TS. Nguyễn Đình Cung: Dư địa tăng trưởng GDP của Việt Nam vào khoảng 8-9%, nếu làm tốt, nguồn lực sẽ “tự nhiên chảy về như suối đổ ra biển lớn”

Số liệu của Tổng Cục thống kê cuối năm cho biết quy mô nền kinh tế đã chạm ngưỡng 220 tỷ USD với mức tăng trưởng GDP đạt 6,81%, cao nhất trong 9 năm trở lại đây. GDP bình quân đầu người ước tính đạt 2.385 USD (khoảng 53,5 triệu đồng), tăng 170 USD so với năm 2016.

Giải thích cho con số tăng trưởng, đơn vị công bố cho biết động lực đến từ hai phía cung – cầu, thể hiện qua các con số “đẹp” của tổng mức bán lẻ, xuất nhập khẩu, việc chuyển đổi cơ cấu các ngành kinh tế cũng như trong nội bộ từng ngành.

Bên cạnh đó, các kết quả này có được còn nhờ vào vai trò của Nhà nước kiến tạo đã xây dựng được môi trường kinh doanh tốt, huy động và phát huy được nguồn lực xã hội.

Điều này đã được TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) nhiều lần nhấn mạnh.

Những nỗ lực lớn của Chính phủ trong 2 năm qua

Ông Nguyễn Đình Cung cho biết từ đầu năm 2017, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 19 về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, định hướng đến năm 2020.

Ảnh: Mai Lân, đồ hoạ: Hương Xuân

Ảnh: Mai Lân, đồ hoạ: Hương Xuân

Sau đó, Thủ tướng đã có cuộc gặp thứ hai với doanh nghiệp và quyết định lấy năm 2017 là năm “giảm phí cho doanh nghiệp”. Cũng trong năm này đã ghi nhận việc Chính phủ ban hành tới 14 Nghị quyết về đơn giản hoá thủ tục hành chính trên phần lớn các lĩnh vực quản lý nhà nước. Đồng thời, liên tục trong các các cuộc họp từ tháng 6 – 10, các chỉ đạo cụ thể về cải thiện môi trường kinh doanh được đưa ra.

So với thời gian trước, hai năm vừa qua, theo nhìn nhận của ông Cung, môi trường kinh doanh đã trở thành trọng tâm trong điều hành của Chính phủ. Với chỉ đạo cụ thể đồng thời liên tục đánh giá, cập nhật kết quả, Chính phủ đã tạo áp lực lên các Bộ, đặc biệt là các Bộ trưởng.

Điều này đã giúp cho năm 2017 ghi nhận một số chuyển biến đáng kể của các Bộ như Công thương, Tài chính, Ngân hàng Nhà nước,… Đơn cử như Bộ Công thương đã có quyết định chưa từng có trong lịch sử, xoá đi 675 điều (hơn 50%).

Nhiều quy định kiểm tra chuyên ngành cũng được rà soát lại để chuyển sang hoạt động quản lý Nhà nước theo hình thức khác…

Cấp địa phương cũng có những chuyển đổi tích cực thông qua việc gặp gỡ với doanh nghiệp thực chất hơn, thay vì chỉ là “nghi thức” như trước đây.

“Như vậy, đã có nhiều chuyển động từ Chính phủ đến các Bộ, ngành, địa phương”, ông Nguyễn Đình Cung nói.

Dù vậy, so với các nước trong khu vực như Singapore, Thái Lan, Malaysia, kết quả cải cách của Việt Nam vẫn còn khiêm tốn. Thời gian vừa qua, theo ông Cung chỉ là bước khởi đầu, Việt Nam còn rất nhiều dư địa trong quá trình này và nếu thuận lợi thực hiện được, đây sẽ là môi trường lý tưởng trong mắt các nhà đầu tư trong và ngoài nước, đồng thời, là động lực cho tăng trưởng kinh tế.

GDP Việt Nam hoàn toàn có thể đạt 8-9% thay vì loay hoay 6-7%

Ảnh: Mai Lân, đồ hoạ: Hương Xuân

Ảnh: Mai Lân, đồ hoạ: Hương Xuân

Dư địa tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong mắt ông Nguyễn Đình Cung là rất lớn. Vấn đề này đã được ông nhấn mạnh trong nhiều năm.

Thứ nhất, ông Cung đề cập đến việc nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn vốn, đặc biệt là vốn, tài sản của nhà nước vì “tài sản khu vực công thậm chí còn nhiều hơn số GDP hàng năm của nền kinh tế”. Do vậy, nếu gia tăng hiệu quả sử dụng ở khu vực này thì đấy sẽ là nguồn lực rất lớn, dư địa lớn đối với tăng trưởng.

Thứ hai và vấn đề thể chế. “Thể chế là điều quyết định cho một quốc gia phát triển thành công”, Viện trưởng CIEM nói. Mặc dù trong thời gian qua, Việt Nam đã có những cải cách nhất định nhưng so với các nước vẫn còn “kém xa”. Chính điều này là điểm nghẽn cản trở hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp.

