Mức tăng trưởng GDP 6,7% là một dấu ấn nổi bật
TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nhận đinh, 2017 là một năm bận rộn và thành công nếu tổng kết và so sánh với những năm trước đó. Ngoài ổn định vĩ mô và giải quyết được các vấn đề xã hội, dấu ấn của năm nay là 13/13 chỉ tiêu kinh tế đều đạt và vượt mục tiêu đề ra. Đáng chú ý, mục tiêu tăng trưởng GDP đã vượt mức 6,7% nhờ vào tăng trưởng của ngành nông nghiệp và công nghiệp chế biến, chế tạo thay vì khai thác tài nguyên.
“Tăng trưởng GDP năm 2017 là mức cao nhất trong nhiều năm trở lại đây. Chỉ tiêu này đạt được là một thành công. Đầu năm, mọi người đều nghi ngờ khả năng đạt được chỉ số này. Quý I tăng trưởng 5,2%, mọi người càng nghi ngờ khả năng đạt được. Nhưng Thủ tướng đã chỉ đạo rất quyết liệt theo hướng, vừa thúc đẩy cải cách chiều rộng, vừa cải thiện môi trường kinh doanh, để nâng cao tính thị trường, huy động nhiều nguồn lực hơn cho phát triển” – ông Nguyễn Đình Cung nói.
Thành công trong năm 2017 còn thể hiện qua kết quả cải thiện môi trường kinh doanh. Bảng Xếp hạng Môi trường kinh doanh (Doing Business 2018) của Ngân hàng Thế giới cho thấy, Việt Nam đã có sự cải thiện đáng kể, lên vị trí 68/190 nền kinh tế, tăng 14 bậc so với năm ngoái (vị trí 82). Ông Nguyễn Đinh Cung đánh giá, cải cách đã lan tỏa từ trung ương đến địa phương, từ chính phủ để các bộ ngành, chứ không phải “trên nói mà dưới không làm gì”.
“Chính phủ đã chỉ đạo rất quyết liệt, hàng tháng, hàng tuần đều có chỉ đạo với những mục tiêu rất cụ thể: phải cắt giảm từ 1/3-1/2 số điều kiện kinh doanh, thu hẹp danh mục kiểm tra chuyên ngành, giảm ½ số lượt kiểm tra chuyên ngành,… Nhưng điều quan trọng tôi nhìn thấy là các bộ bắt đầu chuyển động và chuyển động khá tích cực. Ví dụ: Bộ Công thương đã có một kế hoạch ngay tức khắc cắt giảm 675 điều kiện kinh doanh; Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cắt giảm 34,2% số điều kiện kinh doanh; Bộ Xây dựng không những giảm điều kiện kinh doanh mà cắt giảm cả ngành nghề kinh doanh có điều kiện; Bộ Khoa học và Công nghệ dẫn đầu về đơn giản hóa kiểm tra chuyên ngành, danh mục kiểm tra chuyên ngành,… Từ đó chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm trong quản lý nhà nước. Ở rất nhiều địa phương có sáng kiến cà phê doanh nhân, trung tâm hành chính công” – ông Nguyễn Đình Cung nêu ví dụ.
Kỳ vọng gì trong những năm tiếp theo?
Viện trưởng CIEM cho rằng, thành công trong năm 2017 còn phải kể đến việc ban hành được 3 Nghị quyết của Đảng: Nghị quyết về Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, Nghị quyết về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước, Nghị quyết về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN.
“3 Nghị quyết này đặt nền tảng về chính trị cho việc đẩy mạnh hơn nữa cải cách theo hướng thị trường trong những năm sau. Như thế, cũng tạo thuận lợi cho Chính phủ trong việc triển khai các công việc cải cách như lâu nay đã làm” – ông Nguyễn Đình Cung nhận đinh.
Theo ông Nguyễn Đình Cung, Chính phủ cần tiếp tục cải cách trong những năm tới. Qua những khảo sát thực tế, CIEM vẫn ghi nhận được nhiều ý kiến của doanh nghiệp, bức xúc về việc bị thanh tra, kiểm tra nhiều lần trong năm. Các cơ quan nhà nước không phối hợp với nhau, trong khi Thủ tướng đã ký ban hành chỉ thị chỉ được thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp 1 lần/năm. Cấp dưới chuyển động theo những chỉ đạo của cấp trên, nhưng tinh thần chưa thấm đến từng công chức địa phương.
“Các cải cách vẫn thấp hơn so với yêu cầu. Cần cải cách trên nhiều phương diện, tái cơ cấu và chuyển đổi mô hình tăng trưởng với quy mô rộng lớn hơn, nhanh hơn, nhất quán, đồng bộ hơn thì mới có thể đạt được bứt phá về tốc độ tăng trưởng. Tôi muốn và kỳ vọng mức tăng trưởng GDP phải 7,5-8% hay 8,5%” – ông Nguyễn Đình Cung nói.