Ông đánh giá như thế nào về quyết định cắt giảm 675 điều kiện kinh doanh của Bộ Công thương?
Tôi phải khẳng định đây là một tín hiệu mới, chưa từng có, bởi chưa có một Bộ, ngành nào đề xuất, bãi bỏ điều kiện, giấy phép kinh doanh.
Theo tôi nghĩ, các Bộ bắt đầu nhận thức được áp lực từ nội tại: Tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, thuận lợi, là cơ sở để doanh nghiệp phát triển. Từ đó, huy động nguồn lực phát triển kinh tế từ xã hội, trở thành động lực nội sinh, con đường thúc đẩy tăng trưởng bền vững chứ không trông chờ vào mở rộng tín dụng, tăng đầu tư ngân sách. Kinh tế Việt Nam có lẽ không còn có con đường nào khác ngoài cách thức này.
Bước tiếp theo là từ đề xuất này là thể hiện thành dự thảo của Nghị định. Nếu thực sự khẩn trương, bước này có thể mất khoảng từ 1 – 2 tuần. Quá trình này đòi hỏi các bên cùng chia sẻ, góp ý, tham vấn để nó đúng về trình tự, nội dung cũng như khía cạnh pháp lý. Kinh nghiệm làm luật cũng cho thấy Nghị định này có thể được thông qua trong khoảng 3 tháng. Như vậy, mong rằng đến cuối năm, Nghị định sẽ có hiệu lực.
Tôi lập lại, đây là quyết định mới, mang tính chất lịch sử, đòi hỏi người ta phải vượt lên chính mình, thay đổi tư duy, chứ không thể cứ luẩn quẩn với những cái tủn mủn, cũ kỹ. Đồng thời, quyết định của Bộ Công thương cũng trở thành áp lực cho những Bộ khác đang chần chừ, chưa chịu thay đổi.
Tính bền vững của lần đề xuất cắt giảm này như thế nào, giả sử nếu cắt giảm được vậy làm sao để ngăn chặn việc “tái mọc” giấy phép con?
Tái mọc hay không tôi cho rằng nó nằm ở câu chuyện tư duy. Từ trước đến nay chúng ta vẫn tư duy theo lối mang nặng tiền kiểm, tuy duy nặng sở hữu, kiểm soát và kìm nén doanh nghiệp thay vì tư duy hỗ trợ cho họ. Vì vậy, trong tương lai, nếu thay đổi nhận thức, chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm, các hình thức giấy phép con có thể giảm đi, đồng thời cũng không “mọc” thêm.
Đồ hoạ: Tuấn Dũng
Bên cạnh đó, với tư duy mới của Bộ Công thương, tôi cho rằng bản thân họ sẽ tự tìm cách thức quản lý mới nhằm ngăn chặn việc phát sinh, biến tướng của giấy phép con mới.
Ông có nói đến áp lực lên các Bộ, ngành khác, cụ thể là như thế nào?
Theo quan sát của tôi, nhiều Bộ trưởng cũng muốn thay đổi, cải cách, nhưng cấp Vụ, Cục vẫn còn chần chừ, khiến tư lệnh ngành không làm được. Các Bộ trưởng đôi khi không tạo được áp lực xuống cấp dưới. Do đó, áp lực từ bên ngoài, ví dụ như tâm gương làm tốt ở một đơn vị nào đấy sẽ vừa là áp lực lên những người chần chừ, vừa là động lực hỗ trợ những người muốn cải cách.
Cảm ơn ông!