêu biểu của cách mạng công nghiệp 4.0.

Trước Sophia, đầu năm 2016, một trí tuệ nhân tạo khác cũng suýt được vinh danh giải thưởng văn chương quốc gia ở Nhật Bản với tác phẩm “The day computer writes a novel”.

Cuộc cách mạng 4.0 với tốc độ phát triển nhanh chóng, thực tế đã và đang ghi nhận lại tiềm năng rộng lớn của máy móc ở những lãnh địa vốn chỉ dành cho con người.

Xuất hiện từ rất sớm nhưng khái niệm cách mạng 4.0 mới được đưa ra chính thức năm 2013, trong báo cáo của Chính phủ Đức. Sau đó, cụm từ này liên tục được Thủ tướng Đức Angela Merkel nhắc đến tại Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) năm 2015 và nay đã là cơn sóng lan rộng toàn cầu, tác động đến mọi mặt kinh tế, xã hội.

Năm ngoái, tại Vietnam ICT Summit, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lần đầu tiên chính thức phát biểu về cách mạng 4.0 và nêu quyết tâm Chính phủ sẽ hành động quyết liệt, kịp thời để bắt kịp với đà chạy của thế giới.

Dù vậy, một năm sau, tại Vietnam ICT Summit 2017 diễn ra gần đây, một thông điệp cảnh báo lại được đưa ra, Việt Nam đang quá rụt rè và chậm chạp, dẫn đến khả năng lần thứ tư trong lịch sử, bỏ qua cơ hội bứt phá và bị tụt hậu.

TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho biết Việt Nam không chỉ thiếu về mặt nền tảng công nghệ cao mà còn đang chệch về cách tiếp cận, khai thác. Đơn cử như việc Hàn Quốc, Trung Quốc tìm cách “nhảy” vào công nghệ mới thì Việt Nam lại “ôm chặt công nghệ truyền thống, khai thác tài nguyên gia công là chính”.

Các doanh nghiệp trong nước, dù được đánh giá là trẻ, giỏi, và có nhiều tiềm năng nhưng với nền tảng còn yếu, sáng kiến vẫn ở mức “bình bình” chưa có tính “xoay chuyển thời đại” – như cách TS. Trần Đình Thiên nhận định khiến cho cuộc chơi của họ trong làn sóng cách mạng 4.0 trở nên “đuối sức”.

Tuy nhiên, những thách thức rất lớn đặt ra ở hiện tại, nếu nhìn thẳng vào bản chất, ông Thiên cho rằng đó là việc dám đánh đổi hay không.

Bởi lẽ, mỗi cuộc cách mạng sẽ là sự đánh đổi, xoá bỏ những gì đã tồn tại trước đó. Chi phí chuyển đổi kèm theo là không hề nhỏ. “Những người lao động ra rìa sau những tự động hoá của máy móc hay sự biến đổi nhanh chóng của công nghệ khiến máy móc trở nên lạc hậu chỉ sau thời gian ngắn sẽ được giải quyết như thế nào?”, ông nêu vấn đề khi cho biết Việt Nam sẽ dần dần phải từ bỏ cấu trúc công nghiệp cũ.

“Tất nhiên, ở ta chưa có cái gì là quá nặng nhưng vì nguồn lực của Việt Nam còn nhiều hạn chế nên mọi thứ trở nên nặng nề ở chi phí chuyển đổi”, ông cho biết.

Giá phải trả là rất đắt cho dù tương lai sẽ rực rỡ nếu thành công, theo ông Trần Đình Thiên. Tuy nhiên, dù muốn, dù không, ông cho rằng Việt Nam vẫn phải từng bước thực hiện công cuộc thay da, đổi thịt này.

Thực tế, những hệ quả của cách mạng 4.0 đã từng bước lan đến Việt Nam mà mới đây nhất, chính là việc 90% công nhân tại một nhà máy ở Bình Dương phải nghỉ việc vì robot thế chỗ. Là một nước có nhiều ngành thâm dụng lao động cao, hàng triệu người Việt Nam đang đứng trước nguy cơ bị sa thải trong làn sóng công nghệ. Đối với Việt Nam, chậm đổi mới, không chỉ là “lỡ tàu” mà còn gánh nhiều hệ luỵ tiêu cực.

“Phải cắn răng mà làm”, ông Trần Đình Thiên nói và cũng không quên bổ sung “nhưng hình như cái cắn răng của ta đang hơi yếu”. Ông cho rằng chính bởi quyết tâm còn yếu của Việt Nam khiến mọi chuyện ngày càng trở nên khó khăn hơn.

“Mọi quốc gia đều muốn phát triển, nhưng để phát triển, cần có ý chí vững vàng”, TS. Trần Đình Thiên nói.

Cách mạng 4.0 và “những nhà máy không ánh đèn”

Bài viết mới