Ảnh: Mai Lân, đồ hoạ: Hương Xuân

Ảnh: Mai Lân, đồ hoạ: Hương Xuân

“Nếu nhìn nền kinh tế theo phương diện đó thì còn vô số dư địa để tăng trưởng”, ông Cung nói và nhận định “nếu chúng ta làm tốt thì nguồn lực sẽ tự nhiên chảy về như dòng suối đổ ra biển lớn”.

Cạnh tranh và cách giải cho bài toán tăng trưởng

Đầu tiên, ông Nguyễn Đình Cung cho rằng Việt Nam nên tiếp tục sử dụng các chuẩn mực toàn cầu và thực tiễn tốt quốc tế để cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh.

Ảnh: Mai Lân, đồ hoạ: Hương Xuân

Ảnh: Mai Lân, đồ hoạ: Hương Xuân

Thứ hai, theo ông, cạnh tranh thị trường công bằng là động lực chính thúc đẩy gia tăng hiệu quả kỹ thuật, phân bố. Do đó, tất cả các giải pháp thể chế, cải cách môi trường kinh doanh đều phải hướng tới thị thị trường, cạnh tranh công bằng và gia tăng quy mô cạnh tranh để làm tăng hiệu quả của nền kinh tế. Đồng thời cần làm cho hoạt động kinh doanh tự do hơn, thuận lợi hơn, an toàn hơn, ít rủi ro hơn và giảm thiểu chi phí, từ đó làm gia tăng lợi nhuận của doanh nghiệp.

“Muốn vậy, ta phải tăng cường độ trong cải thiện môi trường kinh doanh và tăng áp lực đối với các cơ quan có thẩm quyển, đặc biệt là các Bộ trưởng và các Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, thường xuyên theo dõi và đánh giá, ai làm được thì khen, ai không làm được thì phê bình công khai trước công chúng. Trọng tâm của cải cách thì không có gì nhiều hơn ngoài việc như tôi hay nói là thị trường, thị trường và thị trường hơn”, ông cho biết.

“Có hàng loạt giải pháp, nhưng một trong những giải pháp quan trọng là phát triển thị trường, nhân tố sản xuất để cho thị trường đóng vai trò chủ trong phân bố nguồn lực”, ông nói thêm.

Đi vào cụ thể, ông Cung cho biết Việt Nam phải tiếp tục đạt mục tiêu trong năm 2018 tăng 14 -18 bậc trên bảng xếp hạng Doing Business, tập trung vào một số chỉ số như khởi sự kinh doanh, cấp phép xây dựng, đăng ký sở hữu tài sản, bảo hiểm xã hội và phá sản, xử lý tranh chấp hợp đồng.

Mặt khác, ông Cung nhận định trong thời gian tới, việc cải cách thể chế và cải thiện môi trường kinh doanh không thể không đụng đến lĩnh vực tư pháp.

Theo đó, Chính phủ, Thủ tướng và các Phó Thủ tướng cần gây áp lực mạnh mẽ hơn đối với các Bộ để các bộ thực hiện cho được bãi bỏ 1/3 đến 1/2 điều kiện kinh doanh và có giao rất cụ thể cho từng bộ, từng thời hạn và quý II năm 2018 phải hoàn thành được.

Ảnh: Mai Lân, đồ hoạ: Hương Xuân

Ảnh: Mai Lân, đồ hoạ: Hương Xuân

Viện trưởng CIEM cũng cho rằng năm 2018 nên được tiếp tục chọn là năm giảm phí cho doanh nghiệp. Đồng thời cần nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực của nhà nước, đặc biệt ở DNNN với tư cách là chủ sở hữu.

Cuối cùng, trong số thị trường nhân tố sản xuất, ông Cung cho rằng Việt Nam phải tập trung vào quyền sử dụng đất và sửa đổi pháp lý để tạo ra nhiều cầu hơn về thị trường về quyền sử dụng đất nông nghiệp. Từ đó thiết lập hệ thống để cho giao dịch giữa cung và cầu với nhau một cách thuận lợi hơn, nhanh chóng hơn, ít tốn kém hơn. Tạo môi trường thuận lợi để cung – cầu gặp được nhau.

“Tôi cho rằng đây là điểm ách tắc đối với chúng ta trong phát triển. Thị trường vốn, thị trường lao động… đã có quy mô nhất định nhưng chúng ta chưa có thị trường về quyền sử dụng đất nông nghiệp và các tài nguyên khác. Vì vậy, chúng ta phải tập trung xử lý để ít nhất trong 3 năm tới mà trọng tâm của nó là thị trường, quyền sử dụng đất, như vậy, mới có được bước tiến trong việc nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực và thúc đẩy trọng tâm thay đổi động lực tăng trưởng của nền kinh tế”, ông Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh.

Vì sao GDP 2017 tăng trưởng “thần kỳ”, vượt mọi dự báo trong nước và quốc tế?

Bài viết mới