Phát biểu tại Hội thảo “Giải pháp tín dụng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa” diễn ra chiều nay (5/10), TS Lê Xuân Nghĩa – nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, chuyên gia tài chính ngân hàng chia sẻ về những khó khăn trong trung và dài hạn từ bối cảnh kinh tế trong và ngoài nước đã tác động tới nền kinh tế Việt Nam.
Ông Nghĩa cho rằng, hiện nay các DNNVV có hai rủi ro lớn đó là việc nhiều DN đã đầu tư ngoài ngành và phát triển quy mô của chính sản phẩm của mình mà không quan tâm nhiều tới quy luật phát triển vi mô. Do đó, “các DN đặc biệt là DNNVV cần phải có chiến lược hoạt động hiệu quả và minh bạch thông tin trong báo cáo tài chính. Có như vậy tôi tin rằng Ngân hàng chắc chắn sẽ là người bạn đồng hành cùng DNNVV” – ông Nghĩa nói.
“Khảo sát của chúng tôi cho thấy, lãi suất cho vay trong các chương trình kết nối, các sáng kiến, các gói tín dụng của các ngân hàng thương mại thường thấp hơn mặt bằng lãi suất chung từ 0,5-1,5%. Nhiều DNNVV còn được vay tín chấp từ các NHTM, điều mà trước đây rất hiếm thấy, ngoại trừ đối với DNNN. Từ vài năm gần đây, đặc biệt là từ khi triển khai Thông tư 39 của NHNN, quan hệ tín dụng giữa NHTM và DN đặc biệt là DNNVV đã được cải thiện theo hướng cởi mở hơn, gần gũi và hiệu quả hơn”, ông đánh giá.
Tuy nhiên, ông Nghĩa chỉ ra việc mở rộng tín dụng cho DNNVV, cho kinh tế hộ gia đình và cho vay tiêu dùng trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt hiện nay giữa DN với DN và ngân hàng với ngân hàng cũng đặt ra nhiều rủi ro rất đáng quan tâm: (1) rủi ro về sử dụng vốn sai mục đích; (2) rủi ro về việc sử dụng vốn ngắn hạn đầu tư dài hạn, đặc biệt là BĐS; (3) rủi ro về việc mở rộng quy mô không phù hợp với nhu cầu thị trường và năng lực quản lý của DNNVV; (4) rủi ro về quản lý vốn, quản lý tài chính của DN thiếu minh bạch.
Vì vậy, theo chuyên gia, bên cạnh việc mở rộng tín dụng cho DNNVV, các ngân hàng cần có cơ chế và biện pháp kỹ thuật thích hợp để giám sát việc sử dụng vốn vay một cách hiệu quả nhất, tránh lệ thuộc vào quy trình thủ tục đơn thuần, ví dụ, hệ số sử dụng công suất thiết bị , định mức tiêu hao nguyên vật liệu và chi phí nguyên vật liệu trên doanh thu, đơn giá tiền lương tiền công và chi phí tiền lương trên doanh thu,…
Ông Nghĩa cho rằng các DN phải báo cáo định kỳ cho ngân hàng về các chỉ tiêu tài chính cơ bản có liên quan đến sử dụng vốn vay. Điều này vừa giúp cho ngân hàng quản lý nợ có hiệu quả, đồng thời giúp DN quản lý vốn vay và tài chính hữu hiệu, tránh những sai lầm đáng tiếc.
Muốn vậy, các cán bộ tín dụng cần có kế hoạch bám sát hoạt động của DN, hỗ trợ DN về quản lý vốn và sử dụng vốn vay, kịp thời phát hiện những rủi ro có thể chấn chỉnh và kiến nghị giải quyết xử lý.