TS Nguyễn Đình Cung: Cơ quan nhà nước ít khi chuyển từ “điểm mờ” sang “điểm sáng” trong quản lý!

Nhiều bất cập về thủ tục hải quan, quản lý chuyên ngành

Một trong những nội dung trọng tâm của Nghị quyết 19 qua các năm là vấn đề thủ tục hải quan, cải cách toàn diện các quy định quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hoá xuất nhập khẩu nhằm cải thiện chỉ số thương mại qua biên giới của Việt Nam.

Nghị quyết 19 theo đó đã đạt được một số kết quả tích cực đối trong giai đoạn 2015 – 2017, theo nhận xét của ông Phạm Thanh Bình, chuyên gia Dự án Quản trị Nhà nước nhằm tăng trưởng toàn diện.

Đơn cử như thời gian thông quan hàng hoá đối với hàng xuất khẩu còn 70 giờ và hàng nhập khẩu là 90 giờ. Cơ chế hải quan một cửa quốc gia, kết nối Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) và các Bộ cơ bản hoàn thành và đi vào sử dụng.

Bên cạnh đó, một số thủ tục hải quan bất cập đã được xử lý theo hướng thay đổi phương thức quản lý, hiện đại hoá. Một số các bất cập cũng được giải quyết như thủ tục xét miễn thuế đã được bãi bỏ, thủ tục xác nhận hàng hoá qua khu vực giám sát hải quan đã được điện tử hoá.

Tuy nhiên, ông Bình cũng nhấn mạnh khi thủ tục Hải quan và quản lý, kiểm tra chuyên ngành vẫn còn nhiều vấn đề cần được cải thiện.

Cụ thể, việc vận hành cơ chế hải quan một cửa quốc gia, kết nối Tổng cục Hải quan với các Bộ ngành chưa mang lại hiệu quả như kỳ vọng. Trong đó, số thủ tục thực hiện qua cơ chế một cửa quốc gia còn rất nhỏ so với tổng số các thủ tục mà doanh nghiệp đang phải thực hiện. Đa số các cơ quan, đơn vị đều mới áp dụng điện tử một phần, vừa thực hiện thủ tục điện tử, vừa yêu cầu phải nộp hồ sơ giấy.

Vị chuyên gia này cũng cho biết các cơ quan chức năng chưa giải quyết căn bản vướng mắc về xác định giá trị, tham vấn xác định trị giá tính thuế đối với hàng hoá xuất nhập khẩu.

“Có thể nói đây là vấn đề lớn nhất, gây nhiều phản ứng, bức xúc nhất của doanh nghiệp đối với Hải quan. Cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao, ngợi khen những cải cách về thủ tục hải quan thì chê trách hải quan về vấn đề bấy nhiêu”, ông nói.

Một bất cập khác được ông Bình chỉ ra là tờ khai Hải quan hiện nay chỉ được sửa trước khi phân luồng. Do đó, nếu sau khi phân luồng, doanh nghiệp sửa tờ khai thì sẽ vi phạm hành chính.

Điều này phổ biến đến mức ông Bình cho biết đơn vị Hải quan TP. HCM đã phải ra thông báo nhắc nhở doanh nghiệp chú ý. Thậm chí, trước khi in tờ khai chính thức thì nên in nháp và gửi cho Hải quan xem trước. Tuy nhiên, việc này sẽ khiến cho doanh nghiệp tốn thời gian, mất thêm chi phí.

Hay ông Bình cũng lưu ý Hải quan cần phải giải quyết cho doanh nghiệp thời gian chuyển phát nhanh. Cụ thể, thời gian làm thủ tục hàng chuyển phát nhanh cho doanh nghiệp hiện chỉ trong giờ hành chính, có hàng về ngoài giờ thì doanh nghiệp phải có văn bản đề nghị.

Làm rõ điểm mờ, tránh doanh nghiệp “sáng đúng, chiều sai, sáng mai lại đúng”

Bình luận về ý kiến của ông Phạm Văn Bình, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý Kinh tế trung ương (CIEM) nói rằng khi áp dụng luật phải tìm ra cơ sở pháp lý. Bởi nguyên tắc cơ quan Nhà nước chỉ làm những gì luật cho phép. Do đó, khi gặp những vướng mắc, doanh nghiệp, chuyên gia phải tìm kỹ ở các quy định, lấy đó làm cơ sở trao đổi, đấu tranh đến cùng.

“Nếu không làm rõ thì sẽ có những điểm mờ. Mà cơ quan Nhà nước thì ít khi chuyển điểm mờ sang điểm sáng trong quản lý”, ông Cung nói và nêu quyết tâm phải đấu tranh đến cùng để xoá bỏ những điểm mù mờ này.

Viện trưởng CIEM nói rằng doanh nghiệp rất sợ những bất định. Do vậy, ông nhấn mạnh cần giới hạn tối đa những “điểm mờ” để doanh nghiệp có thể tiên liệu được những rủi ro vốn không chỉ là tăng chi phí mà còn về mặt pháp lý.

“Doanh nghiệp không chỉ sạt nghiệp mà còn có thể dính án phạt, bởi doanh nghiệp có thể sáng đúng, chiều sai, sáng mai lại đúng”, ông Cung nói.

TS. Nguyễn Đình Cung: Vẫn còn những cơ chế “xua đuổi” khoa học công nghệ ra khỏi nền kinh tế!

Bài viết mới